Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Trung Quốc dùng chiêu bài kinh tế dọa người biểu tình Hồng Kông

Đăng ngày:

Bắc Kinh khai thác những tác hại đối với uy tín của thị trường chứng khoán lớn thứ ba trên thế giới này để dập tắt phong trào dân chủ Hồng Kông.

Biểu tình chống dự luật dẫn độ Hồng Kông ngày 25/08/2019 : khủng hoảng chính trị đè nặng lên các hoạt động kinh tế.
Biểu tình chống dự luật dẫn độ Hồng Kông ngày 25/08/2019 : khủng hoảng chính trị đè nặng lên các hoạt động kinh tế. Reuters
Quảng cáo

Chiến lược vừa hù dọa người biểu tình vừa uy hiếp các doanh nghiệp ủng hộ các cuộc xuống đường có hiệu quả hay không ?

Sau 12 tuần lễ xuống đường, phong trào dân chủ Hồng Kông chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Khủng hoảng chính trị đang đè nặng lên một trong những nền kinh tế năng động nhất của châu Á. Ngành du lịch bị thiệt hại đầu tiên. Lĩnh vực này đem về 5 % tổng sản phẩm nội địa Hồng Kông, bảo đảm công việc làm cho 270.000 người lao động tại đây.

Kinh tế sa sút vì biểu tình triền miên

Tới nay gần 30 quốc gia trên thế giới cảnh báo công dân tránh đến Hồng Kông vào thời điểm hiện tại. Theo các số liệu chính thức của chính quyền đặc khu hành chính này, 50 % các chương trình tham quan Hồng Kông của du khách nước ngoài bị hủy bỏ, đặc biệt là sau vụ người biểu tình chiếm đóng phi trường quốc tế. Hơn 1.700 công ty lữ hành chính thức tại Hồng Kông càng lo ngại khi biết rằng 3/4 du khách quốc tế đến tham quan Hương Cảng là các công dân Trung Quốc và 80 % trong số này đã hủy chương trình đến Hồng Kông.

Ngoài ra, nhiều hoạt động buôn bán cũng bị xáo trộn không ít. Những khu thương mại vốn sầm uất nhất nay vắng bóng người, nhiều cửa hàng phải đóng cửa mỗi đợt biểu tình, nhân viên phục vụ bị tạm thời cho nghỉ viện. Giới tiểu thương bị thất thu từ 20 đến 50 % so với cùng thời kỳ năm ngoái.

Tình trạng trở nên nghiêm trọng đến nỗi, hôm 15/08/2019 chính quyền đặc khu hành chính Hồng Kông thông báo một gói hỗ trợ kinh tế 19 tỷ đô la Hồng Kông (khoảng 2 tỷ đô la Mỹ). Ngân hàng Thụy Sĩ UBS giảm mạnh dự báo tăng trưởng của Hồng Kông trong năm 2019 : GDP đặc khu hành chính này rơi xuống còn 0,8 % cho cả năm.

Tuy nhiên, trả lời RFI Việt ngữ, chuyên gia về Đông Bắc Á, Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược của Pháp (Foundation pour la Recherche Stratégique) nhấn mạnh, các đợt biểu tình kéo dài của một phần dân cư Hồng Kông chỉ là một trong những yếu tố gây thêm khó khăn cho vũng lãnh thổ này mà thôi.

Antoine Bondaz : Các dự báo tăng trưởng của Hồng Kông giảm trong bối cảnh các nền kinh tế khu vực cũng đang gặp khó khăn, đặc biệt do xung đột thương mại Mỹ-Trung. Hàn Quốc, Đài Loan hay Singapore đều cùng cảnh ngộ. Hồng Kông gặp thêm trở ngại với loạt xuống đường lần này. Trước đây, tăng trưởng của đặc khu hành chính này dao động từ 2 đến 3 % một năm, nhưng riêng cho năm nay, các dự phóng cho thấy GDP của Hồng Kông không vượt quá ngưỡng 1 %. Chốt lại, phong trào biểu tình khiến tình hình xấu đi thêm.

Thế còn hình ảnh và uy tín của Hồng Kông trong mắt các nhà đầu tư quốc tế ?

Antoine Bondaz : Các loạt biểu tình ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều lĩnh vực. Trước mắt, rõ rệt nhất là ngành du lịch : từ chỉ số đặt phòng ở khách sạn đến hoạt động tại các trung tâm thương mại đều giảm mạnh. Ngoài ra giới tiểu thương bị tác động nhiều. Về dài hạn, hình ảnh và sức thu hút của Hồng Kông bị thiệt hại lớn. Hồng Kông là một trong những thị trường tài chính quốc tế lớn của thế giới và trong bảng xếp hạng của Quỹ Heritage Foundation, Hồng Kông đứng đầu về mặt tự do giao thương. Diễn đàn kinh tế thế giới Davos thì coi Hồng Kông là 1 trong số 10 địa điểm kinh doanh thuận lợi nhất. Một cách cụ thể, tôi nghĩ là còn quá sớm để thẩm định đúng mức về tác động về lâu dài đối với uy tín của Hồng Kông.

Môi hở răng lạnh ?

