Vào nội dung chính
PHÁP-XÃ HỘI

Cải tổ hệ thống hưu bổng của Pháp, chẳng ai hài lòng

Cải tổ hưu bổng là đề tài chiếm trọn trang nhất tất cả các báo Pháp trong ngày : tất cả các công đoàn, người lao động, các đảng phái chính trị từ tả sang hữu đều bất mãn với kế hoạch cải tổ vừa được thủ tướng Pháp công bố hôm 11/12/2019.

Đông đảo người dân Pháp biểu tình chống cải tổ chế độ hưu trí, ngày 10/12/2019.
Đông đảo người dân Pháp biểu tình chống cải tổ chế độ hưu trí, ngày 10/12/2019. Bertrand GUAY / AFP
Quảng cáo

Trước hết, các báo cùng trở lại với những biện pháp chính của kế hoạch. Le Figaro đúc kết "chế độ phổ quát tính theo điểm tích lũy được trong thời gian đi làm".

Chế độ phổ quát tính theo điểm

Báo La Croix nhìn thấy ít nhất ba "điểm then chốt" trong kế hoạch cải tổ đó : Một là thế hệ sinh năm 2004 sẽ được hưởng chế độ hưu bổng mới, tính theo điểm tích lũy trong thời gian đi làm, biện pháp cải tổ không liên quan đến tất cả những người lao động sinh trước năm 1975. Điểm quan trọng thứ hai là tuổi tối thiểu để về hưu. Bài toán không đơn giản vì có ít nhất ba trường hợp khác nhau : nếu đi làm sớm, ta có thể nghỉ hưu khi tròn 60 tuổi. Bình thường thì người ta có thể về hưu năm 62 tuổi, nhưng trong kế hoạch cải tổ, chính phủ Pháp đưa thêm một khái niệm nữa gọi là "ngưỡng" 64 : đấy là tuổi về hưu bảo đảm được lãnh đầy đủ lương hưu cơ bản. Về hưu trước 64 tuổi, sẽ bị "phạt" ngược lại đi làm thêm sau thì sẽ được "thưởng" thêm. Mức tiền phạt và tiền thưởng đó hiện chưa được ấn định chắc chắn.

Vấn đề thứ ba là trong chế độ mới lương hưu được tính theo điểm tích lũy, mỗi điểm tương đương với một số tiền. Nhưng ai là người ấn định giá trị của mỗi điểm lương hưu đó ?

Tờ báo kinh tế Les Echos nêu lên những câu hỏi thiết thực với người lao động : Với chế độ mới, các khoản đóng góp cho quỹ lương hưu của những người đang đi làm có tăng lên hay không ? Đổi lại, lương hưu trong tương lai tăng hay giảm ?

Libération chơi chữ trong bài báo "Từng điểm một": Điểm ở đây vừa là những điểm tích lũy để về hưu trong chế độ mới và cũng là những điểm đã được thủ tướng Pháp nêu bật trong kế hoạch cải tổ sắp tới đây. Tờ báo đối chiếu quan điểm của chính phủ và giới công đoàn. Đương nhiên, thủ tướng Edouard Philippe và các bộ trưởng liên quan chỉ nói tới những điểm "lợi" trong kế hoạch mới, còn nhìn từ phía các công đoàn, thì người lao động sẽ "mất mát nhiều" với chế độ mới.

Đồng loạt chống đối

Trong bài xã luận tờ báo thiên tả này mỉa mai : Edouard Philippe đã rất thành công. Ông tìm cách hạ nhiệt tình hình trong công ty đường sắt quốc gia, muốn trấn an các giáo chức, muốn chia rẽ các tài xế lái xe điện ngầm ... Thế nhưng, giới tài xế métro lại đoàn kết hơn bao giờ hết. Các thầy cô giáo càng lo lắng hơn sau khi nghe thủ tướng trình bày kế hoạch cải cách và căng thẳng trong ngành hỏa xa của Pháp không hề thuyên giảm. Ngay cả hai công đoàn tương đối ủng hộ tiến trình cải tổ là UNSA và CFDT cũng "nổi giận". Bài xã luận mang tựa đề "Chiffon Rouge", ngụ ý chính phủ khiêu khích công luận.

