Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG - PHILIPPINES - TRUNG QUỐC

Philippines : Trung Quốc muốn hạn chế các lực lượng nước ngoài tại Biển Đông

Ngoại trưởng Philippines hôm 11/09/2019 cho biết, Trung Quốc trong quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) muốn hạn chế sự hiện diện của quân đội nước ngoài, cũng như việc các công ty ngoại quốc tham gia vào các dự án dầu khí tại Biển Đông.

Ảnh hải quân Mỹ chụp Đảo Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa, Biển Đông, ngày 21/05/2015 cho thấy các tàu Trung Quốc hoạt động tại đó.
Ảnh hải quân Mỹ chụp Đảo Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa, Biển Đông, ngày 21/05/2015 cho thấy các tàu Trung Quốc hoạt động tại đó. REUTERS/ Hải quân Mỹ
Quảng cáo

Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. khi trả lời phỏng vấn kênh ABS-CBN News tiết lộ, việc thương lượng « có lúc đã hết sức gay gắt », vì Bắc Kinh nhất định đòi « không có cường quốc quân sự nước ngoài nào được hiện diện tại Biển Đông », « nếu các vị muốn khai thác dầu khí thì chỉ có thể làm việc với chúng tôi ».

Cũng theo ông Locsin Jr., tuy nhiên hiện nay Trung Quốc tỏ ra hòa hoãn hơn, không còn kiên quyết đòi loại bỏ sự hiện diện quân sự của nước ngoài, và theo ông, chủ yếu chỉ nhắm vào « các địch thủ của Trung Quốc và một số đồng minh của Philippines ». Ông bày tỏ hy vọng những trở ngại có thể được tháo gỡ trong thời gian tới.

AP cho biết hiện nay cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều chưa đưa ra lời bình luận nào. Bắc Kinh luôn phản đối việc Washington cho chiến hạm tuần tra vì tự do hàng hải trên Biển Đông.

Trung Quốc bị phê phán là chỉ chịu đàm phán với ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử sau khi hoàn tất việc xây dựng bảy đảo nhân tạo ở Trường Sa. Thời hạn mà Tập Cận Bình đưa ra để hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử là ba năm cũng được coi là thủ thuật « câu giờ » để quân sự hóa vùng biển này, đặt các quốc gia ven biển trước « việc đã rồi ».

Sự lợi hại của các đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây lên được thấy rõ trong vụ bãi Tư Chính : nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc sau khi xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã nhiều lần đến Đá Chữ Thập để tiếp liệu rồi nhanh chóng trở lại bãi Tư Chính để quấy nhiễu.

Đá Chữ Thập là rạn san hô thuộc cụm Nam Yết do Việt Nam đòi hỏi chủ quyền, bị Trung Quốc chiếm đóng năm 1988, nay đã trở thành đảo nhân tạo lớn nhất Trường Sa, với nhiều cơ sở quân sự và đường băng dài trên 3.100 mét dành cho oanh tạc cơ chiến lược duy nhất trong khu vực.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.