Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Facebook tìm cửa quay lại Trung Quốc

 Mạng xã hội lớn nhất toàn cầu là Facebook đang tìm cách quay lại Trung Quốc sau 7 năm bị chặn tại nước đông dân nhất thế giới. Trong bài viết có tiêu đề « Facebook tìm cửa quay lại Trung Quốc », nhật báo kinh tế Les Echos cho biết : Tờ New York Times hôm thứ Ba 22/11/2016 tiết lộ là tập đoàn Facebook đã bí mật phát triển một phần mềm kiểm duyệt, với hy vọng làm hài lòng Bắc Kinh, để chính phủ Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm Facebook tại thị trường Internet lớn nhất thế giới này.

Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg (phải) dự Diễn đàn Phát triển Trung Quốc đón thủ tướng Lý Khắc Cường đến phát biểu  ngày 21/03/2016 tại Bắc Kinh.
Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg (phải) dự Diễn đàn Phát triển Trung Quốc đón thủ tướng Lý Khắc Cường đến phát biểu ngày 21/03/2016 tại Bắc Kinh. REUTERS/Kenzaburo Fukuhara
Quảng cáo

Năm 2009, do không muốn thông tin về các vụ nổi dậy khiến 140 người thiệt mạng ở Urumqi - thủ phủ khu tự trị Tân Cương - bị phát tán rộng rãi trên mạng Internet mà Trung Quốc đã triệt để cấm Facebook.

Phần mềm mới này cho phép Facebook kiểm duyệt được nội dung, qua đó ngăn chặn được các bài viết đăng tải trên tài khoản Facebook của người dùng trong một khu vực địa lý nhất định.

Les Echos cho biết, tờ New York Times rất thận trọng khi khẳng định là hiện tại, Facebook đã đề nghị chuyển nhượng lại phần mềm kiểm duyệt này cho chính phủ Trung Quốc. New York Times cũng cho biết thêm là Facebook đã tìm rất nhiều cách để quay lại thị trường Trung Quốc, nhưng chưa có biện pháp nào thực sự được áp dụng.

Trong một thông cáo, Facebook khẳng định : « Từ lâu nay, chúng tôi đã nói là rất quan tâm tới Trung Quốc, chúng tôi đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu và học hỏi thêm về đất nước này. Nhưng chúng tôi chưa đưa ra bất cứ quyết định nào để tiếp cận Trung Quốc ». Les Echos phỏng đoán rất có thể hãng công nghệ Mỹ sẽ chuyển nhượng phần mềm này cho một bên thứ ba nào đó.

Les Echos cũng nhận xét là ông chủ của Facebook, Mark Zuckerberg, không bao giờ chịu để lỡ bất cứ cơ hội nào để « lấy lòng » Bắc Kinh. Chẳng hạn, hồi tháng 03/2015, Mark Zuckerberg đăng trên tài khoản Facebook cá nhân bức ảnh anh đang tươi cười chạy bộ trên quảng trường Thiên An Môn trong bầu không khí bị bao phủ bởi khói bụi, ô nhiễm.

Và trước khi gặp chủ tịch Tập Cận Bình, Mark Zuckerberg đã đăng tải câu « Thật tốt khi được quay trở lại Bắc Kinh ! ». Còn vào năm 2014, khi ông Lỗ Vĩ, chủ nhiệm Văn phòng Thông Tin Mạng Trung Quốc sang thăm trụ sở Facebook ở California, người ta thấy trên bàn làm việc của ông chủ hãng công nghệ Mỹ đã đặt sẵn tuyển tập dày cộp gồm các bài diễn văn của chủ tịch Tập Cận Bình.

Còn nhật báo Le Figaro cho biết là lệnh cấm của Bắc Kinh không ngăn cản Facebook đạt được những thành công nhất định với các công ty quảng cáo Trung Quốc. Các công ty này mua quảng cáo trên Facbook để thu hút khách hàng nước ngoài. Từ năm 2014, tập đoàn công nghệ Mỹ đã thuê văn phòng ở khu trung tâm Bắc Kinh, cho dù không được phép tuyển dụng nhân viên bản địa.