Trong khi đó, tờ Le Figaro thân hữu và báo kinh tế Les Echos tán đồng thái độ cứng rắn của chính quyền trên hồ sơ nhậy cảm này. Xã luận của Les Echos đánh giá đây là một kế hoạch cải tổ "cân bằng", chính phủ hành động một cách "có trách nhiệm" vì bắt buộc phải cải tổ nhưng đồng thời cũng đã kéo dài giai đoạn chuyển tiếp vì "công bằng xã hội". Cũng báo Les Echos đánh giá chính phủ đã có những bước "nhượng bộ không nhỏ". Vấn đề còn lại là liệu rằng "các điều kiện" để công đoàn chấp nhận kế hoạch cải tổ đó có được hội đủ hay không ? Tờ báo cho rằng, chính phủ Pháp "vẫn đang và sẽ phải tiếp tục trả giá cho mối quan hệ không suôn sẻ với các công đoàn".

Báo Công giáo La Croix nhìn rộng hơn khi nêu lên câu hỏi "công luận Pháp liệu có sẵn sàng để thay đổi chế độ hưu bổng hay không ?" Tờ báo chơi chữ : Thủ tướng Edouard Philippe "cứng rắn" nhưng không "cứng nhắc" trên hồ sơ nhậy cảm này.

Tờ Le Monde nói đến tổng thống Emmanuel Macron trong thế của một người làm xiếc đi dây : nới lỏng một số quyết định để làm hạ nhiệt phong trào phản kháng, nhưng đồng thời cũng cần tránh để những người ủng hộ ông thất vọng. Bởi năm 2017 Emmanuel Macron đã được cử tri bầu lên với hy vọng vị tổng thống trẻ tuổi này thực sự cải tổ nước Pháp. Nhưng như một nhà chính trị học của Pháp bình luận : coi chừng, vì muốn làm mọi người vừa lòng, rốt cuộc chẳng một ai hài lòng !

Bầu cử Quốc Hội Anh

Nhìn sang Anh Quốc, tương lai chính trị của thủ tướng Boris Johnson và tương lai nước Anh trên con đường Brexit tùy thuộc vào lá phiếu của cử tri trong cuộc bầu cử hôm 12/12/2019. Với Le Monde, bài toán khá đơn giản : trong trường hợp thủ tướng mãn nhiệm giành được đa số tại Nghị Viện, gần như chắc chắn là Luân Đôn sẽ ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu vào ngày 31/01/2020. Bằng không, vương quốc này lại mất "nhiều tháng đợi chờ" chân trong chân ngoài với Liên Âu. Libération nêu lên một kịch bản thứ ba : Sau cuộc bỏ phiếu hôm nay, không đảng nào có đa số rộng rãi để điều hành đất nước.

Theo báo Les Echos, đảng bảo thủ của thủ tướng Boris Johnson đang dẫn đầu các thăm dò về ý định bỏ phiếu nhưng khoảng cách đã "bị thu hẹp lại trong những ngày gần đây". Cùng lúc, thăm dò trên mạng YouGov cho thấy cử tri trong độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi đăng ký đi bầu tăng 55 % so với hồi 2017 và trong cuộc bầu cử cách nay hai năm, 66 % trong số này đã bỏ phiếu cho Công Đảng. Thông tín viên của báo Le Figaro tại Luân Đôn cũng nhận thấy rằng "tại trụ sở của đảng Bảo Thủ Anh, mọi người trong trạng thái bất ổn". Về phần cử tri, theo nghi nhận của báo La Croix, những người có truyền thống ủng hộ phe bảo thủ còn đang do dự không biết có nên tin tưởng vào Boris Johnson hay không, một số khác "đành cam chịu" vì biết rằng "không có sự chọn lựa nào khác".

Bầu cử tổng thống Algeri

12/12/2019 cũng là ngày cử tri Algeri được kêu gọi bầu lại tổng thống, sang trang thời đại Bouteflika, tất cả các ứng cử viên đều là người của "chế độ cũ" : 2 người từng là thủ tướng, 2 cựu bộ trưởng và 1 người từng là đại biểu Quốc Hội.

Libération dự báo "tỷ lệ người không đi bầu sẽ cao kỷ lục". Một ngày trước bầu cử tổng thống Algeri, hàng ngàn thanh niên tại thủ đô Alger vẫn hô to khẩu hiệu "không có chuyện quay lại với quá khứ". Tờ báo kết luận "không một cuộc bầu cử nào có thể bóp ngạt cuộc cách mạng mà giới trẻ Algeri đang tiến hành".

