Vào nội dung chính
KHOA HỌC

Mối, côn trùng giúp chống sa mạc hóa và biến đổi khí hậu

Mối là côn trùng đáng lo ngại nhất đối với các công trình xây dựng vì chúng rất ưa thích gỗ. Thế nhưng, theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, các hoạt động của mối lại có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tiến trình sa mạc hóa ở những vùng có khí hậu bán khô cằn, nhờ vậy, giúp cho các vùng lãnh thổ này kháng cự tốt hơn chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu. 

tổ mối
tổ mối @wikipédia
Quảng cáo

Trong công trình được đăng trên tạp chí khoa học Science, số ra ngày 05/02/2015, các nhà nghiên cứu cho biết, tại những vùng đồng cỏ, thảo nguyên hoặc các khu vực khô cằn ở Châu Phi, Nam Mỹ, Châu Á, các ụ đất do mối làm tổ đùn lên là nơi chứa các chất dinh dưỡng và có độ ẩm cao. Nhờ các ống dẫn nhỏ hoặc các hố nhỏ do mối đào, nước có thể thẩm thấu tốt hơn xuống lòng đất. Các yếu tố này giúp cho thực vật phát triển trên các ổ mối hoặc gần đó, nhờ vậy, hệ sinh thái ở đây có thể kháng cự tốt hơn chống lại hiện tượng « sa mạc hóa ».

Theo bà Corina Tarnita, phó giáo sư môi sinh và sinh học, thuộc trường đại học Princeton, Hoa Kỳ, một trong những tác giả công trình nghiên cứu nói trên, thì khối lượng nước mưa rơi xuống ở các nơi như nhau, nhưng các tổ mối đã làm cho nước mưa lan rộng ra, do vậy, thực vật có thể mọc ở đó hoặc gần đó vì những nơi này có độ ẩm cao. « Thực vật mọc trên tổ mối hoặc ở gần đó kháng cự tốt hơn và lâu tàn hơn. Ngay cả khi thực vật trên tổ mối hoặc khu vực xung quanh có biến mất do hạn hán kéo dài, thì sự hồi sinh của thực vật cũng nhanh hơn ». Nhà khoa học này nhấn mạnh, khi có các tổ mối, thì có nhiều khả năng phục hồi hệ sinh thái hơn.

Dựa trên các quan sát, giới khoa học đã lập ra một mô hình tin học cho phép xác định tác động của các tổ mối đối với các hệ sinh thái khác nhau.

Ông Jef Huisman, giáo sư thủy vi sinh ở trường đại học Amsterdam, Hà Lan, đánh giá là công trình nghiên cứu này đã làm cho phương pháp phòng chống sa mạc hóa hiện nay trở nên lạc hậu, vì không tính đến sự phức tạp, đa dạng của thiên nhiên.

Ví dụ, theo các mô hình phòng chống hiện nay, thì có 5 giai đoạn đánh dấu sự biến đổi của các đồng cỏ, thảo nguyên thành sa mạc và mỗi giai đoạn đều có những đặc trưng cụ thể về sự phát triển của thực vật. Các nhà khoa học đã dùng hình ảnh vệ tinh để xác định từng giai đoạn này.

Thế nhưng, theo các tác giả công trình nghiên cứu của đại học Princeton, thì các đặc trưng của hệ sinh thái bán khô cằn, nơi xuất hiện các tổ mối, dường như rất giống với giai đoạn thứ năm và cũng là giai đoạn cuối cùng của tiến trình sa mạc hóa.

Từ đó, theo ghi nhận của giáo sư Huisman, các nghiên cứu của nhóm chuyên giao đại học Princeton cho thấy, giai đoạn thứ năm, tức là trước khi thảo nguyên, đồng cỏ trở thành sa mạc, theo các mô hình hiện nay, trên thực tế, lại có thể là giai đoạn ngược lại hoàn toàn, vì cây cỏ kháng cự tốt hơn nhờ có tổ mối.

Vẫn theo vị giáo sư này, các mô hình khí hậu phải chú ý hơn tới tác động của những sinh vật sống, như mối hoặc vẹm, những sinh vật tự tạo ra môi trường riêng của chúng.

Chức năng vừa được phát hiện của mối trên các thảo nguyên, đồng cỏ buộc giới khoa học phải suy nghĩ đến vai trò của kiến, chuột đồng, sóc và các sinh vật khác làm tổ trong lòng đất, tác động đến các hệ sinh thái.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.