Nhưng theo nhật báo kinh tế Pháp Les Echos, nếu Mark Zuckerberg muốn chinh phục Trung Quốc và 700 triệu cư dân mạng nước này, Facebook sẽ phải đối mặt với các đối thủ canh tranh nội địa cực mạnh, vì người Trung Quốc có thể không có Facebook, nhưng họ đã có Wechat, một ứng dụng trên điện thoại di động, với rất nhiều dịch vụ đã được tích hợp và hiện đã có tới 800 triệu người dùng thường xuyên mỗi tháng. Đây là một ứng dụng sáng tạo tới mức ngay cả Facebook cũng phải học hỏi.

Châu Âu khẳng định đoàn kết với Ukraina

Trên hồ sơ về Ukraina, nhật báo Le Monde kêu gọi « Ukraina : Châu Âu không nên lảng tránh ». Trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo châu Âu ở Berlin, tổng thống mãn nhiệm Obama đã tái khẳng định là trừng phạt Nga là điều cần thiết. Ông Obama muốn giải quyết xong cuộc khủng khoảng Ukraina trước khi mãn nhiệm vào tháng 01/2017, vì tổng thống Obama biết người kế nhiệm ông sẽ không quan tâm đến hồ sơ Ukraina.

Thời gian còn lại là rất ít nên theo Le Monde, giờ đây trách nhiệm thuộc về châu Âu. Liên Hiệp Châu Âu, từ 3 năm nay, luôn tỏ ra đoàn kết trên hồ sơ Ukraina để khẳng định vị thế và bảo vệ các giá trị của Liên Hiệp. Le Monde kết luận, cho dù sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng châu Âu sẽ rất có lợi khi tái khẳng định sự đoàn kết đối với Kiev.

Trong khi đó, nhật báo công giáo La Croix lại cho biết « Châu Âu khẳng định đoàn kết với Ukraina». Đối với Liên Hiệp, quan hệ với Ukraina vẫn là một ưu tiên. La Croix cho rằng, việc châu Âu cần làm là trấn an Ukraina là châu Âu vẫn là đồng minh chiến lược của Kiev nhằm chống lại chính sách bành trướng của tổng thống Nga Vladimir Putin.

Sức khỏe : Chênh lệch ngày càng tăng ở các nước châu Âu

Trên lĩnh vực sức khỏe, Le Monde có bài so sánh về các chỉ số sức khỏe của người dân ở các nước châu Âu dựa vào cáo báo « Toàn cảnh sức khỏe năm 2016 » của tổ chức OCDE và Ủy Ban Châu Âu công bố ngày 23/11/2016.
Theo báo cáo mới này, tuổi thọ trung bình của người dân Pháp là 80,9 tuổi, cao hơn so với tuổi thọ trung bình ở châu Âu (78,1 tuổi). Mức chênh lệch tuổi thọ giữa nữ giới và nam giới là rất lớn ở Pháp : 86 tuổi ở nữ giới, so với 79,5 tuổi ở nam giới. Nếu nước Pháp nổi tiếng có hệ thống chăm sóc y tế tốt, thì công tác phòng bệnh của Pháp lại kém hơn so với các nước châu Âu khác.

Tỉ lệ nghiện thuốc lá ở Pháp đã giảm trong những năm qua, nhưng vẫn cao ở mức báo động so với mức trung bình của châu Âu. 24% người Pháp hút thuốc hàng ngày, nhiều gấp đôi so với Thụy Điển. Tương tự, mặc dù mức tiêu thụ rượu của người Pháp đã giảm nhiều so với 30 năm trước và chỉ còn 11,5l/người/năm nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 10l/người/năm của người dân châu Âu. Trái lại, về cân nặng, tỉ lệ thừa cân và béo phì ở Pháp, cho dù có tăng nhưng vẫn là tương đối thấp so với các nước khác. Tỉ lệ béo phì của người trưởng thành ở Pháp là 15% vào năm 2014, so với 20% ở Anh và 30% ở Mỹ.

Tỉ lệ tiêm phòng bệnh cúm ở người trên 65 tuổi tiếp tục giảm tại phần lớn các nước châu Âu. Ở Pháp, tỉ lệ này là là 48,5% so với tỉ lệ trung bình 53,5% của châu Âu. Mùa đông năm 2015, dịch cúm bùng phát đã khiến số người chết trong mùa đông cao kỷ lục : 18.300 người. Thêm vào đó, người Pháp không còn tin tưởng vào hiệu quả của vaccin phòng bệnh.Pháp là một trong những nước có tỉ lệ trẻ em không được tiêm phòng sởi cao nhất châu Âu.

