Vào nội dung chính
ANH - TRUNG QUỐC - HỒNG KÔNG

Một nhân viên của lãnh sự Anh ở Hồng Kông bị mất tích tại Trung Quốc

Bộ Ngoại Giao Anh hôm nay 20/08/2019 tuyên bố « vô cùng quan ngại » về thông tin một nhân viên làm việc cho lãnh sự quán Anh ở Hồng Kông có thể đã bị bắt ở Trung Quốc, khi đi từ Hồng Kông đến Thâm Quyến.

Trụ sở tổng lãnh sự quán Anh ở Hồng Kông. Ảnh chụp ngày 20/08/2019
Trụ sở tổng lãnh sự quán Anh ở Hồng Kông. Ảnh chụp ngày 20/08/2019 REUTERS/Willy Kurniawan
Quảng cáo

Thông cáo của bộ Ngoại Giao Anh cho biết thêm sẽ tích cực hỗ trợ gia đình của nhân viên này, và đang tìm kiếm thêm thông tin từ phía chính quyền Quảng Đông và Hồng Kông.

Theo tin tức của tờ báo địa phương HK01, nhân viên này của lãnh sự quán Anh ở Hồng Kông hôm 08/08 đã đến Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông, chỉ cách Hồng Kông nửa tiếng đồng hồ xe hơi, vì có một cuộc hẹn làm ăn. Người này đã mất tích từ đó đến nay, dù đã mua vé tàu cao tốc trở về Hồng Kông trong cùng ngày.

AP và Reuters cho biết tên của nhân viên này là Simon Cheng Man Kit, phụ trách về đầu tư và thương mại của bộ phận phát triển quốc tế Scotland, thuộc lãnh sự quán Anh.

Cảnh sát Hồng Kông xác nhận đã mở điều tra về một trường hợp mất tích từ hôm 09/08. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói không biết gì về việc này.

Trong bối cảnh các cuộc biểu tình liên tục diễn ra từ 11 tuần qua tại Hồng Kông, Bắc Kinh thường xuyên cảnh báo Luân Đôn không nên « can thiệp » vào cựu thuộc địa Anh.

Thâm Quyến tuy là thành phố nổi tiếng về công nghệ cao nhưng vẫn nằm sau bức tường lửa kiểm duyệt tin tức. Do tình hình Hồng Kông, chính quyền Trung Quốc gia tăng kiểm soát ở biên giới, kể cả việc kiểm tra điện thoại và các thiết bị khác để ngăn chận các hình ảnh về biểu tình lọt vào Hoa lục.

EU kêu gọi « đối thoại rộng rãi »

Liên Hiệp Châu Âu (EU) hôm 17/08 kêu gọi tất cả các bên ở Hồng Kông khởi đầu một cuộc đối thoại mở rộng nhằm làm dịu bớt tình hình. Bà Federica Mogherini, người đứng đầu ngành ngoại giao của EU cho rằng điều quan trọng là biết kiềm chế, không chấp nhận bạo lực, và có những biện pháp khẩn cấp để giải quyết. Bà cũng nhấn mạnh rằng các quyền tự do căn bản và « quyền tự trị cao độ » của Hồng Kông được ghi trong luật pháp và các thỏa thuận quốc tế « cần phải tiếp tục được tôn trọng ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.