Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG - DẦU KHÍ

Cùng thăm dò dầu khí Biển Đông: Trung Quốc và lá bài Philippines

Để hóa giải các chỉ trích của quốc tế về những hành động của Trung Quốc ở vùng Biển Đông, Bắc Kinh có vẻ đang muốn sử dụng lá bài cùng thăm dò dầu khí với Philippines, một trong những quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên vùng biển này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (P) trong buổi tiệc tối ở dinh tổng thống Malacanang, Manila, 20/11/2018.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (P) trong buổi tiệc tối ở dinh tổng thống Malacanang, Manila, 20/11/2018. @Reuters / Mark Cristino
Quảng cáo

Vào tháng 11 năm ngoái, hai nước Trung Quốc và Philippines đã ký một biên bản ghi nhớ “nhằm tạo một khuôn khổ không mang tính ràng buộc pháp lý” về việc cùng thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông, được xem là một vùng có trữ lượng dầu khí rất lớn.

Tổng thống Duterte lúc ấy đã hoan nghênh sáng kiến nói trên, cho rằng việc cùng thăm dò dầu khí sẽ giúp giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Ông cũng cam kết là các lợi ích của Philippines sẽ được bảo đảm. Các chi tiết về việc cùng phát triển các dự án dầu khí giữa Philippines với Trung Quốc còn phải được bàn thảo trong các cuộc đàm phán sau này. Trước mắt, trong bài phát biểu vào tuần trước, tổng thống Duterte nói: “Đề nghị phân chia 60-40, với phần nhiều thuộc về phía chúng ta, là một khởi đầu tốt”.

Philippines hiện đang phải tìm thêm các nguồn dầu khí mới, vì theo dự báo, mỏ khí đốt Camago-Malampaya sẽ cạn kiệt vào năm 2024. Do không có đủ phương tiện kỹ thuật để tự thăm dò và khai thác các nguồn dầu khí, Manila cần sự hợp tác của một nước khác. Bãi Cỏ Rong ( Reed Bank ) là khu vực được ước tính có trữ lượng lên tới 5,4 tỷ thùng dầu và 1,56 ngàn tỷ mét khối khí thiên nhiên. Vấn đề là nguồn tài nguyên này nằm trong vùng tranh chấp giữa Philippines với Trung Quốc, nên Manila phải tính tới phương án phát triển chung với Bắc Kinh.

Nhưng nhiều chuyên gia pháp lý đã cảnh báo tổng thống Duterte phải hết sức cẩn thận, không nên ký một văn bản mang tính ràng buộc pháp lý với Trung Quốc về việc thăm dò dầu khí chung, vì điều này có thể xâm phạm quyền chủ quyền của Philippines.

Về phía Trung Quốc, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Cảnh Sảng, vào tuần trước đã tuyên bố rằng lập trường của Bắc Kinh về phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực năm 2016 vẫn không có gì thay đổi: Trung Quốc có chủ quyền “không thể tranh cãi” trên vùng Biển Đông.

Theo nhận định của ông Collin Koh, Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Singapore, được tờ Nikkei Asian Review trích dẫn hôm nay, chủ tịch Tập Cận Bình không thể thay đổi lập trường nói trên, nếu không thì đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ mất uy tín đối với dư luận trong nước. Tuy vậy, ông Collin Koh cho rằng cuộc gặp ngày mai với tổng thống Philippines sẽ là cơ hội để chủ tịch Trung Quốc chứng tỏ là nước này có thể hợp tác với các quốc gia có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, vào lúc Hoa Kỳ lên án ngày càng mạnh mẽ những hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Vào tuần trước, Washington đã cáo buộc Trung Quốc ngăn chận các nước Đông Nam Á tiếp cận các nguồn dầu khí Biển Đông, qua việc đưa tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng với nhiều tàu hộ tống vào khu vực Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khu vực được xem là có nhiều dầu khí.

Theo ông Collin Koh, cuộc gặp với tổng thống Duterte sẽ góp phần giải tỏa các áp lực đối với Bắc Kinh và tạo một hình ảnh tích cực hơn về Trung Quốc trên báo chí quốc tế.

Tóm lại, như nhận định của ông Rommel Banlaoi, chủ tịch Hội Nghiên cứu Trung Hoa của Philippines, được trang mạng Philstar.com trích dẫn hôm nay, Manila thúc đẩy việc cùng phát triển Biển Đông phần lớn là vì lý do kinh tế, còn đối với Bắc Kinh, việc cùng phát triển là nhằm những mục tiêu địa chính trị.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.