Báo cáo sức khỏe của OCDE và Ủy Ban Châu Âu cũng báo động là ngày càng có nhiều người có thu nhập thấp không dám sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tỉ lệ này ở Hy Lạp đã tăng từ 7% vào năm 2008 lên 16% vào năm 2014. Tính trung bình, người có trình độ học vấn thấp có tuổi thọ kém hơn 7 tuổi so với người có trình độ học vấn cao, và người Tây Âu sống thọ hơn 8 năm so với người Đông Âu.

Trang nhất các báo Pháp

Hôm nay, đề tài được các báo Pháp quan tâm là cuộc chạy đua của hai ứng viên Alain Juppé và François Fillon để đại diện cho đảng cánh hữu ra tranh cử tổng thống. Tối nay, cuộc tranh luận tay đôi giữa hai đối thủ sẽ diễn ra trên truyền hình. Tờ báo thiên hữu Le Figaro chạy tựa trang nhất : « Fillon, Juppé : Cuộc chiến về chương trình tranh cử trước giờ tranh luận». Le Figaro nhận định, mặc dù về cơ bản, đường lối của hai ứng viên đều giống nhau, nhưng vài điểm khác biệt cũng đủ để gây ra nhiều cuộc khẩu chiến trong những ngày vừa qua.

Còn nhật báo Le Monde nêu trên trang nhất câu hỏi « Công chức nhà nước : Jupé và Fillon muốn cắt giảm biên chế như thế nào ? ». Le Monde cho biết Alain Jupé và François Fillon đã hứa mạnh tay cắt giảm biên chế nhà nước ở mức nhiều chưa từng thấy. Ứng viên Alain Jupé muốn cắt giảm 200.000 – 300.000 trên tổng số 5,4 triệu việc làm trong các cơ quan nhà nước, cơ quan địa phương và bệnh viện công.

Còn ông François Fillon thì tỏ ra mạnh tay hơn nữa khi muốn cắt giảm tới 500.000 việc làm trong lĩnh vực công. Cả hai đối thủ đều dự kiến sẽ không tuyển người thay thế hoàn toàn số người sẽ về hưu trong giai đoạn 2017-2022, mà theo ước tính của ông Fillon sẽ là khoảng 600.000 người. Nhưng Le Monde nhận định kế hoạch của hai ông Jupé và Fillon đều có vấn đề. Về lý thuyết, chính phủ không thể can dự vào chính sách nhân sự của các địa phương. Các bệnh viện công cũng độc lập về nhân sự.

Vẫn liên quan đến cuộc bầu cử sơ bộ của cánh hữu, tờ báo thiên tả Libération giật tít lớn : « Bầu cử sơ bộ : Chúa Jésus trở lại, hãy cứu với ! ». Theo Libération, ảnh hưởng của tôn giáo tới cuộc đua giữa hai ứng viên Alain Juppé và François Fillon khiến nhiều người lo ngại.

Trên lĩnh vực xã hội Pháp, nhật báo kinh tế Les Echos cho biết « Cuộc ra đi tránh thuế của những người khá giả vẫn tiếp diễn ». Tại Pháp, số hộ gia đình có thu nhập trên 100.000 euros muốn chuyển sang nước ngoài để tránh bị đánh thuế nặng ngày càng tăng.

Và điểm đến được những người này ưa chuộng là Anh, Mỹ và Thụy Sĩ. Những cuộc « ra đi tránh thuế » kiểu này bắt đầu tăng nhanh từ năm 2007 và đặc biệt bùng nổ từ năm 2011. Theo báo cáo của bộ Tài Chính Pháp, năm 2014 có 4.100 trường hợp kiểu này, con số này đã tăng 10% so với năm trước đó.

Còn nhật báo công giáo La Croix lại quan tâm tới số phận di dân sau khi trại tị nạn tại Calais, miền Bắc nước Pháp, sát biên giới với Anh Quốc bị dỡ bỏ cách đây 1 tháng qua hàng tít lớn «Người tị nạn giờ sống ra sao ? »

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.