Hồng Kông hiện là sàn chứng khoán lớn thứ ba trên thế giới, sau New York và Luân Đôn. Đây cũng là hải cảng lớn thứ nhì của toàn châu Á (Hồng Kông vừa bị Thượng Hải qua mặt). Lĩnh vực dịch vụ chiếm 92 % GDP của toàn lãnh thổ. Đứng đầu trong số này là dịch vụ ngân hàng. Hồng Kông là cửa ngõ 20 % các dịch vụ của tập đoàn Bank of China phải đi qua, là nhịp cầu để tư bản Trung Quốc vươn ra được với thế giới bên ngoài ; 60 % các tập đoàn tham gia sàn chứng khoán Hồng Kông có trụ sở tại Hoa Lục. Ông Antoine Bondaz nêu bật mức độ lệ thuộc giữa Bắc Kinh với đặc khu hành chính này :

Antoine Bondaz : Hồng Kông vẫn là cánh cổng mở ra thị trường Trung Quốc. Phần lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Hồng Kông chủ yếu là để hướng tới Hoa Lục. Tuy nhiên Hồng Kông ngày càng lệ thuộc vào kinh tế của Trung Quốc. Vào thập niên 1980, tỷ trọng của Trung Quốc chưa đầy 15 % GDP Hồng Kông. Giờ đây, Trung Quốc đóng góp đến gần phân nửa GDP của Hồng Kông. 75% du khách tham quan Hồng Kông là người từ Hoa Lục đến. Ngược lại, Hồng Kông không còn quá quan trọng đối với kinh tế của Trung Quốc như hồi năm 1997, khi Luân Đôn trao trả Hồng Kông lại cho Bắc Kinh. Hai mươi hai năm trước, Hồng Kông tương đương với 1/5 GDP của Trung Quốc. Giờ đây GDP của Hồng Kông chỉ bằng 1/40 tổng sản phẩm của Hoa Lục.

Kho cất giấu tài sản của giới lãnh đạo Bắc Kinh

Không chỉ có thế. Từ trước khi Luân Đôn trả lại Hồng Kông cho Bắc Kinh năm 1997, thuộc địa của Anh Quốc này luôn là một mảnh đất lành để các đại gia Trung Quốc kinh doanh hay cất giấu tài sản. Năm 2016, Liên đoàn các nhà báo điều tra quốc tế tiết lộ tài liệu Panama Paper. Nhiều quan chức Trung Quốc có tên trong sổ đen : thân nhân của ít nhất 8 thành viên hoặc cựu ủy viên thường trực Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc cất giấu tài sản tại các thiên đường thuế khóa, mà điểm xuất phát của tất cả những chương trình đầu tư đó luôn là Hồng Kông.

Do vậy, một số nhà quan sát cho rằng những quyền kinh tế và tài chính của không ít các quan chức cao cấp tại Hoa Lục có thể là một trong những nguyên nhân giải thích vì sao trước mắt Bắc Kinh chưa mạnh tay can thiệp một cách quá lộ liễu vào Hồng Kông. Nhưng điều đó không cấm cản chính quyền trung ương vẫn khai thác lá bài kinh tế để hù dọa người biểu tình. Chuyên gia Bondaz, Fondation pour la Recherche Stratégique giải thích :

Antoine Bondaz : Hiện nay, Bắc Kinh lập đi lập lại là phong trào phản kháng làm phương hại đến kinh tế Hồng Kông. Trung Quốc dùng đòn kinh tế để thuyết phục người Hồng Kông chấm dứt các đợt tuần hành. Chiến lược này không mấy hiệu quả, bởi vì thanh niên Hồng Kông quyết tâm tham gia vào các hoạt động chính trị tại đặc khu hành chính này và không sợ bị hù dọa. Với họ, quyền lợi kinh tế tuy nặng nhưng không nặng bằng những đòi hỏi về mặt chính trị và xã hội. Đây chính là điều khiến Bắc Kinh khó xử. Phản ứng thứ nhì của Hoa Lục là gây chia rẽ trong công luận Hồng Kông, kích động giới tiểu thương chống lại người biểu tình. Dù vậy trong 12 tuần qua, phong trào đấu tranh không có dấu hiệu thuyên giảm. Sau cùng, chính quyền trung ương ở Bắc Kinh đã tăng tốc trong việc phát triển các vùng chung quanh Hồng Kông, thí dụ như Thâm Quyến, nhằm thu hẹp ảnh hưởng về kinh tế và tài chính của Hồng Kông trong tương lai.

Hồng Kông trước nguy cơ mất thế thượng phong

Điểm mạnh của kinh tế Hồng Kông tới nay là tài chính. Nhưng về mặt này, Bắc Kinh đang theo đuổi chiến lược phát triển hai thị trường Thượng Hải và Thâm Quyến để cạnh tranh trực tiếp với Hồng Kông. Thêm vào đó, nhược điểm của Hồng Kông có lẽ là, trái với Singapore chẳng hạn, vùng lãnh thổ này lơ là với công nghệ cao. Chuyên gia về Đông Bắc Á của Pháp, Antoine Bondaz cho rằng khủng hoảng chính trị Hồng Kông lần này phần nào xuất phát từ lo ngại kinh tế của một phần trong số 7,5 triệu dân cư tại đây.

Antoine Bondaz : Yếu tố kinh tế quan trọng lắm. Như đã nói, các cuộc biểu tình liên tiếp đang đè nặng lên tăng trưởng của Hồng Kông. Nhưng đồng thời, kinh tế cũng cho phép giải thích một phần bất mãn trong xã hội và đó là mầm mống gây nên khủng hoảng hiện nay. Chênh lệch giàu nghèo tại Hồng Kông ngày càng lớn, giới trẻ Hồng Kông ngày càng khó chen chân vào thị trường lao động, không có phương tiện đi thuê nhà. Vì vậy số này muốn giành lại quyền định đoạt lấy tương lai. Nhưng đó chỉ là một phần của vấn đề. Nhìn rộng ra hơn, phong trào xuống đường tại Hồng Kông lần này xuất phát từ việc cả một thế hệ muốn tham gia vào các hoạt động chính trị của đặc khu hành chính này. Theo tôi, đây là yếu tố giải thích vì sao phong trào phản kháng sẽ tiếp tục. Bất mãn trong công luận Hồng Kông sẽ còn kéo dài trong nhiều năm nữa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.