Vào nội dung chính

SIDA : Hy vọng còn xa vời, nhưng điều trị đã hiệu quả hơn

Tính đến cuối năm 2016, trên toàn thế giới chỉ có 19,5 triệu người nhiễm HIV đang được điều trị, tức là mới hơn phân nữa tổng số người bị lây nhiễm ( 36,7 triệu ), theo các số liệu của Liên Hiệp Quốc. Cũng trong năm ngoái, vẫn còn 1 triệu người chết vì SIDA và thêm 1,8 triệu người bị lây nhiễm. Tuy vậy, thế giới cũng đã đạt được nhiều tiến bộ trong cuộc chiến chống SIDA : từ năm 2005 đến năm 2016, số người chết vì SIDA đã giảm phân nữa.

Một loại thuốc điều trị HIV
Một loại thuốc điều trị HIV Reuters
Quảng cáo

Hội nghị quốc tế về SIDA ( IAS 2017 ) vừa khai mạc ngày 23/07/2017 tại Paris. Diễn ra hai năm một lần, hội nghị này là dịp để hơn 6000 bác sĩ và nhà nghiên cứu tổng kết những thành quả nghiên cứu mới nhất về phòng chống SIDA. Ngành y khoa một ngày nào đó có sẽ chữa trị được bệnh này hay không ? Đó là câu hỏi mà ai cũng mong sớm có lời giải đáp.

Virus HIV đã được phát hiện từ cách đây 34 năm, nhưng các nhà nghiên cứu cho tới nay vẫn bất lực trước một con virus có khả năng ẩn mình trong một số tế bào của hệ miễn dịch, « nằm vùng » ở đó và chỉ chờ khi bệnh nhân ngưng điều trị là hoạt động trở lại.

Hiện giờ, những người bị nhiễm SIDA mỗi ngày phải uống các loại thuốc ARV, tức là thuốc kháng HIV. Loại thuốc này đã có từ thập niên 1990 và đã giúp nhiều bệnh nhân HIV kéo dài cuộc sống, thậm chí thêm hàng chục năm. Nhưng họ vẫn phải chịu đựng rất nhiều phản ứng phụ ( tiêu chảy, ngứa ngáy, nôn mữa, nhức đầu…. ). Ấy là chưa kể bệnh nhân phải uống thuốc mỗi ngày suốt đời và những thuốc này rất là tốn kém đối với hàng triệu người, nhất là tại những nước nghèo, không có hệ thống bảo hiểm y tế tốt.

Hy vọng lớn nhất hiện nay là điều trị bệnh nhân càng sớm càng tốt sau khi phát hiện lây nhiễm, đặc biệt là điều trị cho các trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV ngay từ khi chào đời. Các nghiên cứu cũng đang thăm dò những hướng khác : tiêm kháng thể vào cơ thể bệnh nhân để vô hiệu hóa virus HIV, tăng cường hệ thống miễn dịch bằng một loại vaccin « điều trị » hoặc chế tạo những thuốc ARV có tác dụng lâu dài hơn. Hiện giờ, các nghiên cứu chủ yếu là tìm cách để giữ cho virus HIV « nằm vùng » càng lâu càng tốt, hạn chế tối đa các phản ứng phụ và cải thiện những phương tiện ngăn ngừa lây nhiễm.

Theo lời ông Anthony Fauci, giám đốc Viện quốc gia các bệnh dị ứng và bệnh lây nhiễm ( NIAD ), một cơ quan nghiên cứu của Mỹ, diệt trừ hoàn toàn virus HIV trong cơ thể người bệnh là rất khó, thậm chí là không thể được. Các nhà nghiên cứu chỉ hy vọng có thể làm được một việc, đó là làm cho con virus HIV suy yếu đến mức nó không thể tự nhân ra và truyền sang người khác trong một thời gian dài, cho dù bệnh nhân không uống thuốc điều trị.

Nhưng những trường hợp tự thuyên giảm như thế hiện vẫn còn rất hiếm và các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được. Trong một nghiên cứu của Pháp, người ta có đề cập đến trường hợp 14 bệnh nhân đã ngưng điều trị sau 3 năm và đã vẫn sống khỏe mạnh từ đó đến nay. Cách đây hai năm, cũng đã có thông báo về trường hợp một thiếu nữ ngưng dùng thuốc ARV trong suốt 12 năm mà bệnh tình không nặng thêm.

