Vào nội dung chính
TÌNH DỤC - TIN HỌC

Cách mạng tình dục kỷ nguyên tin học

Le Nouvel Observateur chú ý đến một cuộc cách mạng mới đang diễn ra trong lĩnh vực tình dục ở kỷ nguyên tin học. « Một cuộc cách mạng tình dục mới », tựa lớn trang bìa. « Không cần tiếp xúc cũng thấy khoái lạc », Le Nouvel Observateur giới thiệu với độc giả một loạt phương tiện « nhập môn vào lĩnh vực tình dục trên mạng » : kính ba chiều, đồ chơi tình dục nối mạng, búp bê sống… Nhưng thông điệp chủ yếu mà tuần báo muốn chuyển tới độc giả là biến đổi mạnh mẽ của quan niệm về tình dục và tình yêu với kỷ nguyên số.

Trang bìa của tuần báo Le Nouvel Observateur số cuối tháng 7/2015.
Trang bìa của tuần báo Le Nouvel Observateur số cuối tháng 7/2015. DR
Quảng cáo

Trước hết, Le Nouvel Observateur (l'Obs) đưa ra định nghĩa về tình dục kỷ nguyên tin học. « Tình dục 2.0 là gì ? Đó là sự tiếp cận của các cơ thể với vận tốc siêu thanh, nhờ chức năng định vị của các ứng dụng tin học hỗ trợ gặp gỡ. Nhanh chóng, trực tiếp, đối với những ai có nhu cầu tốc hành ». Để làm tình bất chấp khoảng cách, chúng ta có các đồ chơi kết nối mới. L’Obs cho biết, « các phóng viên đã điều tra và… trực tiếp thử nghiệm ».

Không còn cần phải tham gia vào một câu lạc bộ làm quen, la cà tại các hàng quán. Giờ đây, người có nhu cầu chỉ cần sử dụng một ứng dụng định vị, để có thể gặp được người tình lý tưởng, và cùng nhau vui thú một đêm.

Bên cạnh hình thức trên, cuộc cách mạng tình dục đang diễn ra cũng cho phép một người ở tại chỗ có thể hưởng thụ khoái lạc cùng với cả ngàn người khác trên mạng. Theo nhà nghiên cứu Etienne Armand Amato, thuộc Đài quan sát thế giới số hóa ngành khoa học nhân văn, rõ ràng đây là một cuộc cách mạng. Một phương tiện cần thiết để bước vào thế giới này là đồ chơi tình dục nối mạng. Đối tượng của thú vui này có thể là một phụ nữ trẻ, muốn kiếm tiền thêm, ngoài công việc chính. Khi nối mạng với một « camgirl » như vậy, người trả tiền có thể nhận được các khoái cảm giống như tiếp xúc trực tiếp.

Phóng sự của l’Obs kết thúc với hình ảnh Yann Minh, một người đàn ông đam mê tìm kiếm các công nghệ mới để phát triển một thứ tình dục của kỷ nguyên tin học, cho dù ông vẫn chung sống với một phụ nữ. Căn phòng của Yann, chằng chịt dây nhợ, trước mặt ông là một màn hình. Yann tin tưởng chắc chắc rằng những kỹ thuật như vậy cho phép ông làm tình từ xa với nhiều dân mạng khác, đặc biệt qua hình thức các « avatar » (hóa thân).

Hai bức tranh mà l’Obs mô tả, một là sự kỳ diệu của các phần mềm gặp gỡ, và hai là các hình thức thỏa mãn tình dục từ xa, phác họa nên hai trào lưu chính của điều được gọi là « cuộc cách mạng tình dục mới ».

Theo nhà xã hội học Catherine Lejealle, « tất cả đều tìm kiếm một TÌNH YÊU lý tưởng. Nhưng trong khi chờ đợi, người ta chấp nhận, và tự hài lòng với một thứ quan hệ khác, thuộc loại tự do phóng túng. Hiện nay, có một nhu cầu thực sự về các ứng dụng tin học tạo điều kiện cho kiểu gặp gỡ như vậy ». Theo một phụ nữ thuộc trường phái này, tình dục mang lại một sự sảng khoái quan trọng : không tìm kiếm một điều gì « nghiêm túc », chỉ thuần túy là « phiêu lưu », những bạn tình sau vài tháng như vậy có thể chia tay, nhưng sau đó, họ có thể trở thành bạn bè. Ngược lại, trên các diễn đàn mạng rộ lên một tranh luận : liệu làm tình ngay từ khi gặp nhau lần đầu có cản trở một tình yêu ? Nhà xã hội học Jean-Claude Kaufmann, một chuyên gia trong lĩnh vực này, nhận xét : có một sự tương phản giữa quan hệ tình dục-tình yêu trước kia và hiện nay : trước đây người ta yêu trước khi làm tình, còn bây giờ thì ngược lại. Tuy nhiên, tất cả không phải đều là màu hồng, trong một chủ đề vẫn lấy màu hồng là biểu tượng. L’Obs thuật lại kinh nghiệm bất hạnh của một đệ tử của « Tinder » (ứng dụng kết bạn), không hiểu vì lý do gì, đã không gặp được người mong đợi sau rất nhiều nỗ lực.

