Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Hồng Kông : Vì sao phong trào phản kháng ngày càng quyết liệt ?

Đăng ngày:

Cuộc tranh đấu chống luật dẫn độ tại Hồng Kông biến thành phong trào đòi dân chủ với nhiều mục tiêu mới mà cụ thể là tôn trọng dân chủ theo hiệp định 1984. Mặc dù có những hành động bạo lực do một số người biểu tình gây ra trong hai tuần lễ gần đây, phong trào đã bước vào tháng thứ năm với quyết tâm không lay chuyển.

Người biểu tình chống chính quyền Hồng Kông đối mặt với cảnh sát, ngày 20/10/2019.
Người biểu tình chống chính quyền Hồng Kông đối mặt với cảnh sát, ngày 20/10/2019. REUTERS/Kim Kyung-Hoon
Quảng cáo

Lòng phẫn nộ lan rộng, phẫn nộ chống chính quyền địa phương, chống bàn tay của Bắc Kinh và chống hành động thô bạo của cảnh sát. Phong trào phản kháng sẽ đi đến đâu?

RFI đặt câu hỏi với giáo sư Antoine Bondaz, đại học chính trị Paris, chuyên gia Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp.

Tuổi trẻ dấn thân

Sau khi nhượng bộ yêu sách đầu tiên, rút bỏ dự luật dẫn độ, chính quyền Hồng Kông từ chối các yêu sách kế tiếp là trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải từ chức, không được chụp mũ người biểu tình là nổi loạn, cảnh sát phải thả hết những người bị bắt, truy tố những cảnh sát viên nổ súng bắn người biểu tình.

Để trấn áp, chính quyền Hồng Kông sử dụng lại luật thời thực dân cấm đeo mặt nạ đi biểu tình. Còn Bắc Kinh cấm xuất khẩu quần áo, vải đen sang Hồng Kông vì đó là đồng phục của người xuống đường.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn đe dọa « đập tan » mọi ý đồ ly khai.

Thế nhưng vì sao phong trào tranh đấu không suy giảm?

Trước hết, những người tranh đấu là ai, họ muốn gì? Thông tín viên Vincent Sureau từ Hồng Kông cho biết :

"Các nhóm trẻ có tinh thần tranh đấu rất cao với một guồng máy hoạt động tuy không nói tên nhưng đúng nghĩa là một đoàn thể có tổ chức, có phối hợp. Trên các mạng xã hội, họ gồm những người rất linh hoạt và kiên định vì từ tháng Sáu đến nay phong trào đã giành được một số nhượng bộ từ phía chính quyền nhưng toàn bộ yêu sách chưa thỏa mãn hết.

Do vậy, họ tiếp tục đòi hỏi phần còn lại và tiếp tục tranh đấu một cách triệt để cho đến khi nào thành công".

Trong tinh thần dấn thân này, giới trẻ Hồng Kông bước qua một hình thức tranh đấu mới : phản công vào mục tiêu có chọn lựa, những quán ăn, cửa hiệu của người Hoa lục, tẩy chay hoặc đập phá nhưng không cướp bóc. Họ cho biết « cuộc tranh đấu đã đi khá xa ». Không ai còn ở vị thế trung lập : hoặc theo Bắc Kinh chống biểu tình, hoặc theo phong trào dân chủ chống Bắc Kinh. Chính Trung Quốc đã ra tay trước, bắt chẹt các công ty Hồng Kông từ Cathay Pacific cho đến công ty quản lý xe điện ngầm, sa thải nhân viên ủng hộ phong trào chống dẫn độ.

Tuổi trẻ Hồng Kông còn một mục tiêu cụ thể và gần gũi nữa : chống thái độ thụ động của chính quyền Hồng Kông mà nhiệm vụ lẽ ra là phải tích cực bảo vệ dân thay vì tuân lệnh Bắc Kinh.