Vào năm 2013, các nhà khoa học Mỹ đã loan báo trường hợp một em bé sinh ra đã bị nhiễm HIV và sau hai năm ngưng cho uống thuốc, đã chặn đứng được virus trong 18 tháng, nhưng cuối cùng, hy vọng đã tan thành mây khói khi virus cuối cùng đã hoạt động trở lại. Hôm nay, tại hội nghị quốc tế về SIDA ở Paris, một nghiên cứu vừa được công bố cho thấy là một bé gái người Nam Phi, nhiễm HIV từ khi sinh ra, đã sống mạnh khoẻ từ 9 năm nay sau khi chỉ được điều trị cho đến một tuổi.

Theo một nghiên cứu mới nhất vừa được công bố hôm nay tại hội nghị quốc tế về SIDA, thay vì uống một thuốc mỗi ngày một viên suốt đời, bệnh nhân có thể được chích thuốc ARV mỗi tháng là có để « ru ngủ » virus HIV. Trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu đó, 230 bệnh nhân nhiễm HIV đã được tiêm một liều ARV trong mỗi bốn tuần hoặc mỗi tám tuần, trong gần 2 năm. Kết quả đạt được cũng tương tự như đối với những người uống thuốc mỗi ngày.

Trong một thông cáo, Paul Stoffels, giám đốc khoa học của tập đoàn dược phẩm Johnson and Johnson cho biết tiêm thuốc điều trị này là giải pháp thay thế và có thể chấp nhận được đối với những người gặp khó khăn trong việc uống thuốc mỗi ngày. Nhưng theo các tác giả công trình nghiên cứu, dù là tiêm thuốc thì cũng phải theo dõi sát tiến trình điều trị, vì nếu không điều trị sẽ thất bại và virus HIV lại phát triển khả năng kháng thuốc ARV.

Phần lớn các bệnh nhân tham gia công trình nghiên cứu nói trên cho biết họ cảm thấy đau ở chổ tiêm thuốc và một số người thì vẫn bị tiêu chảy hoặc nhức đầu.

Về việc ngăn ngừa SIDA, các nhà khoa học nay đang nỗ lực tìm ra một loại vaccin, đồng thời tìm ra những phương pháp mới để tránh lây nhiễm virus HIV. Ngoài bao cao su, hiện vẫn là phương pháp ngăn ngừa hiệu quả nhất, nay có thêm phương pháp vòng đặt tử cung tẩm thuốc ARV, hoặc cắt bao quy đầu để hạn chế lây nhiễm nơi những người đồng tính nam khi họ quan hệ tình dục với nhau. Các nghiên cứu còn cho thấy là uống thuốc ARV trước khi gặp nguy cơ lây nhiễm cũng giúp giảm bớt nguy cơ.

Vấn đề gay go nhất thật ra chính là về mặt tài chính, vì không có tiền thì các nhà khoa học không thể tiếp tục nghiên cứu về SIDA được, thế mà nguồn tài trợ cho việc nghiên cứu này lại đang bị cắt giảm, nhất là bởi Hoa Kỳ, quốc gia đóng góp tài chính nhiều nhất cho công cuộc phòng chống SIDA. Cho nên trong buổi khai mạc hội nghị quốc tế về SIDA hôm qua, các nhà tổ chức đã kêu gọi Hoa Kỳ cố gắng duy trì mức đóng góp, cho dù chính quyền Donald Trump cắt giảm nhiều khoản ngân sách.

Trong năm 2016, các nhà tài trợ công và tư đã đóng góp tổng cộng 19,1 tỷ đôla cho công cuộc phòng chống SIDA, nhưng phải cần có đến 26,2 tỷ đôla để chắc chắn đạt được vào năm 2020 mục tiêu mà Liên Hiệp Quốc đề ra, đó là 90% bệnh nhân nhiễm HIV biết là họ đã bị nhiễm, 90% trong số này được điều trị và 90% số người được điều trị chặn đứng được virus SIDA.

 

 

 

 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.