Vào nội dung chính
PHÁP - XÃ HỘI

Cải tổ hưu trí : Chính phủ Pháp lâm vào thế kẹt

Mặc dù hôm qua, 11/12/2019, thủ tướng Edouard Philippe đã trình dự án cải tổ hệ thống hưu trí của Pháp, bảo đảm là mọi người sẽ được hưởng lợi từ hệ thống hưu trí « phổ quát », « công bằng hơn » và « vững chắc hơn », nhưng các công đoàn vẫn không chấp nhận và vẫn tiếp tục kêu gọi đình công và biểu tình phản đối.

Nhân viên ngành đường sắt Pháp đang lắng nghe phát biểu trên truyền hình của thủ tướng Edouard Phillipe về dự án cải tổ chế độ hưu trí, Strasbourg, ngày 11/12/2019.
Nhân viên ngành đường sắt Pháp đang lắng nghe phát biểu trên truyền hình của thủ tướng Edouard Phillipe về dự án cải tổ chế độ hưu trí, Strasbourg, ngày 11/12/2019. REUTERS/Vincent Kessler
Quảng cáo

Hưu trí từ lâu vẫn là một hồ sơ vô cùng nhạy cảm ở Pháp, vì người dân Pháp vẫn rất gắn bó với một trong những chế độ hưu bổng tốt nhất thế giới. Không phải đến bây giờ, mà trong hàng chục năm qua, hệ thống hưu trí của Pháp đã được cải tổ nhiều lần để thích ứng với tình trạng dân số già đi. Nhưng ngay từ năm 1991, cố thủ tướng Rocard đã từng tuyên bố : Chỉ cần cải tổ hưu trí là đủ để làm đổ nhiều chính phủ.

Chưa đến mức bị đổ, nhưng trước thời thủ tướng Edouard Philippe, nhiều chính phủ đã lao đao khốn khổ về cải tổ hưu trí, đặc biệt là chính phủ của thủ tướng Alain Juppé. Vào năm 1995, ông Juppé cũng đã từng muốn cải tổ các chế độ hưu trí đặc biệt, nhưng dự án chưa có mà nước Pháp đã bị tê liệt suốt 3 tuần lễ do phong trào đình công trong ngành giao thông công cộng. Bị phản đối quá mạnh, cuối cùng thủ tướng Juppé đã buộc phải từ bỏ việc cải tổ.

Cho tới nay, hệ thống hưu trí của Pháp đã nhiều lần được cải tổ từng phần và kể từ sau chính phủ Juppé, chưa ai dám đụng đến các chế độ hưu trí đặc biệt. Lần này, tổng thống Emmanuel Macron đã thực hiện đúng lời hứa khi tranh cử, đó là cải tổ triệt để hệ thống hưu trí của Pháp.

Để dự án cải tổ thuyết phục được công luận và để các công đoàn không còn lý do tiếp tục kêu gọi đình công biểu tình, chính phủ của thủ tướng Edouard Philippe đã đưa vào đó nhiều bảo đảm để không có một ai, một ngành nào bị thiệt thòi trong một hệ thống hưu trí « phổ quát ». Hôm qua, khi trình bày dự án cải tổ, thủ tướng Philippe đã tưởng rằng công đoàn theo xu hướng cấp tiến CFDT sẽ ủng hộ và như vậy mặt trận công đoàn sẽ bị rạn nứt.

Nhưng cuối cùng, CFDT lại lên tiếng phản đối mạnh không kém các công đoàn kia và thậm chí còn kêu gọi tham gia xuống đường biểu tình toàn quốc ngày 17/12 tới. Mặt khác, không chỉ có ngành giao thông công cộng, mà giới giáo viên cũng hoài nghi về dự án cải tổ hưu trí, mặc dù thủ tướng Philippe hôm qua bảo đảm là lương hưu của họ sẽ không bị giảm và cam kết này sẽ được đưa vào luật. Ngay cả cảnh sát nay cũng nhập cuộc vì lo ngại cho lương hưu của họ sau khi cải tổ.

Ấy là chưa kể giới trẻ, nhất là sinh viên, sẽ rất bất bình vì hệ thống hưu trí phổ quát sẽ chỉ được áp dụng cho thế hệ sinh từ năm 1975 trở đi.

Nói cách khác, chính phủ của thủ tướng Edouard Philippe nay giống như đang « tứ bề thọ địch » và ngày càng lún sâu vào thế kẹt, hầu như không còn lối thoát nào, ngoài việc từ bỏ dự án, hay ít ra là từ bỏ biện pháp bị phản đối mạnh nhất, theo như yêu cầu của toàn bộ các công đoàn, cũng như các đảng đối lập cánh tả. Tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng của ông có lẽ tin tưởng rằng, bất chấp những chống đối đó, dự án cải tổ hưu trí của họ rồi cũng sẽ được toàn thể dân Pháp chấp nhận, và tỷ lệ dân Pháp ủng hộ phong trào đình công biểu tình rồi sẽ giảm. Đây là một nước cờ mạo hiểm, liều lĩnh, vì không ai có thể dự đoán được tình hình sẽ đi đến đâu trong những ngày tới, phong trào chống đối rất có thể sẽ kéo dài cho đến những ngày nghỉ lễ cuối năm, nếu chính phủ không nhượng bộ.

Trong thời gian cuộc đọ sức tiếp diễn, nước Pháp, đặc biệt là vùng Paris, tiếp tục bị tê liệt. Người đi làm sẽ tiếp tục chen chúc khốn khổ, « dài cổ » chờ tàu xe, những người buôn bán sẽ thất thu nặng nề, trong khi bình thường thì những ngày cuối năm là những ngày « hốt bạc ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.