Vào nội dung chính
PHÁP

Công dân Pháp, đối tượng ưa thích của bọn bắt cóc con tin

Theo một công trình nghiên cứu năm 2010 và đến nay vẫn mang tính thời sự, các công dân Pháp thuộc loại bị bắt cóc nhiều nhất trên thế giới, về số lượng thì chỉ đứng sau Trung Quốc. Nếu trong năm 2004, "chỉ" có hơn một chục người Pháp là nạn nhân của các vụ bắt cóc, thì năm 2008 con số này là 58 người, còn số lượng của các năm sau không được công bố.

Chỉ trong bốn năm, số người Pháp bị bắt cóc đã tăng gấp năm lần (DR)
Chỉ trong bốn năm, số người Pháp bị bắt cóc đã tăng gấp năm lần (DR)
Quảng cáo

Cho đến nay, vẫn còn sáu nhân viên của các tập đoàn Pháp Areva và Satom đang còn nằm trong tay Aqmi, tức Al Qaida ở Bắc Phi Hồi giáo. Có một điều chắc chắn là, « thương vụ » khủng bố hoặc mafia loại này rẩt khấm khá. Đây là kết luận trong cuộc hội thảo do trường thương mại cao cấp Edhec tổ chức, với chủ đề « Bắt cóc con tin : Các doanh nghiệp đứng trước mối đe dọa ngày càng tăng ».

Có nhiều lý do khiến các công dân Pháp trở thành đối tượng được bọn bắt cóc con tin ưa thích. Trước hết, đó là vì ở hầu hết các nước trên thế giới đều có sự hiện diện của người Pháp. Hiện nay có khoảng một triệu rưỡi người Pháp sống ở ngoài lãnh thổ Pháp, và hàng năm có khoảng 50.000 người đi công tác nước ngoài. Tuy không phải là nước nào cũng nguy hiểm, nhưng quân nổi dậy và bọn mafia tại khoảng 15 nước rất chăm chỉ trong việc bắt con tin.

Nicolas Umana, người đã tham gia vào việc thương lượng trả tự do cho Ingrid Betencourt - ứng viên tổng thống Colombia mang hai quốc tịch Pháp-Colombia, bị bắt cóc và giam giữ suốt sáu năm trong rừng rậm Amazone – nhấn mạnh : « Về vấn đề bắt cóc, có hai điều đại kỵ là việc di chuyển thường lệ và vào giờ giấc cố định ». Còn Franck Chaix, người đứng đầu đơn vị can thiệp của lực lượng siêu cảnh sát GIGN, đã cùng với cơ quan tình báo Pháp lên kế hoạch chuộc chiếc tàu buồm Ponant bị hải tặc Somalia bắt cóc năm 2008 cho biết : « Một số công ty chấp nhận các rủi ro này, còn số khác thì hoàn toàn không ý thức được ».

Giáo sư Bertrand Monnet của trường Edhec, chuyên ngành quản lý rủi ro từ tội phạm, phụ trách một ê-kíp hơn một chục người chuyên nghiên cứu về rủi ro của doanh nghiệp trong đó có nguy cơ nhân viên bị bắt cóc, giải thích tiếp các nguyên nhân khiến dân Pháp thường là nạn nhân của bọn bắt con tin.

Nguy cơ này là hiển nhiên trong một số lãnh vực như thăm dò, khai thác dầu khí. Tập đoàn Total chẳng hạn, không có chọn lựa nào khác, buộc phải hiện diện tại Nigeria hay Areva tại Niger, chưa kể đến những nhà thầu phụ của các tập đoàn trên. Một số khu vực cũng là nơi bọn tội phạm hoành hành như tại Mali, nơi người Pháp đã có mặt từ rất lâu. Bên cạnh đó báo chí Pháp cũng có truyền thống làm những phóng sự công phu, gởi các nhà báo đến những vùng nguy hiểm. Tương tự đối với các hiệp hội nhân đạo có quy mô lớn.

Theo giáo sư Bertrand Monnet, có nhiều dạng bắt cóc con tin khác nhau. Loại thứ nhất là bắt cóc vì đấu tranh cho một lý tưởng nào đó, như kiểu của tổ chức khủng bố Al Qaida, và đối với tổ chức này thì công dân Pháp được nhắm đến nhiều nhất. Tiếp đến là bắt cóc để « làm ăn » của các nhóm mafia chuyên biệt, như tại Somalia, tại vùng châu thổ Niger, hay tại Colombia.

