Vào nội dung chính
ASEAN - KINH TẾ

Hiệp định RCEP : Trung Quốc đánh bật Mỹ về kinh tế khỏi Đông Nam Á

Cuộc họp lần thứ 18 của hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã diễn ra vào sáng 31/10/2019, mở đầu cho loạt hội nghị trong khuôn khổ thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 tại Nonthaburi, Thái Lan.

Trung tâm hội nghị ASEAN 2019, Bangkok, Thái Lan.
Trung tâm hội nghị ASEAN 2019, Bangkok, Thái Lan. RFI\Thu Hằng
Quảng cáo

Trước « làn sóng bảo hộ đang gây tác động đến hệ thống thương mại dựa trên chủ nghĩa đa phương », bất chấp căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại, Thái Lan, nước chủ tịch luân phiên ASEAN 2019, muốn thúc đẩy khả năng hội nhập của ASEAN, đề ra mục tiêu hoàn tất đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào cuối năm 2019.

Các cuộc đàm phán về RCEP được khởi động từ năm 2013, trong đó Trung Quốc là một đối tác lớn, cùng với 10 nước Đông Nam Á và Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand. Hiệp định RCEP được dự kiến ký kết vào năm 2015 nhưng đã bị trì hoãn nhiều lần.

Trong năm 2019, các cuộc thương lượng đã có nhiều tiến triển. Phiên đàm phán chính thức RCEP lần thứ 28 đã diễn ra ở Đà Nẵng (Việt Nam) từ ngày 23-27/09 nhằm xử lý nốt những vướng mắc kỹ thuật còn tồn đọng trước khi báo cáo lên các nhà lãnh đạo cấp cao vào cuối năm.

Theo Bangkok, các cuộc đàm phán về thâm nhập vào các thị trường đã kết thúc đến 80,4% và các nước tham gia đạt đồng thuận 14 trên tổng số 20 nội dung, bao gồm hợp tác kinh tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại, mua sắm của chính phủ...

Với gần 630 triệu dân, Cộng đồng Kinh tế ASEAN là thị trường lớn thứ ba trên thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Nếu RCEP được thông qua vào năm 2020, đây sẽ là thị trường lớn nhất thế giới, với 3,6 tỉ dân (47,4% dân số toàn cầu), chiếm 30% GDP thế giới, 29,1% giá trị thương mại và 32,5% luồng vốn đầu tư toàn cầu.

Việc Mỹ cử phái đoàn cấp thấp nhất đến dự thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 tại Bangkok, được cho là dấu hiệu Washington bớt quan tâm đến khu vực. Nếu dự thảo thỏa thuận RCEP được hoàn tất lần này tại Bangkok, Trung Quốc sẽ thế chân Hoa Kỳ trong việc phô trương ảnh hưởng về kinh tế và thương mại trong vùng. Hoa Kỳ, dưới thời tổng thống Obama đã tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), được ký năm 2016, nhằm làm đối trọng với Trung Quốc trong hiệp định RCEP. Tuy nhiên, tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi TPP năm 2017.

Theo dự kiến, lãnh đạo 16 nước châu Á-Thái Bình Dương tham gia RCEP sẽ họp thượng đỉnh lần thứ ba vào chiều 04/11/2019.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.