Theo chuyên gia Antoine Bondaz, cần nhìn lại lịch sử của phong trào phản kháng, với hai điểm mốc quan trọng có thắng có bại, sẽ hiểu vì sao có tình trạng quyết liệt ngày nay :

"Đầu năm 2014 xuất hiện phong trào học sinh tranh đấu đầu tiên trong đó có nhóm Hoàng Chi Phong. Mục tiêu của phong trào này là chống lại một đạo luật mới về giáo dục, đưa vào chương trình môn học « lòng ái quốc ». Ái quốc theo nghĩa yêu Bắc Kinh. Chiến dịch kéo dài nhiều tuần lễ và cuối cùng phong trào học sinh chiến thắng bởi vì trưởng đặc khu Hồng Kông lúc đó là Lương Chấn Anh quyết định không áp dụng đạo luật gây chống đối đó.

Từ chiến thắng này, phong trào Dù Vàng lan rộng ra với mục tiêu tranh đấu bảo vệ dân chủ và nhất là kêu gọi thực thi quyền bầu cử, ứng cử tự do, theo lối phổ thông đầu phiếu. Vào thời điểm đó, chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh không nhượng bộ nữa.

Cuối cùng chiến dịch chiếm đóng trung tâm thành phố bị thất bại. Trong bốn năm kế tiếp, phong trào tranh đấu giảm xuống nhưng trái lại, Bắc Kinh siết lại dần dần các quyền tự do của Hồng Kông. Cụ thể là cấm một số đảng chính trị, cấm một số nhà hoạt động ứng cử và bắt cóc kẻ trước người sau, 5 nhân viên và chủ nhân một nhà xuất bản sách phê phán Tập Cận Bình và đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Những thủ đoạn này của Bắc Kinh đưa đến hệ quả là năm 2019, một phong trào nổi dậy chống luật dẫn độ, bắt công dân Hồng Kông, nơi có luật pháp riêng, đem qua tòa án ở Hoa lục xét xử.

Tại sao dự luật này bị đông đảo dân chúng phản đối và huy động người dân xuống đường ?

Bởi vì, thứ nhất, dự luật này tấn công thẳng vào một nét đặc thù của Hồng Kông mà Trung Quốc không có : đó là Nhà nước thượng tôn pháp luật. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa Hồng Kông và chế độ cộng sản Hoa lục.

Lý do thứ hai, dự luật dẫn độ ,nếu được áp dụng, có thể liên quan đến mọi người, dù là du khách đi thăm Trung Quốc hay doanh nhân buôn bán với Hoa lục. Đây là giọt nước làm tràn ly đầy, dân Hồng Kông xuống đường hàng triệu người là do vậy".

Đối sách của Trung Quốc : hù dọa tinh thần và mượn tay côn đồ

Không ít nhà quan sát lo ngại Trung Quốc sẽ dùng biện pháp mạnh như đã cho quân đội tiêu diệt cuộc tranh đấu chống tham ô và đòi dân chủ của sinh viên và công nhân Trung Quốc trong phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh 1989 ở quảng trường Thiên An Môn.

Người dân Hồng Kông ý thức rủi ro này nhưng hiện nay họ nghĩ rằng Bắc Kinh còn ở trên mặt trận pháp lý, với dụng ý dùng luật Trung Quốc khủng bố tinh thần dân Hồng Kông. Ít nhất 600 người bị bắt trong năm tháng qua, trong đó có nhiều thiếu niên. Tám nhà hoạt động bị xã hội đen phục kích đánh trọng thương.

Chuyên gia Antoine Bondaz phân tích:

"Cho đến bây giờ, hệ thống luật pháp Hồng Kông hoạt động tương đối độc lập. Nếu luật pháp bị Trung Quốc làm thay đổi, thì hệ thống tư pháp bớt áp dụng luật Hồng Kông. Đó chính là mối lo âu của người dân. Không ít người biểu tình lo ngại khi thấy chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh dùng vũ khí pháp lý để hù dọa, để khủng bố tinh thần.

Cho đến tháng 8, Bắc Kinh tưởng lầm là chiến thuật này sẽ mang lại kết quả. Thực tế là chính quyền Hồng Kông thất bại nặng nề : 75% dân Hồng Kông không tín nhiệm trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Từ năm 1997 đến nay, đây là lần đầu tiên uy tín một trưởng đặc khu bị xuống thấp kỷ lục như vậy.

