Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - NGUYÊN TỬ

Trung Quốc : Nhà máy điện hạt nhân nổi trên Biển Đông chỉ là quảng cáo

Ngay từ những dòng đầu tiên của bài viết có tiêu đề « Trung Quốc tung quảng cáo về các nhà máy điện hạt nhân nổi », nhật báo Le Monde đã nhận xét là kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc trên vùng biển đang có nhiều tranh nhấp nhất trên thế giới là một kế hoạch đáng lo ngại.

Nhà máy điện hạt nhân Tần Sơn tại tỉnh Chiết Giang Trung Quốc
Nhà máy điện hạt nhân Tần Sơn tại tỉnh Chiết Giang Trung Quốc Nguồn: wikipedia
Quảng cáo

Được lắp đặt trên tàu hay dàn nổi trên biển, các nhà máy điện hạt nhân quy mô nhỏ sẽ cung cấp điện cho các cơ sở dân sự nằm biệt lập, như các dàn khoan ngoài khơi xa, và cả các cơ sở quân sự trên các hòn đảo mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền.

Tháng 07/2016, chỉ vài hôm sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye đưa ra phán quyết về tranh chấp Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông, báo chí Nhà nước Trung Quốc đã gọi các nhà máy điện hạt nhân này là biểu tượng cho sức mạnh của đất nước. Các tờ báo chuyên ngành của Trung Quốc thì cho biết dự kiến sẽ có 20 nhà máy điện hạt nhân được lắp đặt trên biển.

Các lò phản ứng hạt nhân quy mô nhỏ nằm trong kế hoạch chuyển đổi năng lượng mà theo dự kiến sẽ làm tăng gấp đôi sản lượng điện hạt nhân của Trung Quốc, từ 31 gigawatt như hiện nay lên tới 58 gigawatt vào năm 2020. Ông Lâm Bá Cường, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về kinh tế hạt nhân thuộc đại học Hạ Môn giải thích là giờ đây ai cũng quan tâm tới các nhà máy điện hạt nhân quy mô nhỏ, vì đó là nguồn năng lượng sạch. Hơn nữa, các nhà máy này không đòi hỏi đầu tư nhiều, dễ lắp đặt, và đặc biệt là có thể di chuyển được.

Nhưng theo nhận xét của Le Monde, dự án này trên thực tế có vẻ như tiến triển chậm hơn so với những thông tin báo chí đăng tải. Một nguồn tin giấu tên từ Tập Đoàn Hạt Nhân Trung Quốc (CGN) cho Le Monde biết, kế hoạch lắp đặt các nhà máy hạt nhân di động trên biển mới chỉ là ý tưởng và mới đang ở bước nghiên cứu, chứ chưa thành hiện thực. Và ngay cả khi dự án này được hoàn thành, thì việc mua bán điện từ các nhà máy điện hạt nhân nổi này vẫn còn rất xa vời.

Theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về kinh tế hạt nhân thuộc đại học Hạ Môn, trước hết các nhà xây dựng phải chứng minh được là các nhà máy điện hạt nhân di động đảm bảo an toàn, và cạnh tranh được với các nguồn năng lượng khác. Ấy vậy mà, giờ đây, các tiêu chuẩn an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân nổi vẫn còn chưa được đưa ra. Điều đó có nghĩa là : Mọi chuyện vẫn đang còn ở phía trước.

Trong một cuộc họp báo để tuyên bố bắt đầu xây dựng lò phản ứng, Tập Đoàn Hạt Nhân Trung Quốc (CGN) đã nhấn mạnh đến vấn đề an toàn của các con tàu đặt nhà máy điện hạt nhân trong tương lai. Ông Nhuế Mẫn, trưởng dự án khẳng định là nhà máy điện hạt nhân nổi an toàn hơn nhà máy điện hạt nhân trên đất liền, vì ba lý do. Vì nổi trên mặt nước nên các lò phản ứng không bị ảnh hưởng bởi các con sóng hay các trận động đất. Hơn nữa, nếu sự cố xảy ra, nước biển sẽ làm mát các thanh nhiệt bên trong lò phản ứng. Và cuối cùng, các nhà máy điện hạt nhân nổi nằm cách xa các khu dân cư.