Ngược lại, nghệ sĩ Yann Minh, người đam mê phát triển các công nghệ cho phép sống một cuộc đời tình dục kỳ thú trên mạng, thì kể lại một gặp bất ngờ. Một phụ nữ mắc căn bệnh xơ não, đang nằm chờ chết tại bệnh viện. Yann cảm nhận, nhờ thực hành tình dục qua ngả avatar, bằng trí tưởng tượng của mình, người phụ nữ đã thụ hưởng những cảm xúc vô cùng mạnh mẽ. Chính Yann cũng đã có lần « hết sức xúc động, khi được một avatar ôm vào lòng ».

Ankara phải từ bỏ thỏa thuận « bất tương xâm » với IS

Quyết định tấn công tổ chức Nhà nước Hồi giáo của Thổ Nhĩ Kỳ là tiêu điểm chú ý của nhiều báo Pháp. « Các cuộc không kích Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, bước ngoặt trong cuộc chiến chống IS » là tựa trang nhất Le Monde. Ankara cũng chấp nhận để Hoa Kỳ sử dụng các căn cứ trên đất Thổ, cho các chiến dịch của liên quân quốc tế chống Daech, sau 10 tháng đắn đo. Le Monde ghi nhận, thỏa thuận mới giữa Washington và Ankara « chưa ráo mực », thì một đụng độ bất ngờ đã nổ ra giữa một nhóm quân thánh chiến IS với binh sĩ Thổ, tại đường biên giới, khiến một sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Đây là biến cố trực tiếp dẫn đến chiến dịch tấn công đêm thứ Năm, rạng sáng thứ Sáu vừa qua.

Về thay đổi khá bất ngờ của Thổ Nhĩ Kỳ, Le Figaro có bài phân tích « Ankara buộc phải xét lại chiến lược ». Kể từ khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo trỗi dậy đến trước cuộc tấn công mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ duy trì một « thỏa ước không đụng độ bất thành văn » với Daech. Đối thủ số một của Ankara không phải là lực lượng thánh chiến Daech, mà là phong trào tự trị của người Kurdistan. Trong cuộc nổi dậy chống lại chính quyền Damas, kể từ 2012, người Kurdistan tại Syria đã giành được quyền kiểm soát nhiều vùng đất rộng lớn, sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Thoạt tiên, Ankara muốn sử dụng lực lượng thánh chiến để chống lại, cả chính quyền Assad và người Kurdistan. Tuy nhiên, phe nổi dậy thánh chiến – không thuộc Daech – phải lùi bước tại Syria, và ngược lại kể từ tháng 3/2015, Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên bị các thành phần thánh chiến tấn công. Tuy nhiên, phải mãi đến đầu năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ mới chính thức bắt giữ và cáo buộc một thành viên Daech là thủ phạm.

Giải thích vì sao lập trường của Ankara « thay đổi… rất chậm », nhà nghiên cứu Metin Gurcan, đại học Bilkent, Ankara, nhận xét : Thổ Nhĩ Kỳ thụ động, vì « quá lo sợ bị trả đũa một khi có sự thay đổi chính quyền tại Syria ». Bài phân tích của Le Figaro bình luận : « Sau khi đã ăn chung bàn với quỷ sứ,… giờ đây Ankara phải chấp nhận trả tiền ».

Obama tới Kenya : Chuyến công du muộn màng

Chuyến đi của Tổng thống Mỹ tới Kenya được nhật báo kinh tế Les Echos nhìn nhận như là một nỗ lực để « ngăn chặn ảnh hưởng Trung Quốc ». Thương mại của Mỹ với Châu Phi hiện chỉ bằng một phần ba so với thương mại Trung Quốc – Châu Phi, cho dù nhiều nước Châu Phi có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Ethiopia, nơi Tổng thống Mỹ sẽ tới ngày thứ hai, dự kiến tiếp tục tăng trưởng gần 10% từ nay đến 2017, bất chấp đe dọa khủng bố.

