Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG - LUẬT DẪN ĐỘ

Hồng Kông: Nỗi sợ bị Bắc Kinh bắt cóc gia tăng sau vụ Simon Cheng

Báo chí Pháp ra ngày 23/08/2019 dĩ nhiên đã quan tâm nhiều đến Hội Nghị Thượng Đỉnh G7 mở ra tại Biarritz, thành phố miền tây nam nước Pháp kể từ ngày 24/08. Về châu Á, chỉ có tình hình Hồng Kông tiếp tục được chú ý.

Người biểu tình Hồng Kông lập "dây chuyền người" để đòi cải cách chính trị trên Đại lộ Những ngôi sao ở Hồng Kông, ngày 23/08/2019.
Người biểu tình Hồng Kông lập "dây chuyền người" để đòi cải cách chính trị trên Đại lộ Những ngôi sao ở Hồng Kông, ngày 23/08/2019. REUTERS/Thomas Peter
Quảng cáo

Trong một bài viết, Le Monde nói về nỗi lo ngại gia tăng của cư dân Hồng Kông trước cách hành xử độc đoán của Trung Quốc trong vụ nhân viên của lãnh sự quán Anh Trịnh Văn Kiệt (Simon Cheng).

Theo Le Monde, việc Trung Quốc hôm 21/08 xác nhận đã bắt giữ ông Trịnh Văn Kiệt (Simon Cheng), nhân viên của lãnh sự quán Anh tại Hồng Kông, mất tích từ hôm 08/08 khi đi qua Thẩm Quyến, đã làm cho người Hồng Kông thêm lo ngại. Họ đã thấy thêm bằng chứng về việc Trung Quốc ngày càng khống chế Hồng Kông của họ.

Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhấn mạnh đây là chuyện nội bộ Trung Quốc, ông Trịnh không có quốc tịch Anh. Ông được sinh ra ở Hồng Kông, là công dân của vùng bán tự trị, nhưng có hộ chiếu « lãnh thổ hải ngoại Anh », cấp cho những người ở thuộc địa cũ khi có yêu cầu, lúc Hồng Kông - « Hương Cảng » - được trao trả lại cho Bắc Kinh năm 1997.

Tài liệu đó không cho phép cư trú tại Anh nhưng có quyền tự do đi lại, đến Anh và được sự bảo vệ của lãnh sự Anh ở nước ngoài. Trung Quốc không công nhận quốc tịch đôi, do đó khi qua biên giới, ông Trịnh dùng giấy thông hành Trung Quốc.

Người biểu tình ở Hồng Kông càng lo ngại về cách hành xử độc đoán của Trung Quốc khi nhớ lại rằng năm 2015, năm người của một hiệu sách chuyên xuất bản những tác phẩm công kích chính quyền Bắc Kinh, đã bị bắt đi mất tích trước khi xuất hiện trên đài truyền hình Nhà nước, tự kiểm điểm, ăn năn hối lỗi. Sau đó đến vụ hai người Canada, một doanh nhân và một cựu nhà ngoại giao, sau khi giám đốc tài chính của Hoa Vi bị bắt giữ ở Vancouver.

Bối cảnh này khiến người ta lo ngại đến Hoa Lục, doanh nhân hay nhà nghiên cứu, sợ bị bắt làm con tin trong tình hình chính trị căng thẳng. Nhiều nhà nghiên cứu châu Âu về Trung Quốc hiện đang ở Hồng Kông đã thú nhận với Le Monde rằng họ rất thận trọng và tránh đi qua bên kia biên giới trong lúc này.

Les Echos : Macron đi dây tại Thượng đỉnh G7

Về Hội Nghị Thượng Đỉnh G7 mở ra tại Biarritz, nhật báo Les Echos đã dành tựa lớn trang nhất cho sự kiện này, và nhận thấy tổng thống Pháp « Macron trong vai trò người đi dây tại Thượng đỉnh G7 ở Biarritz ».

Les Echos ghi nhận : Tổng thống Pháp vào cuối tuần này sẽ đón lãnh đạo 7 cường quốc thế giới, những nước « công nghiệp hóa nhất ». Với các nội dung như thuế quan quốc tế, kinh tế chậm lại, khí hậu, đối tác với châu Phi… nằm trong chương trình thảo luận, hội nghị được dự báo là rất gay go.

Theo tờ báo Pháp, ông Macron là một lãnh đạo thực tiễn và thực tế. Ông biết là sẽ không có đồng thuận, cho nên đã quyết định là sẽ không có thông cáo chung nào được công bố vào cuối hội nghị thượng đỉnh. Trước báo giới hôm 21/08, ông Macron giải thích không muốn những bất đồng bị nêu bật.

Trong tình hình này, Les Echos dự đoán có lẽ sẽ chỉ có những thông cáo cục bộ, tùy theo những điểm đồng thuận. Hội nghị G7 lần này do đó sẽ trở lại với những cuộc thảo luận không chính thức, những trao đổi song phương về những chủ đề quốc tế lớn và cố san bằng bất đồng quan điểm.

