Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG - KHỦNG HOẢNG

Hồng Kông : Những người biểu tình đầu tiên bị ra tòa về tội đeo mặt nạ

Một số người biểu tình ủng hộ dân chủ Hồng Kông bị bắt trong những vụ xuống đường mới đây chống lệnh cấm đeo mặt nạ đã phải ra tòa vào hôm nay, 07/10/2019.

Dân Hồng Kông lại xuống đường sau khi chính quyền thông báo lệnh cấm những người biểu tình đeo mặt nạ. Ảnh chụp ngày 05/10/2019
Dân Hồng Kông lại xuống đường sau khi chính quyền thông báo lệnh cấm những người biểu tình đeo mặt nạ. Ảnh chụp ngày 05/10/2019 Philip FONG / AFP
Quảng cáo

Trong ba ngày qua, nhiều cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra tại Hồng Kông nhằm phản đối chính quyền của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga viện dẫn một đạo luật có từ thời thuộc Anh năm 1922 để ra lệnh cấm che mặt khi biểu tình.

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, đã có hai người đầu tiên - một nam sinh viên và một phụ nữ 38 tuổi - bị một tòa án ở Hồng Kông truy tố về tội đeo mặt nạ, có thể bị đến 1 năm tù, bên cạnh tội danh tụ tập bất hợp pháp, có mức án tối đa ba năm tù. Cả hai đều được tại ngoại.

Bên ngoài tòa án, nhiều người biểu tình đã xếp hàng để chờ vào nghe xử, một số hô to các khẩu hiệu « Đeo mặt nạ không phải là một tội », « Luật cấm che mặt là luật bất công ». Nhiều người cho rằng cấm đeo mặt nạ chỉ là bước mở đầu cho một loạt lệnh « độc tài » khác sắp tới, mà sắp tới đây là thiết quân luật.

Sau khi trưởng đặc khu Hồng Kông loan báo lệnh cấm đeo mặt nạ, một nghị sĩ ủng hộ phong trào phản kháng đã nộp đơn kiện lên Tòa Án Tối Cao Hồng Kông.

Tuy nhiên, theo đặc phái viên RFI Vincent Souriau tại Hồng Kông, đơn kiện này đã bị bác vào hôm qua, 06/10/2019.

"Các nghị sĩ ủng hộ dân chủ đã thua keo đầu. Khi kiện lệnh cấm đeo mặt nạ theo thủ tục khẩn cấp, họ muốn ngăn chận việc áp dụng lệnh này trước khi văn bản được xem xét về mặt nội dung. Thế nhưng họ đã thất bại.

Theo một luật sư xin giấu tên đã theo dõi phiên tòa thì bên nguyên đơn cho rằng luật cấm mặt nạ hoàn toàn không cân xứng vì lẽ cảnh sát đã có quyền chận bắt bất kỳ ai khả nghi trên đường phố để yêu cầu người này trình giấy tờ. Nếu luật đã cho cảnh sát quyền này thì cần gì đến một luật mới.

Bên nguyên đơn còn lập luận rằng cũng có những người đeo mặt nạ tại các cuộc tụ tập vì họ sợ bị chủ nhân của họ nhận ra, sợ bị những cá nhân ủng hộ phe đối diện biết mặt, hoặc vì đủ mọi lý do khác. Vấn đề là lệnh cấm che mặt là một hành động hạn chế bừa bãi quyền tự do ngôn luận cơ bản.

Dẫu sao thì tiến trình kiện tụng chưa kết thúc, vì lẽ ngoài lệnh cấm đeo mặt nạ, tư pháp Hồng Kông còn phải xem xét việc liệu bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga có quyền áp dụng các biện pháp đàn áp dựa trên một văn bản rất cũ từ năm 1922 hay không.

Theo vị luật sư xin giấu tên thì bên nguyên đơn đã cho rằng sắc lệnh của lãnh đạo Hồng Kông « vi hiến » vì không phù hợp với cả Hiến Pháp lẫn các luật lệ hiện hành ở Hồng Kông. Hơn nữa, sắc lệnh về các biện pháp khẩn cấp còn cho phép trưởng đặc khu thông qua bất cứ điều gì nếu cho rằng tình hình đã trở nên khẩn cấp hoặc là trật tự công cộng bị xáo trộn. Điều đó có nghĩa là lấn vào quyền hạn của nghị viện, một điều không bình thường.

Có một dấu hiệu cho thấy Tòa Án Tối Cao Hồng Kông rất nhạy cảm với những lập luận này : Tòa sẽ nhanh chóng đưa ra phán quyết về nội dung của vụ việc, chậm nhất là vào cuối tháng 10."

Lính Trung Quốc đồn trú tại Hồng Kông cảnh cáo người biểu tình

Cũng vào hôm qua, 06/10, lực lượng quân đội Trung Quốc đồn trú tại Hồng Kông đã có động thái cảnh cáo người biểu tình, dọa rằng họ có thể bị bắt giữ khi sử dụng đèn laser soi lên tường doanh trại của lực lượng này.

Theo hãng Reuters, một người lính Trung Quốc đã đứng trên nóc tòa nhà và giơ cao một lá cờ bên trên có viết bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Hoa hàng chữ lớn: « Cảnh cáo. Bạn đang vi phạm pháp luật. Bạn có thể bị truy tố ».

Phản ứng trên đây được đưa ra khi có hàng trăm người biểu tình chiếu đèn laser lên tường doanh trại quân đội Trung Quốc. Ngoài việc trương cờ cảnh cáo, lính Trung Quốc còn chiếu đèn xuống người biểu tình, đồng thời dùng ống nhòm và máy quay video để theo dõi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.