Tại Kenya, Obama được chờ đợi như một « Thiên sứ », ví von của Le Figaro trong bài « Chuyến đi muộn màng của Tổng thống Mỹ đến mảnh đất Kenya của tổ tiên », với hình ảnh Tổng thống Mỹ trong vòng tay của người chị cùng cha khác mẹ, Auma Obama, với khuôn mặt rạng rỡ. Thủ đô Kenya đã bỏ ra hơn 500.000 đô la để trang hoàng lại diện mạo tiếp đón người con của quê hương.

Tuy nhiên, chuyến công du lần thứ tư của Tổng thống Hoa Kỳ tới lục địa đen được nhiều báo ghi nhận là không đúng tầm mức. « Obama và Châu Phi, lịch sử của một nỗi thất vọng » là hàng tựa của Le Monde. Le Monde dẫn lời một nhà nghiên cứu, đại học Western Ontario, theo đó, Tổng thống Obama đã « không làm gì hơn một cách đáng kể » so với hai người tiền nhiệm, trước khi đưa ra lời kết luận : « có thể bởi vì với tư cách cá nhân, các Tổng thống Mỹ ít hùng mạnh hơn là chúng ta tưởng ».

Cũng Le Monde có bài phóng sự cho thấy, tại Kenya, đông đảo dân chúng chờ đón Obama trong chuyến công du với trọng tâm là thương mại và an ninh này, nhưng nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền cảnh báo khả năng nguyên thủ Mỹ sẽ im lặng trước tình trạng quyền con người tại Kenya bị xâm hại nghiêm trọng. Ngày mai, Obama sẽ có bài phát biểu tại sân vận động Kasarani, có sức chứa 60.000 người. Người ta hy vọng Tổng thống Mỹ có vài lời bằng tiếng Swahili (hay Kiswahili), tiếng nói của cha ông, như Obama đã từng làm trong lần kêu gọi người Kenya đi bỏ phiếu ôn hòa vào năm 2013.

Le Figaro thì có bài « Cuộc hẹn bị lỡ dở của Barack Obama với Châu Phi » lý giải nguồn gốc những trắc trở trong quan hệ song phương từ nhiều biến cố hai thập niên về trước. Năm 1994, chính quyền Mỹ đã bị động trước cuộc diệt chủng Rwanda. Năm 1998, hai vụ khủng bố do Al-Qaida nhắm vào các đại sứ quán Mỹ tại Tanzania và Ethiopia khiến 224 người chết. Mới đây, khi phong trào mùa xuân Ả Rập bùng lên, Washington cũng không hình dung được trước quy mô. Một điểm sáng ít ỏi trong chiến lược ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Châu Phi được Le Figaro ghi nhận là sáng kiến mang lại điện cho 20 triệu cư dân vùng nam sa mạc Sahara, khởi sự từ hai năm trước với tổng đầu tư dự kiến 7 tỉ đô la. Dù vậy, theo Les Echos, dự án khổng lồ này trên thực tế không tiến triển được.

Người khổng lồ Nikkei mua lại báo Financial Times

Sự kiện tập đoàn truyền thông hàng đầu Nhật Bản Nikkei mua lại Financial Times, nhật báo rất có uy tín của Anh Quốc, với 1,2 tỉ euro, rất được truyền thông Pháp chú ý. Bài “Kinh thánh của thủ đô tài chính Anh Quốc trở thành tài sản của Nhật” của Le Monde nhận định : đây là một biến cố lạ thường trong trào lưu toàn cầu hóa của ngành báo chí truyền thông.

Financial Times là cả một đế chế lâu đời với 1.500 phóng viên, làm việc tại 50 văn phòng trên khắp các châu lục, phục vụ thường xuyên cho hai triệu độc giả. Nikkei – tên gọi tắt của tờ « Nihon Keizai Shimbun » - cũng không phải chỉ là một tờ báo, mà là cả một định chế, có tuổi thọ hơn một thế kỷ, với 1.300 phóng viên và 34 văn phòng trên thế giới. Les Echos chỉ ra một nghịch lý trong vụ mua bán khác thường này. Đó là sự thành công của Financial Times trong việc chuyển sang kỷ nguyên internet, với 70% khách hàng sử dụng phiên bản điện tử, gấp ba lần so với cách nay 5 năm. Trong khi đó, Nikkei đang đứng trước nguy cơ bị độc giả thế hệ tin học bỏ rơi.

