Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG - PHILIPPINES

Biển Đông : Philippines cũng muốn kéo Nga vào thăm dò dầu khí

Theo gương Việt Nam, Phillipines cũng đang muốn lôi kéo Nga vào hợp tác thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khả năng hợp tác giữa Manila với Matxcơva tùy thuộc vào quan hệ giữa Nga với Trung Quốc.

Giàn khoan JDC Hakuryu-5 của tập đoàn Rosneft ở ngoài khơi Vũng Tàu, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 29/04/2018.
Giàn khoan JDC Hakuryu-5 của tập đoàn Rosneft ở ngoài khơi Vũng Tàu, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 29/04/2018. REUTERS/Maxim Shemetov
Quảng cáo

Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 08/10/2018, hôm thứ năm tuần trước, ông Salvador S. Panelo, phát ngôn viên của tổng thống Philippines, thông báo là tổng thống Rodrigo Duterte đã mời tập đoàn dầu khí Nga Rosneft đầu tư vào Philippines, đặc biệt là vào các dự án dầu khí ở Biển Đông, trong bối cảnh tình hình tại vùng biển này đang rất căng thẳng. Ông Duterte bảo đảm với các lãnh đạo của tập đoàn dầu khí Nga là đầu tư ở Philippines rất « an toàn » và ông sẽ không dung thứ nạn quan liêu tham nhũng.

Lời mời nói trên đã được tổng thống Duterte đưa ra trong chuyến viếng thăm Matxcơva vào tuần trước, khi ông gặp các lãnh đạo của tập đoàn Rosneft, trong đó có giám đốc điều hành Igor Sechin. Trước cuộc gặp giữa ông Duterte với các lãnh đạo Rosneft, đại sứ Philippines tại Matxcơva, Carlos Sorreta, cho biết là các công ty dầu khí của Nga rất quan tâm đến việc thăm dò dầu khí ở Philippines. Theo ông Sorreta, các thỏa thuận hợp tác dầu khí với Nga sẽ không ảnh hưởng gì đến các quyền của Manila ở Biển Đông, bởi vì Matxcơva không phải là một bên tranh chấp trong vùng này.

Theo giáo sư Artyom Lukin, Đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok, đúng là có những dấu hiệu cho thấy Philippines cũng muốn theo gương Việt Nam mời các công ty Nga tham gia vào các dự án dầu khí ở các vùng tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt là bởi vì cả Hà Nội lẫn Manila đều đang đối diện với nguy cơ khan hiếm năng lượng và các công ty Nga là những đối tác lý tưởng.

Tuy nhiên, đối với chuyên gia Aaron Rabena, thuộc Asia-Pacific Pathways to Progress Foundation, một tổ chức nghiên cứu ở Manila, hiện còn quá sớm để nói là tổng thống Duterte đang theo chiến lược giống Việt Nam, nhất là vì Manila và Bắc Kinh đã đạt thỏa thuận về việc cùng thăm dò dầu khí ở Biển Đông, nhân chuyến viếng thăm Trung Quốc của ông Duterte tháng 8 vừa qua. Nếu thật sự phạm vi của thỏa thuận này chỉ bao gồm khu vực Bãi Cỏ Rong ( Reed Bank ), thì còn nhiều dự án khác mà Philippines có thể hợp tác với Nga.

Theo South China Morning Post, vai trò của các công ty dầu khí của Nga ở Biển Đông đã được chú ý đến ngày càng nhiều kể từ đầu tháng 7, khi Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 và các tàu hộ vệ xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cản trở hoạt động của giàn khoan của Việt Nam và tập đoàn Rosneft ở Bãi Tư Chính, khu vực mà Bắc Kinh cũng cho là thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Bắc Kinh đã yêu cầu Việt Nam chấm dứt các dự án hợp tác thăm dò dầu khí với nước ngoài, những dự án bị cho là xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Dưới áp lực của Trung Quốc, năm ngoái, Hà Nội đã từng buộc phải đình chỉ một dự án dầu khí với công ty Tây Ban Nha Repsol.

Nhưng Rosneft không có vẻ gì là nao núng, cho nên có người đồn đoán rằng Việt Nam đang lôi kéo các cường quốc bên ngoài, như Nga, vào thăm dò dầu khí ở Biển Đông, để làm đối trọng với Bắc Kinh ở vùng biển này. South China Morning Post trích lời một chuyên gia Trung Quốc về Đông Nam Á ở Quảng Châu nhận định : « Trung Quốc sẽ không có thái độ đối với dự án dầu khí của Rosneft như đối với công ty Tây Ban Nha Repsol. »

Tuy nhiên, theo giáo sư Artyom Lukin, Đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok, Matxcơva có thể muốn duy trì quan hệ truyền thống với Việt Nam, đối tác quan trọng nhất của Nga ở Đông Nam Á, nhưng họ sẽ không mở rộng sự hiện diện ở Biển Đông, nơi mà Matxcơva đã « mặc nhiên thừa nhận vùng biển này là khu vực ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc ».

Là một đối tác của Trung Quốc, Nga vẫn giữ lập trường trung lập trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Tổng thống Putin đã công khai đứng về phía Bắc Kinh và đã đặt vấn đề về giá trị của phán quyết 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông.

Giáo sư Lukin lưu ý rằng, các quan chức Nga, cũng như hai tập đoàn Rosneft và Gazprom, hai tập đoàn có nhiều dự án hợp tác với Việt Nam, đều giữ im lặng về những hoạt động thăm dò dầu khí của họ ở ngoài khơi Việt Nam. Matxcơva có những lợi ích ở Biển Đông mà họ sẽ cố gắng bảo vệ, cho dù điều này có làm Bắc Kinh bực bội. Tuy nhiên, giáo sư Lukin không tin là Nga sẽ để cho vấn đề Biển Đông làm tổn hại đến quan hệ với « đối tác chiến lược » Trung Quốc ».

Dầu sao, việc Trung Quốc điều tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 cùng các tàu hộ vệ đến bãi Tư Chính gần nơi Rosneft đang hoạt động có thể là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang theo dõi xem Nga đang làm gì trong khu vực này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.