Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG - BIỂU TÌNH - DÂN CHỦ

Hồng Kông : Tiến trình hòa giải, đường còn dài

Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông đã có một bước nhượng bộ lớn khi bất ngờ thông báo "chính thức" rút lại dự luật cho dẫn độ sang Trung Quốc nhằm chấm dứt khủng hoảng chính trị kéo dài từ ba tháng qua. Tuy nhiên, từ giới quan sát đến phong trào dân chủ Hồng Kông đều cho rằng "con đường hòa giải còn nhiều chông gai".

Người biểu tình Hồng Kông tập trung tại công viên Tamar trước trụ sở của chính phủ Hong Kong, ngày 02/09/2019.
Người biểu tình Hồng Kông tập trung tại công viên Tamar trước trụ sở của chính phủ Hong Kong, ngày 02/09/2019. REUTERS/Kai Pfaffenbach
Quảng cáo

Trong 24 giờ qua, cụm từ "quá ít và quá muộn" được các phương tiện truyền thông phương Tây lập đi lập lại khi bình luận về các diễn biến tại Hồng Kông.

"Quá ít" bởi lãnh đạo Hồng Kông bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), thỏa mãn một điểm duy nhất trong số năm đòi hỏi của người biểu tình. Chính quyền đồng ý dẹp bỏ dự luật đe dọa đến mô hình "một quốc gia hai chế độ" của Hồng Kông, nhưng từ chối nhượng bộ bốn đòi hỏi quan trọng khác trong mắt các nhà dân chủ Hồng Kông.

Bốn đồi hỏi đó gồm : thứ nhất là cho mở điều tra về các vụ bạo hành của cảnh sát nhắm vào người biểu tình ; thứ hai là trả tự do cho hơn 1.200 người biểu tình bị bắt giữ từ khi phong trào phản kháng bùng lên trước mùa hè vừa qua. Điều kiện thứ ba là rút lại việc gọi người biểu tình là những "kẻ gây bạo loạn". Cuối cùng và đây là điều kiện mà Bắc Kinh chắc chắn không thể chấp nhận, là đòi hỏi tổ chức bầu cử tự do theo thể thức phổ thông đầu phiếu tại Hồng Kông.

Nhượng bộ của chính quyền Hồng Kông vừa được thông báo hôm 04/09 bị cho là "quá muộn", bởi trong ba tháng qua, xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát liên tục xảy ra, bạo lực, hình ảnh những người biểu tình ôn hòa bị côn đồ tấn công, phi trường Hồng Kông bị chiếm đóng, hay những cảnh tượng hỗn loạn trong các trạm xe điện ngầm ... đã làm làm xấu đi hình ảnh của một trong những thị trường năng động nhất tại châu Á này.

Giới đầu tư thận trọng với uy tín của Hồng Kông, vốn thường xuyên được đánh giá là nơi "dễ làm ăn nhất trên thế giới". Chính lãnh đạo Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, đã phải công nhận rằng khủng hoảng lần này "không chỉ đơn thuần liên quan đến dự luật dẫn độ", mà đã "làm lộ rõ những căng thẳng chính trị, kinh tế và xã hội tại một trong những nơi mà chênh lệnh giàu nghèo thuộc vào bậc nhất thế giới".

Một trong những gương mặt hàng đầu của phong trào dân chủ Hồng Kông, Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) trên mạng Twitter khẳng định "sự can thiệp thô bạo của cảnh sát gia tăng hàng tuần thời gian qua đã để lại một vết hằn trong xã hội Hồng Kông, khiến không còn ai tin vào lực lượng bảo vệ an ninh và trật tự" cho đặc khu hành chính này nữa.

Không chỉ có những người trong cuộc, Hiệp hội các Luật gia Hồng Kông cũng đã phải lên tiếng tố cáo cảnh sát Hồng Kông "lạm quyền" trấn áp người biểu tình.

Giới quan sát cho rằng chính thái độ chậm trễ của lãnh đạo Hồng Kông khiến phong trào phản kháng thêm quyết liệt và đã mở rộng ra thêm những đòi hỏi khác, thay vì chỉ tập trung vào một vấn đề đó là đòi chính quyền dẹp bỏ luật dẫn độ.

Sai lầm trong cách đối phó với khủng hoảng lần này của chính quyền khiến phe dân chủ Hồng Kông không tin vào hứa hẹn "đối thoại""bàn tay thân thiện" của trưởng đặc khu hành chính này. Phe dân chủ tiếp tục chuẩn bị xuống đường vào ngày Thứ Bảy 07/09.

Ngoài việc đánh giá nhượng bộ hôm 04/09 của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga là "quá ít và quá trễ", có một câu hỏi được đặt ra là liệu ban lãnh đạo Hồng Kông hiện nay có còn đủ uy tín với cả Bắc Kinh lẫn hơn 7 triệu dân Hồng Kông để tiếp tục điều hành vùng lãnh thổ này hay không. Câu trả lời có lẽ là không.

Trong một đoạn video mà hãng tin Reuters có được, chính bà Lâm thừa nhận khả năng hành động của bà "rất, rất hạn chế". Điều đó có nghĩa là nhất cử nhất động của bà đều phải được Bắc Kinh thông qua. Việc bà lùi bước, theo phân tích của nhà chính trị học Dixon Sing đại học Oxford tại Hồng Kông xuất phát từ "ý muốn của Trung Quốc muốn vãn hồi trật tự" tại vùng đất này.

Chính vì vậy, lời kêu gọi đối thoại của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga khó có sức thuyết phục. Đấy là chưa kể, trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông luôn bị một phần công luận coi là "con rối của Bắc Kinh" và bà bị chỉ trích mạnh mẽ chơi ván bài nguy hiểm khi tìm cách khơi dậy hiềm khích giữa một bên là phe ủng hộ và bên kia là phe chống đối chính quyền với hy vọng dẹp tan phong trào biểu tình. Thế nhưng, sau 12 tuần lễ liên tiếp, các cuộc xuống đường không thuyên giảm. Chiến lược này của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã thất bại.

Thứ Bảy 07/09 sẽ là một cuộc trắc nghiệm về hiệu quả bước nhượng bộ mới nhất của chính quyền Hồng Kông.

Có điều, theo chuyên gia Dixon Sing, trong tình cảnh này, giải pháp khả dĩ nhất là phải nhượng bộ nhiều hơn nữa đặc biệt là phải cho mở điều tra về các vụ bạo hành của cảnh sát. Bởi theo ông Sing, trường đại học Oxford Hồng Kông, đây là một trong những đòi hỏi được công luận hưởng ứng đông đảo nhất.

Một vấn đề khác đã được nhà báo Brian Wong của tờ The Diplomat nêu lên trong bài viết hôm 31/08/2019, đó là nếu chính quyền Hồng Kông thực lòng muốn mở một cuộc "đối thoại" theo mô hình cuộc tham khảo ý kiến người dân trên toàn quốc từng được áp dụng tại Pháp hồi đầu năm 2019, cần cân nhắc kỹ về tính "cân bằng" của các bên tham gia, tránh để phe thân Bắc Kinh áp đảo.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.