Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG - TRUNG QUỐC

Lãnh đạo Hồng Kông để ngỏ kịch bản Bắc Kinh can thiệp chống biểu tình

Hủy bỏ dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, ra sắc lệnh cấm che mặt khi biểu tình : Dù xoa hay đấm, các quyết định của lãnh đạo đặc khu Hồng Kông chỉ càng khiến làn sóng đòi dân chủ tại Hồng Kông thêm dữ dội. Hôm nay, 08/10/2019, lãnh đạo đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) tuyên bố không loại trừ việc Bắc Kinh can thiệp vũ trang, nếu khủng hoảng trầm trọng hơn.

Lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) trong cuộc họp báo ngày 8/10/2019.
Lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) trong cuộc họp báo ngày 8/10/2019. REUTERS/Tyrone Siu
Quảng cáo

Theo hãng tin Pháp AFP, trong cuộc trả lời họp báo hôm nay tại trụ sở chính quyền đặc khu, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga khẳng định : ‘‘Trong giai đoạn hiện tại, tôi vẫn tin tưởng là chúng ta có thể tự mình tìm ra giải pháp. Và đây cũng là lập trường của chính quyền trung ương, khi cho rằng Hồng Kông phải tự mình đối diện với khủng hoảng… Tuy nhiên nếu tình hình trở nên quá mức nghiêm trọng, sẽ không có bất cứ giải pháp nào bị gạt sang một bên, nếu như chúng ta muốn Hồng Kông thoát hiểm’’.

Theo hãng tin Bloomberg, lãnh đạo đặc khu cũng thừa nhận không thể đọc bản báo cáo thường niên tại Nghị Viện Hồng Kông vào tuần tới, vì lo ngại trụ sở cơ quan một lần nữa sẽ bị bao vây. Trụ sở Nghị Viện Hồng Kông từng bị nhiều người biểu tình xâm nhập, đập phá, hôm 01/07.

Khả năng Bắc Kinh triển khai quân đội tại Hồng Kông, trấn áp những người đòi dân chủ, bị chính quyền nhiều nước như Hoa Kỳ, Anh Quốc, lên án. Hôm qua, tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Bắc Kinh là các đàm phán về thương mại song phương để tìm lối thoát cho cuộc chiến thương mại có thể đổ vỡ, nếu Trung Quốc dùng vũ lực chống lại người dân Hồng Kông.

Khi được hỏi về việc liệu biện pháp cấm che mặt trong khi biểu tình có hiệu quả hay không, lãnh đạo Hồng Kông trả lời ‘‘còn quá sớm’’ để đưa ra nhận định.

Sắc lệnh cấm che mặt của chính quyền, thứ Sáu tuần trước, bị những người biểu tình lên án mạnh mẽ. Bạo động bùng lên khắp thành phố trong đêm thứ Sáu và ngày thứ Bảy, khiến toàn bộ hệ thống xe điện ngầm tê liệt. Cho đến hôm nay vẫn còn 13 trạm xe điện ngầm bị đóng cửa. Công ty quản lý tầu điện ngầm thông báo tối nay, toàn bộ hệ thống metro sẽ đóng cửa vào lúc 20 giờ, tức sớm hơn 5 giờ so với thường lệ.

Suốt ba ngày liền, cho đến hôm nay, hàng chục nghìn người tiếp tục xuống đường, với mặt nạ hay khẩu trang, để khẳng định họ không chấp nhận biện pháp này. Hôm qua, 14 người biểu tình che mặt bị bắt giữ và bị truy tố.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.