Tại đây tất cả đều được chuyên nghiệp hóa. Việc rình rập con mồi có thể kéo dài nhiều tháng. Mọi sinh hoạt của nạn nhân đều được nghiên cứu tỉ mỉ, và vụ bắt cóc được thực hiện bởi một ê-kíp được huấn luyện kỹ càng, chỉ diễn ra trong vỏn vẹn hai phút đồng hồ. Tiếp đó, việc thương thảo để chuộc lại con tin ngày càng giống như thương lượng các hợp đồng thương mại, với các nhà thương thuyết đầy kinh nghiệm của bọn bắt cóc. Cuối cùng là các vụ bắt cóc đột xuất không dự tính trước. Đây mới là trường hợp nguy hiểm nhất, vì những kẻ bắt cóc thường không chuyên, dễ bị hoảng loạn dẫn đến manh động…

Làm thế nào để tránh bị bắt cóc theo kiểu này ? Giáo sư Bertrand Monnet khuyến cáo, các nhà tư vấn trẻ tuổi đi công tác nước ngoài, nên tránh việc người đón cầm tấm bảng ghi đầy đủ tên họ, chức vụ, tên công ty. Đi dạo với bộ com-lê tại Nigeria cũng rõ ràng là bất cẩn. Và nhìn chung với các công ty, sử dụng người tại chỗ đôi khi vẫn tốt hơn. Còn nếu hoàn cảnh không cho phép chọn lựa, thì tại những vùng đặc biệt, nên được hộ tống vũ trang. Tuy nhiên giáo sư Monnet không chủ trương thu mình trong các lô-cốt như người Mỹ, mà sống hòa mình với người dân địa phương cũng là một đảm bảo an toàn.

Còn khi điều tệ hại nhất đã xảy ra thì phải biết quản lý được tình huống. Trong đa số các trường hợp, có những hợp đồng bảo hiểm đặc biệt giúp các nhà thương thuyết có chỗ dựa, một khi vụ bắt cóc đã thực hiện xong. Có điều phức tạp là nhiều lực lượng tham gia thương lượng : các nhà thương thuyết của tư nhân, của chính phủ, những người phụ trách an ninh nội bộ của các công ty có thể dẫm chân lẫn nhau.

Bên cạnh đó còn có các nhân tố khác như thân nhân của nạn nhân, các phương tiện truyền thông. Các lực lượng bắt cóc chuyên nghiệp như Farc ở Colombia lại còn gây sức ép hết sức nặng nề, vì họ thừa sức cầm giữ con tin trong một thời gian rất dài. Còn tại vùng châu thổ Niger, bọn hải tặc thậm chí còn để cho con tin tự thương lượng tiền chuộc.

Đối với các công ty bảo hiểm, đây là một loại hình kinh doanh mới siêu bí mật, mà từ ngữ trong nghề gọi là « K & R » tức « kidnapping et rançon » (bắt cóc và chuộc mạng). Doanh số hàng năm trên toàn cầu của loại hình bảo hiểm này được ước lượng khoảng 450 triệu đô la, và người ta chỉ biết được có thế.

Thomas Beringer, giám đốc công ty Riskmedia, chuyên làm trung gian bảo hiểm cho các nhà báo cho biết : « Các hợp đồng của chúng tôi đều được mã hóa, chỉ có rất ít người trong công ty biết nội dung ». Mục tiêu là làm thế nào giữ bí mật tuyệt đối danh sách những người được bảo hiểm, kẻo nếu bọn bắt cóc biết được thì chúng sẽ tìm cách nâng số tiền chuộc lên.

Còn đối với Anthony Fienberg của trang web toutsurlassurance.com, thì tại Pháp có từ 1.000 đến 2.000 hợp đồng bảo hiểm loại này, và một hợp đồng có thể bảo hiểm cho nhiều người. Theo ông thì con số này còn ít so với nhu cầu. « Người Pháp đợi đến khi ngã bệnh mới chịu mua bảo hiểm y tế, và khi chưa thấy ai bị bắt cóc thì cho rằng mua bảo hiểm cho việc này là không cần thiết ». Tuy vậy nhu cầu cũng đang tăng lên : nếu trước đây công ty chỉ ký được một hợp đồng loại này một năm, thì nay lên đến 15 hợp đồng.

Nhìn chung phí « bảo hiểm bắt cóc” khoảng vài ngàn euro một năm, đôi khi năm, sáu ngàn euro. Một con số nhỏ bé so với số tiền chuộc có khi lên đến hàng triệu euro. Các hợp đồng này không đơn giản là chỉ bảo đảm trả món tiền chuộc mạng bị bọn bắt cóc đòi hỏi mà cả trường hợp bị mất mát. Hợp đồng tính cả việc huy động các nhà thương thuyết, khiến các tập đoàn lớn hài lòng vì giữ được bí mật. Còn theo kết luận của Bộ Ngoại giao Pháp, thì càng giữ kín vụ bắt cóc, thì cơ hội giải thoát được con tin lại càng cao hơn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.