Và G7 cũng không tránh việc mời lãnh đạo khác tham gia. Donald Trump chủ trì G7 năm 2020 đã gợi ý mời Nga trở lại. Tại Biarritz, nhiều lãnh đạo châu Phi cũng như Úc và Chilê, Tây Ban Nha, Ấn Độ được mời tham gia vào các buổi làm việc.

Le Monde : G7 và các mục tiêu của Macron

Le Monde cũng đề cập đến Thượng đỉnh G7 ở trang nhất, nhưng lồng sự kiện này vào trong những mục tiêu hành động sắp tới của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tựa lớn trang nhất tờ báo Pháp nêu bật : « G7, Brexit, hưu bổng: Các mục tiêu của Macron ».

Le Monde ghi nhận là hôm 21/08, tổng thống Pháp đã phát triển kỹ lưỡng quan điểm của ông về các thách thức lớn trên thế giới, điều sẽ được ông nêu lên nhân ba ngày thượng đỉnh G7 tại Biarritz từ 24-26/08.

Về hồ sơ nóng bỏng là Brexit, tổng thống Pháp cho hiểu là ông sẽ cứng rắn hơn nhiều với tân thủ tướng Anh, trái với thủ tướng Đức Angela Merkel.

Trong vai trò chủ nhà, tổng thống Pháp cũng sẽ phải dấn thân vào các vấn đề như căng thẳng Iran-Hoa Kỳ, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, và tính chất cấp bách của việc chống biến đổi khí hậu. Đối với Le Monde, đó là những chủ đề lớn sẽ chi phối Thượng đỉnh G7 ở Pháp, trong bối cảnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới này bị chia rẽ hơn bao giờ hết.

Le Monde cũng đề cập đến hoạt động của giới chống toàn cầu hóa, tức là chống G-7. Tờ báo ghi nhận một « Phản Thượng Đỉnh G7 » đã được tổ chức gần nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh chính thống, và những người tổ chức hội nghị này muốn liên kết phong trào đấu tranh xã hội với những người bảo vệ môi trường và sinh thái.

Hai chi tiết được Le Monde nêu bật : Lực lượng cảnh sát dày đặc được triển khai để bảo đảm an ninh cho hội nghị, và một cuộc biểu tình của phe chống G7 được dự trù vào thứ Bẩy 24/08.

La Croix : Internet thành mỏ vàng mới của dân lừa đảo

Rời xa địa hạt chính trị quốc tế, các tờ báo lớn còn lại ở Pháp chú ý đến các đề tài xã hội. Nhật báo Công Giáo La Croix chẳng hạn, đã chú ý đến hiện tượng lừa đảo tràn lan trên mạng internet với hàng tựa lớn trang nhất đầy mỉa mai : « Mỏ vàng mới của giới lừa đảo trên Internet », nói về hiện tượng « tấn công giả mạo », tiếng Anh gọi là phishing, được đánh giá là một nguy cơ lớn, và biết cải tiến.

Phishing là một trong những mối đe dọa tin tặc lớn nhất trên internet. Loại lừa đảo này, ban đầu được nhận diện qua các mail, ngày càng trở nên tinh tế. Việc phòng ngừa trở thành phương tiện chính để chống lại chúng.

« Bưu điện hiện nay đang là nạn nhân của các hoạt động lừa đảo, mời gọi khách hàng trả tiền để nhận một gói hàng, hoặc tham gia các trò chơi có thưởng ». Từ vài ngày qua, lời cảnh báo này được bưu điện đưa lên trang web của mình. Khi nhấp chuột vào để tìm hiểu thêm, khách hàng bị dính trò lừa phishing.

Bưu điện không phải là một trường hợp đơn lẻ. Không ngày nào mà không có những cá nhân, cơ quan hành chính hay doanh nghiệp trở thành nạn nhân. Hôm thứ Ba 20/8, cơ quan thuế vụ nhìn nhận tin tặc vào cuối tháng Sáu đã xâm nhập vào khoảng 2.000 tài khoản để sửa đổi lại nội dung khai báo của người chịu thuế. Hồi đầu năm, nhiều công viên giải trí, trong đó có Le Puy du Fou và Futuroscope, đã phải đối đầu với một chiến dịch phishing dưới dạng một thông báo giả mạo được đưa lên mạng xã hội, hứa hẹn vé vào cửa miễn phí.

Theo dữ liệu năm 2018 của trang web cybermalveillance.gouv.fr, đây là mối đe dọa tin tặc phổ biến nhất ở các cá nhân (25%), tập thể (20%), còn với các công ty thì đứng thứ nhì (14%).

Le Figaro : Đình công lan rộng trong giới cấp cứu

Le Figaro cũng dành hồ sơ chính và tựa lớn trang nhất cho một đề tài xã hội : « Tại các bệnh viện, cuộc khủng hoảng trong giới cấp cứu bắt đầu bám rễ ».

