Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG - BIỂU TÌNH

Hồng Kông: Hàng nghìn người tuần hành đòi dân chủ, bất chấp lệnh cấm

Cách nay 5 năm, Bắc Kinh bác bỏ khả năng cử tri Hồng Kông trực tiếp bầu lãnh đạo đặc khu, phong trào Dù Vàng bùng lên khiến Hồng Kông tê liệt gần ba tháng. Hôm nay, thứ Bảy 31/08/2019, hàng nghìn người Hồng Kông tiếp tục xuống đường đòi dân chủ, bất chấp lệnh cấm của cảnh sát.

Người dân Hồng Kông cầm dù xuống đường biểu tình đòi dân chủ, tự do bầu cử bất chấp lệnh cấm ngày 31/08/2019.
Người dân Hồng Kông cầm dù xuống đường biểu tình đòi dân chủ, tự do bầu cử bất chấp lệnh cấm ngày 31/08/2019. REUTERS/Tyrone Siu
Quảng cáo

Đây là lần đầu tiên cảnh sát Hồng Kông ra lệnh cấm biểu tình kể từ đầu phong trào chống dự luật dẫn độ, đầu tháng 6/2019, với lý do nguy cơ bạo lực. Để lách lệnh cấm, hàng loạt sáng kiến được đưa ra. Nhiều người kêu gọi tổ chức các cuộc tuần hành mang tính tôn giáo, vốn không cần được chính quyền chấp thuận, hay các nhóm bạn tập hợp cùng nhau đi mua sắm. Đầu buổi chiều, hàng nghìn người đổ dồn về một sân vận động ở khu phố Wanchai, trung tâm Hồng Kông.

Để đề phòng bạo động, cảnh sát bố trí thêm nhiều hàng rào mới xung quanh Văn Phòng Liên Lạc Trung Quốc, nơi tập trung nhiều cơ sở đại diện của chính quyền Bắc Kinh tại Hồng Kông. Một lãnh đạo cảnh sát Hồng Kông thông báo lực lượng an ninh đặc khu được huy động sẵn sàng đối phó với các thành phần quyết liệt nhất của phong trào.

Căng thẳng tăng thêm một nấc với việc chính quyền bất ngờ bắt giữ ba dân biểu đối lập hôm qua, trong đó hai người bị bắt giữ vào cuối ngày. Đây cũng là lần đầu tiên chính quyền bắt các nghị sĩ đối lập kể từ đầu phong trào chống luật dẫn độ. Các nghị sĩ bị bắt là Trịnh Tùng Thái (Cheng Chung-tai), Khu Nặc Hiên (Au Nok-hin) và Đàm Văn Hào (Jeremy Tam). Trước đó, hai lãnh đạo phong trào phản kháng Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) và Trần Hạo Thiên (Andy Chan) bị câu lưu, nhưng ngay sau đó được phép nộp bảo lãnh tại ngoại. 

Thông tín viên RFI Florence de Changy có mặt tại chỗ cho biết không khí căng thẳng ở Hồng Kông trước cuộc tuần hành hôm nay:

« Lệnh cấm tuần hành như dự kiến vào ngày thứ Bảy này có thể dẫn đến hệ quả ngược lại với mục tiêu trông đợi. Bởi vì, nếu như cảnh sát Hồng Kông không cho phép biểu tình, với lý do bạo lực vượt tầm kiểm soát, đặc biệt tại khu vực xung quanh trụ sở của Văn Phòng Liên Lạc Trung Quốc tại Hồng Kông, thì việc cuộc tuần hành bị cấm sẽ càng khiến những người biểu tình kiên quyết nhất thêm giận dữ.

Trên một số mạng xã hội, một số người nói đến ‘‘trận chiến cuối cùng’’ và thậm chí cho biết họ sẵn sàng chết.

Một yếu tố khiến tình hình nghiêm trọng hơn là lệnh cấm hôm qua rơi đúng vào ngày diễn ra một loạt vụ bắt bớ nhắm vào nhiều gương mặt biểu tượng của phong trào phản kháng, cho dù cảnh sát Hồng Kông khẳng định là đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Bên cạnh đó, theo một thông tin của Reuters, lãnh đạo đặc khu Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) hồi đầu tháng 8 có thể đã đề xuất với chính quyền trung ương nhiều giải pháp để tháo ngòi khủng hoảng, tuy nhiên Bắc Kinh đã không chấp nhận bất cứ nhân nhượng nào với người biểu tình, dù là nhỏ nhất.

Nếu chính quyền Hồng Kông không được phép nhân nhượng bất cứ điều gì và người biểu tình sẵn sàng chết để cứu Hồng Kông, như một số khẳng định trên các mạng xã hội, khó mà hình dung được một lối thoát khả quan cho cuộc khủng hoảng hiện nay ».

Theo tin giờ chót, cảnh sát Hồng Kông sử dụng hơi cay để giải tán một nhóm biểu tình gần khu vực Nghị Viện và một số trụ sở chính quyền. Một số người biểu tình đốt cháy « một chiến lũy » lớn, nằm sát sở cảnh sát trung tâm, do chính họ dựng lên bằng bảng chỉ đường bằng nhựa và đồ gỗ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.