Theo tổng giám đốc của Pearson, công ty sở hữu Financial Times, « điều kiện tốt nhất giúp cho tờ báo Anh quốc có được thành công trong truyền thông và thương mại là tờ báo này tham gia vào một tập đoàn thông tin số hóa tầm cỡ thế giới ». Về phần mình, chủ tịch Nikkei khẳng định « rất tự hào được làm việc với Financial Times, một trong các báo có uy tín nhất thế giới », chia sẻ với Nikkei các giá trị cơ bản của « nghề làm báo chất lượng cao », với « tiếp cận công bằng, không thiên vị ».

Tuy nhiên, vẫn theo Le Monde, với các nhân viên của Financial Times, tin Nikkei mua lại vẫn là một cú sốc. Tổng biên tập tờ báo hy vọng đây sẽ không phải là « một cuộc hôn nhân gượng ép », và « Nikkei sẽ tôn trọng nguyên tắc sống còn của tính độc lập của ban biên tập ». Một khác biệt căn bản khác là Nikkei có quan điểm « bảo thủ » về chính trị, trong khi đó, tờ báo Anh quốc có lập trường thuộc cánh trung.

Mỹ : « Anh hề » Trump gây lo ngại cho đảng Cộng hòa

Vẫn về thời sự quốc tế, Libération chú ý đến cuộc đua tranh vào vị trí ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa (Mỹ). Bài « Anh hề Trump không còn khiến phe Cộng hòa mỉm cười » nhấn mạnh đến nỗi lo của các đảng viên bảo thủ Mỹ, trước ảnh hưởng đang dâng lên bất ngờ của nhà tỉ phú Donald Trump, 69 tuổi.

Theo một thăm dò dư luận, ông chủ ngành bất động sản này có khả năng nhận được 18% ủng hộ trong đảng, qua mặt Jeb Bush (13%) và thống đốc tiểu bang Wisconsin (12%). Cựu thống đốc tiểu bang Texas Rick Perry bình luận : « nhân vật này là một thứ bệnh ung thư đối với những người thuộc phe bảo thủ. Cần phải cô lập ông ta lại và loại trừ ông ta ».

Ông Donald Trump nổi tiếng với các quan điểm cực đoan, mang tính bài ngoại. Nếu trở thành Tổng thống, ông hứa sẽ xây một bức tường dài 3.200 km ngăn Mỹ với Mêhicô, với tiền của nước láng giềng. Hồi tuần trước, ông Trump đã xỉ vả John McCain, với nhận xét thượng nghị sĩ Cộng hòa này « không phải mà một anh hùng ». Ông nói thêm, « tôi thích những người không bị bắt ». John McCain từng bị tù 5 năm trong thời gian chiến tranh Việt Nam.

Nhiều người thuộc phe Cộng hòa lo ngại, ứng cử viên Donald Trump ra tranh cử độc lập. Chiến lược gia của đảng Cộng hòa Rick Wilson ra một thông báo kêu gọi những người ủng hộ ông Trump trong đảng hãy cảnh giác, để tránh nguy cơ « một người mang họ Clinton nữa đắc cử ».

Trang nhất các báo Pháp

Về thời sự nước Pháp, báo Libération chú ý tới sự thành công của Bộ trưởng Quốc phòng Le Dirian, với ghi nhận « kín đáo và hiệu quả, người đứng đầu ngành quốc phòng là người được Tổng thống tin cẩn ». Tờ báo thiên tả có bài phóng sự điều tra về các phương pháp và mạng lưới quan hệ của viên bộ trưởng gốc Breton này. Theo một nguồn tin từ Quốc hội Pháp, Bộ trưởng Drian là người được giới quân sự tin tưởng nhất, kể từ thời Bộ trưởng Joxe (1991-1993).

Trong khi đó, nhật báo Le Figaro mô tả « Giới giảng viên và Tổng thống Hollande : chia tay ồ ạt », với kết quả điều tra dư luận của Opinion Way, cho thấy uy tín của nguyên thủ Pháp sụt giảm mạnh (21% hiện nay) so với năm 2012 (44%). Một trong những nguyên nhân mà tờ báo thiên hữu dùng để lý giải việc này là cuộc cải cách giáo dục do chính phủ của ông Hollande tiến hành.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.