Còn về các nguy cơ quân sự, thì theo Le Monde là rất khó đánh giá. Trung Quốc hiện đang có tranh chấp trên Biển Đông với Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan. Mỹ thì thường xuyên cho tàu đi qua khu vực mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền. Đây là chiến dịch mà Washington gọi là « tự do lưu thông hàng hải ». Nếu chương trình của Trung Quốc tiến triển tốt, thì các tàu chở nhà máy điện hạt nhân sẽ đi trên vùng biển mang tính chiến lược đặc biệt cao. Một chuyên gia Pháp giấu tên đánh giá là rất có thể các nhà máy điện hạt nhân di động sẽ được hệ thống phòng thủ tên lửa bảo vệ.

Le Monde cho biết Trung Quốc không phải nước đầu tiên xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển. Từ những năm 1955, năng lượng nguyên tử đã được dùng để vận hành các tàu ngầm và tàu sân bay. Vào những năm 1960, Mỹ đã lắp đặt một lò phản ứng trên một con tàu trước đây là tàu quân sự, để cung cấp điện cho kênh đào Panama. Mới đây, người Nga lần đầu tiên đã đưa ra ý tưởng về một nhà máy điện hạt nhân nổi 70MW. Theo dự kiến, nhà máy này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2017 để cung cấp điện cho một trạm bơm dầu lửa và một thành phố nhỏ ở vùng cực đông Sibéria.

Pháp nỗ lực để hỗ trợ nhiều hơn cho nạn nhân khủng bố

Nhật báo kinh tế Les Echos cho biết hầu như toàn bộ nạn nhân vụ khủng bố ở Paris vào tháng 11/2015 yêu cầu bồi thường đã nhận được hồi đáp. Quỹ bảo hiểm nạn nhân khủng bố đã nhận được tổng cộng hơn 2.800 hồ sơ và đã chi trả 48 triệu euro cho các nạn nhân này.

Từ tháng 01/2017, Ban chuyên trách hỗ trợ nạn nhân khủng bố sẽ trực thuộc trực tiếp Phủ thủ tướng. Bà Juliette Méadel, đại diện của Nhà nước về hỗ trợ nạn nhân khủng bố cho biết sẽ đề ra mục tiêu mới về khả năng phản ứng, thời hạn xử lý hồ sơ và tính minh bạch để cải thiện chất lượng công tác hỗ trợ nạn nhân khủng bố. Pháp sẽ tổ chức hội thảo quốc tế về công tác trợ giúp nạn nhân khủng bố vào hai ngày 08 và 09/01/2017 tại trụ sở UNESCO tại Paris.

Thuốc lá điện tử : tổng kết đầu tiên của các chuyên gia

Trong bài viết có tiêu đề « Thuốc lá điện tử : tổng kết đầu tiên của các chuyên gia », nhật báo Le Figaro khẳng định thuốc lá điện tử ít nguy hiểm hơn thuốc lá thường. Nếu ở Anh Quốc, thuốc lá điện tử được nhà chức trách trong lĩnh vực y tế coi là công cụ hỗ trợ cai nghiện thuốc lá, thì ở Pháp, bộ Y Tế vẫn tỏ ra dè chừng với thuốc lá điện tử.

Hôm nay, hội nghị khoa học đầu tiên về thuốc lá điện tử được tổ chức tại thành phố La Rochelle, Pháp. Quy tụ các chuyên gia tới từ 14 nước trên thế giới, hội nghị có mục tiêu đánh giá tác động của thuốc lá điện tử. Trong hai ngày, các chuyên gia tập trung vào phân tích thành phần cấu tạo của tinh dầu thuốc lá điện tử, nguyên lý làm bay hơi, mối liên hệ giữa thuốc lá điện tử và việc giới trẻ tập hút thuốc lá, các tác động sinh học …

Thành phần chính trong tinh dầu thuốc lá điện tử là hoạt chất propulen glycol, có vai trò tạo hơi, và còn có thể có thêm các chất tạo mùi. Thành phần không thể thiếu là chất nicotine. Le Figaro cho biết nhiều nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã kết luận là chất nicotine gây bệnh ung thư. Nhưng các nghiên cứu dịch tễ lại không chứng minh được mối liên quan giữa nicotine và căn bệnh gây chết người.