Le Figaro bi quan hơn qua đánh giá "quân đội và tiền bạc đỡ đầu cho một cuộc bầu cử giả tạo". Một cựu quan chức Algeri thổ lộ "ảnh hưởng của gia đình Bouteflika vẫn còn nguyên vẹn".

Aung San Suu Kyi phủ nhận cáo buộc diệt chủng

Về thời sự châu Á, Libération không khỏi thất vọng vì bà Aung San Suu Kyi, một ngọn chờ đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền từng được thế giới ngưỡng mộ. Trước Tòa Án Công Lý Quốc Tế La Haye, lãnh đạo Miến Điện hòa toàn chối bỏ các cáo buộc "diệt chủng" nhắm vào người Rohingya. Trong suốt bài phát biểu, bà không một lần nhắc đến tên sắc tộc thiểu số này và đã từ chối cộng tác với các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc. Aung San Suu Kyi tuyệt nhiên không giải thích vì sao 740.000 người phải bỏ xứ ra đi hồi tháng 8/2017 sau một đợt "thanh lọc chủng tộc".

Giải Nobel Hòa Bình năm 1991 tuyên bố "rất lấy làm tiếc là Gambia đã căn cứ trên những thông tin sai lệch và không đầy đủ về tình hình tại bang Rakhine" để cáo buộc Miến Điện phạm tội "diệt chủng".

Trung Quốc chuẩn bị một kế hoạch kích cầu ?

Cũng về châu Á, thêm một dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc bị chựng lại. Bắc Kinh phải chăng đang chuẩn bị một gói kích cầu trước viễn cảnh tỷ lệ tăng trưởng vào năm tới chỉ dao động khoảng 6 % ? Theo thông tín viên tờ Le Monde, chính quyền dường như đang chuẩn bị dư luận trước viễn cảnh "GDP nước này tăng ở mức thấp nhất từ 30 năm qua". Nhưng quan trọng hơn nữa là tranh cãi ngày càng trở nên gay gắt trong nội bộ Đảng. Một bên thì chủ trương "cải tổ" và bên kia dứt khoát ưu tiên đạt mục tiêu tăng trưởng cao để đổi lấy ổn định trong xã hội. Phe này đổ lỗi cho chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và dường như lập luận này đang thắng thế.

Dù vậy, điều hãn hữu là một chuyên gia kinh tế Trung Quốc, được tờ Trung Hoa Nhật Báo số ra ngày 11/12/2019 trích dẫn, dám đưa ra nhận định như sau : Không nên đổ lỗi cho Mỹ hay chính sách thương mại của Donald Trump. Mức tăng trưởng thực sự của Trung Quốc chỉ ở khoảng từ 5 đến 5,5 % một năm. Những khó khăn của Trung Quốc chủ yếu xuất phát từ trong nước.

WTO chết não ?

Kể từ 12 giờ đêm 11/12/2019, tòa án trọng tài của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới ngưng hoạt động vì không còn đủ số tối thiểu ba thẩm phán. Les Echos cho rằng "Donald Trump đạt được mục tiêu làm tê liệt Tổ Chức Thương Mại Thế Giới". Le Monde cũng đưa ra nhận định tương tự : Mỹ đã thành công, "dẹp bỏ công cụ bảo đảm mậu dịch đa chiều để áp đặt luật lệ của kẻ mạnh".

Facebook kém hấp dẫn ?

Trong bảng xếp hạng của Glassdoor về những tập đoàn có sức hấp dẫn nhất đối với nhân viên, năm 2019, Facebook bị tụt điểm. Tập đoàn do Mark Zuckerberg lập ra rơi xuống hạng thứ 23, tụt 17 bậc thang so với năm ngoái và mới chỉ cách nay hai năm, Facebook vẫn đứng đầu bảng. Theo tờ Le Figaro, thông thường, bảng xếp hạng Glassdoor căn cứ vào những tiêu chuẩn như là tiền lương, môi trường làm việc "thân thiện", điều kiện làm việc và trang thiết bị dành cho nhân viên trong những giờ giải lao. Điều an ủi duy nhất là trong số các tập đoàn GAFA, Google và Apple cũng bị tụt hạng. Còn Amazon thậm chí không có tên trong danh sách vàng này !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.