Hơn thế nữa, cả một loạt định chế từ cảnh sát, tầng lớp chính trị gia và chính quyền hoàn toàn không còn được dân xem trọng. Đây là một vấn đề nghiêm trọng vì có liên quan đến tính chính đáng của bộ máy chính quyền và vai trò của đặc khu trưởng".

Công cụ đàn áp : cảnh sát

Cảnh sát Hồng Kông bị dân khinh ghét là một nỗi đau của nhiều người. Họ có phải là dân Hồng Kông hay an ninh Trung Quốc tăng cường. Công luận nghi ngờ nhưng chưa có bằng chứng. Điều chắc chắn là cảnh sát Hồng Kông đã để yên cho côn đồ xã hội đen Hoa lục tấn công người biểu tình trên đường về nhà. Một sĩ quan cảnh sát về hưu than thở : "Tại sao phải đánh người biểu tình sau khi đã bắt họ ? Đánh để làm gì ? Đạo đức nghề nghiệp ở đâu ?"

Hệ quả là mỗi cuối tuần là có xung đột, ném bom xăng vào đồn cảnh sát, nhất là để trừng phạt hành động thô bạo ngày hôm trước.

Antoine Bondaz nhận định :

"Tôi nghĩ có thể nói một cách tương đối khách quan là cảnh sát Hồng Kông đã nhúng tay vào bạo lực mà dân Hồng Kông gọi là Khủng bố trắng theo nghĩa hù dọa tinh thần cha mẹ học sinh để họ khuyên con cái ngưng tranh đấu.

Từ một lực lượng được xem là « gương mẫu » nhất châu Á, được đào tạo theo khuôn mẫu cảnh sát Anh, bảo vệ trật tự, tôn trọng phẩm giá con người , lịch sự với dân, cảnh sát Hồng Kông biến thành một lực lượng trấn áp. Một đoàn biểu tình đang tuần hành một cách ôn hoà đến một đoạn đường thì bị chận lại. Cảnh sát căng hàng ngang bảo dân quay trở lại. Dân quay lui, đi thêm một đoạn thì bị một toán cảnh sát khác chặn lại, bảo không được đi tiếp, phải quay lui. Thế là ở khúc giữa bị dồn cục, không biết phải đi ngã nào. Đã không làm nhiệm vụ hướng dẫn mà còn cố tình làm dân chúng hoang mang, không rõ là có cố ý hay không, nhưng rõ ràng là cảnh sát Hồng Kông có hành động thiếu chuyên nghiệp, làm người dân hoang mang để ghi hình phục vụ cho tuyên truyền của chính quyền".

Cũng theo chuyên gia Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Pháp, Bắc Kinh nói một đường làm một nẻo. Đảng Cộng Sản Trung Quốc không hề có ý định tôn trọng thỏa thuận ký với Luân Đôn năm 1984, để cho Hồng Kông tự trị đến năm 2047 rồi sáp nhập.

Công thức « nhất quốc lưỡng chế » mất dần ý nghĩa từng ngày, theo mưu tính của Bắc Kinh, tức là siết dần dần các quyền tự do để đến năm 2047, Hồng Kông cũng không khác gì Hoa lục.

Thế nhưng, một lần nữa, Bắc Kinh tính lầm vì xem thường quyết tâm của giới trẻ Hồng Kông. Thế hệ trẻ đã quen cuộc sống tự do cho nên họ âu lo cho tương lai của chính họ và thế hệ con cái sau này. Do vậy, các yêu sách đòi Trung Quốc tôn trọng tự do và dân chủ là những điều kiện không thể đàm phán, không thể thỏa hiệp.

Xét cho cùng, theo Antoine Bondaz, người dân Hồng Kông đâu có đòi hỏi gì xa xôi hay quá đáng. Họ chỉ mong Trung Quốc giữ lời hứa «nhất quốc lưỡng chế » từ nay đến 2047.

Tranh đấu là một hình thức đánh động quốc tế và nhờ quốc tế gây sức ép với Bắc Kinh. Nhà phân tích Dominique Moisi, cố vấn đặc biệt của Trung Tâm Quan Hệ Quốc Tế Pháp, mô tả phong trào tranh đấu Hồng Kông là « ngọn gió căm phẫn còn tự chủ ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.