Tháng 04/2014, Hôi đồng cao cấp về sức khỏe cộng đồng đánh giá là các chất lỏng trong điếu thuốc lá điện tử có mức độc hại rất thấp, nhưng hơi tỏa ra khi hút thuốc lá điện tử lại chứa các chất có thể gây độc hại.

Le Figaro dẫn lời giáo sư Dautzenberg, bác sĩ khoa phổi của bệnh viện Pitié-Salpêtrière-Charles Foix cho biết là các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mỗi ngày hút 1 điếu thuốc lá điện tử (200 hơi) cũng không nguy hiểm hơn là việc phải hít vào phổi không khí bên trong nhà ở hay hít phải hơi từ một số loại thuốc điều trị bệnh. Còn khói thuốc lá thường thì có chứa chất monoxyde de carbone và các tác nhân gây ung thư.

Mặc dù các nhà nghiên cứu vẫn chưa có đủ dữ liệu để đánh giá tác hại về lâu dài của thuốc lá điện tử lên cơ thể con người, nhưng giáo sư Dautzenberg vẫn nhấn mạnh là hút thuốc lá điện tử ít nguy hại hơn hút thuốc lá thường nhưng chắc chắn là nguy hại hơn là không hút gì cả.

Còn về tác dụng của thuốc lá điện tử đối với việc ngưng hút thuốc lá, theo kết quả nghiên cứu của Cơ quan chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Pháp, số người hút vừa thuốc lá điện tử vừa hút thuốc lá thường đã giảm từ 82% vào năm 2014 xuống còn 71% vào năm 2015. Một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Addiction vào tháng 06/2016 chỉ ra rằng trong số 7,5 triệu người châu Âu hiện đang hút thuốc lá điện tử, 35% đã ngưng hoàn toàn hút thuốc lá thường và 32% đã giảm hút thuốc lá thường.

Trang nhất các báo Pháp

« Nỗi lo của nhà chức trách Pháp trước sự trở về từ Syrie của các tín đồ Hồi Giáo cực đoan » là tít lớn trên trang nhất nhật báo Le Monde. Hiện tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đang thất thế ở Syria và Iraq, nhưng vẫn còn 700 người Pháp đang đứng trong hàng ngũ của tổ chức khủng bố này. Tuy nhiên, hơn 200 người Pháp đã rời khỏi Syria. Đối diện với sự trở về của những phần tử này, trẻ em có, phụ nữ có, nam giới có, nhà chức trách Pháp đang tìm cách đối phó, từ biện pháp trấn áp thông qua luật hình sự, tới các nỗ lực đưa họ tái hòa nhập xã hội.

Trong khi đó, nhật báo Libération lại hướng sự quan tâm tới tình hình chiến sự ở Aleppo, Syria qua hàng tít chính « Trong lúc này, tại Aleppo … ». Tờ báo cho biết các khu vực ở thành phố Aleppo nằm dưới quyền kiểm soát của phe nổi dậy - thành trì của phe đối lập với chính phủ Syria, đang thu hẹp và suy yếu dần mỗi ngày, dưới các trận oanh kích của quân đội Syria và phe đồng minh. Bị bỏ rơi, bị dồn vào đường cùng, người dân rơi vào cảnh khốn cùng.

Còn trên lĩnh vực kinh tế, nhật báo Les Echos chơi chữ với dòng tựa lớn : « Các nước thành viên OPEC khiến giá dầu lửa bùng cháy » thông qua biện pháp giảm sản lượng dầu lửa. Giá vàng đen đã tăng vọt thêm 8%, và lại vượt quá mức 50 đô la/thùng. Mặc dù Nga không thuộc khối OPEC, nhưng Matxcơva cũng đã hứa nỗ lực giảm sản lượng dầu lửa.

Trên lĩnh vực tài chính - ngân hàng, Le Figaro dự báo : « Tăng tỉ lệ lãi suất : hồi kết cho việc vay tiền quá dễ dàng ». Theo Le Figaro, sự kiện Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, lạm phát kinh tế và nguy cơ chính trị ở Ý đã đẩy lãi suất lên cao trở lại, sau nhiều năm lãi suất ở tỉ lệ gần như bằng 0. Le Figaro nhận định : Đây là một tin xấu đối với các nước nợ nhiều như Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.