Tờ báo ghi nhận là khởi sự từ đầu tháng 3 tại các khoa cấp cứu thuộc các bệnh viện ở vùng Paris. Cuộc đình công của các nhân viên hoạt động trong ngành cấp cứu hiện đã lan ra 217 bệnh viện trên khắp nước Pháp. Phong trào đình công có nguy cơ lan rộng hơn nữa.

Đối với Le Figaro, căn bệnh mà các khoa cấp cứu mắc phải đã được chẩn đoán : Dịch vụ bị ùn tắc, nhân viên làm việc quá sức, tệ nạn bạo lực nhắm vào giới y tá…, thế nhưng thuốc chữa, vì chưa tìm ra, nên chưa được phân phát. Điều này khiến cho giới làm việc trong ngành cấp cứu nổi giận.

Le Figaro đã nêu bật đà lan rộng của làn sóng bất bình : Khởi sự vào đầu tháng 3 tại khoa cấp cứu bệnh viện Saint-Antoine ở Paris, phong trào đã lan ra 65 bệnh viện trong tháng Năm, và hiện tại, con số cơ sở bị ảnh hưởng đã lên đến hơn 200.

Thông báo vào tháng 7 của Bộ trưởng Bộ Y Tế về giải ngân 70 triệu euro tiền phụ cấp đã không xoa dịu được tình hình.

Lý do, theo Le Figaro, đó là vì những vấn đề mà các khoa cấp cứu gặp phải quá nghiêm trọng để có thể được giải quyết chỉ bằng một tấm séc. Ngoài ra còn có tình trạng thiếu bác sĩ đa khoa để làm việc tại các khoa cấp cứu, cộng thêm với việc nghề này không có sức hấp dẫn. Hiện hàng trăm chỗ làm trong ngành này vẫn không có người nhận.

Libération : Đà vươn lên của giới triệt để bảo vệ loài vật

Sau cùng, nhật báo Libération cũng khai thác một vấn đề xã hội đang nhức nhối : cuộc đối đầu « khốc liệt » giữa phe bảo vệ loài vật một cách triệt để và những người bảo vệ thói quen ăn thịt, giới làm xiếc cần dùng đến thú vật, hay giới thợ săn.

Libération cho biết ngày mai, thứ Bảy 24/08 là Ngày Thế Giới vì sự chấm dứt phân biệt đối xử theo loài, trong bối cảnh những tháng gần đây, phản ứng lại một số hoạt động đấu tranh thô bạo, giới chuyên môn trong ngành và chính quyền đã trở nên cứng rắn hơn.

Lò sát sinh, trại chăn nuôi, cửa hàng thịt, rạp xiếc hay các khu vực săn bắn đã trở thành « chiến trường » của những người ủng hộ và phản đối.

Ngày 24/08, từ Nam Mỹ, Canada, Hoa Kỳ cho đến Ấn Độ, Đức và nhiều địa phương tại Pháp, sẽ có những cuộc tập họp và các hoạt động nhằm tố cáo mọi sự phân biệt đối xử đối với các loài, đòi hỏi phải quan tâm đến lợi ích của loài vật.

Những người đấu tranh phản đối mọi trật tự cao thấp giữa các giống loài, trong đó loài người ở hàng cao nhất. « Tầm nhìn » này phổ biến trong số những người bảo vệ súc vật hoặc chủ nghĩa thuần chay.

Nhưng giới nông gia, các nhân tố trong chuỗi sản xuất thịt, liên đoàn những người săn bắn, các tổ chức ủng hộ đấu bò… cũng đã tổ chức lại để đối phó. « Để cứu một nông dân, hãy xơi một người thuần chay » - khẩu hiệu này trên trang web của Cơ quan điều phối nông thôn như một lời tuyên chiến.

Sở dĩ nghiệp đoàn nông dân nổi giận là vì Aymeric Caron, nhân vật hàng đầu của phong trào đấu tranh chống phân biệt đối xử theo loài, được mời dự hội nghị mùa hè của đảng Sinh Thái - Xanh Châu Âu (EE-LV) tại Toulouse. Tệ hơn nữa là Brigitte Gothière, đồng sáng lập hiệp hội L214, « kẻ thù » của các nhà chăn nuôi, cũng được mời dự.

Nghiệp đoàn nông dân cho biết cũng sẽ có mặt để bảo vệ « các giá trị » của mình, còn người phụ trách ngành thịt cảnh báo : « Sẽ có một kết thúc tệ hại ». Ông cho biết : « Ngày nào tôi cũng nhận được các cuộc gọi của những người chăn nuôi bực tức vì lại có những video mới của phe chống ‘đẳng cấp loài’, hoặc những vụ xâm nhập vào trại chăn nuôi. Quan hệ đang căng thẳng ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.