Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Hồng Kông: Diễn viên gạo cội bênh Bắc Kinh, dư luận phẫn nộ

Đăng ngày:

Vào lúc phong trào biểu tình dân chủ tại Hồng Kông bị cảnh sát thẳng tay đàn áp, với những lời đe dọa can thiệp ngày càng dữ dội từ phía Bắc Kinh, một số diễn viên điện ảnh gạo cội của Hồng Kông đã lên tiếng ủng hộ Trung Quốc, làm dấy lên nhiều phản ứng bất bình.

Ảnh chụp màn hinh một bài trên Twitter kêu gọi "Tẩy Chay Mộc Lan" để phản đối diễn viên Lưu Diệc Phi đã bênh vực cảnh sát Hồng Kông.
Ảnh chụp màn hinh một bài trên Twitter kêu gọi "Tẩy Chay Mộc Lan" để phản đối diễn viên Lưu Diệc Phi đã bênh vực cảnh sát Hồng Kông. Copie Ecran
Quảng cáo

Nếu lập trường thân Bắc Kinh của Thành Long (Jackie Chan) không làm ai ngạc nhiên, thì quan điểm ủng hộ của Lưu Diệc Phi (Crystal Liu) hay Lương Gia Huy (Tony Leung) khá bất ngờ. Trong thời gian qua, Thành Long gương mặt nổi bật nhất của nền điện ảnh Hồng Kông, không hề che giấu thái độ thân Bắc Kinh của mình, và lần này cũng vây.

“Người hùng” Jackie Chan "thất vọng" vì những cuộc biểu tình

Thành Long trong một cuộc phỏng vấn ngày 14/08/2019 với đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, được phát đi rộng rãi trên các mạng xã hội, kể cả trên Twitter dù mạng này bị cấm ở Trung Quốc, diễn viên sinh trưởng tại Hồng Kông này đã tỏ ý “buồn và thất vọng” trước những cuộc biểu tình diễn ra từ tháng Ba đã “làm cho nhiều người đau đớn và lo lắng”.

Theo Thành Long, Trung Quốc là “tổ quốc” mà tài tử rất tự hào, và diễn viên này khẳng định hoàn toàn ủng hộ chiến dịch truyền thông được Bắc Kinh phát động để bảo vệ cờ Trung Quốc, một phản ứng sau vụ cờ Trung Quốc bị người biểu tình Hồng Kông vứt xuống biển hôm 03/08. Thành Long tự nhận là “một trong những người bảo vệ lá cờ”.

Phát biểu bênh vực Trung Quốc của Thành Long dĩ nhiên đã nhận được nhiều phản ứng đồng tình, nhưng cũng bị đả kích dữ dội. Trên mạng Twitter, đã có những lời lẽ thóa mạ như “diễn viên đã bán rẻ linh hồn”, hay là “diễn viên tuyệt vời đã bỏ rơi con gái ruột của mình, nhưng lại gào to tình yêu quê hương và đất nước”.

“Người Tình” Lương Gia Huy biểu tình ủng hộ cảnh sát

Thành Long đã như vậy, còn Lương Gia Huy, được biết đến nhiều qua bộ phim Người Tình – L’Amant – ra mắt năm 1992, thì đã trực tiếp tham gia một cuộc biểu tình ủng hộ cảnh sát vào ngày 30/06.

Báo chí Hồng Kông ghi nhận là Lương Gia Huy đã tuyên bố “Cảnh sát Hồng Kông xứng đáng được chúng tôi ủng hộ”.

Giới chống dự luật dẫn độ đã không thích thú chút nào trước hành động của Lương Gia Huy cũng như một số nghệ sĩ khác. Trên Twitter, một người viết: “Hãy nhớ kỹ khuôn mặt của họ. Trong tương lai, đừng nghe bất kỳ bài hát nào, hay xem bất kỳ bộ phim nào của họ”.

“Tiểu Long Nữ” Lưu Diệc Phi cũng lên tiếng ủng hộ cảnh sát

Một ngôi sao khác đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội của những người ủng hộ dân chủ Hồng Kông là “Tiểu Long Nữ” Lưu Diệc Phi, diễn viên chính của bộ phim về Hoa Mộc Lan sắp tới đây của hãng phim Mỹ Walt Disney, chuyển thể từ bộ phim hoạt hình nổi tiếng Mulan.

Trên mạng Vi Bác, hôm 14/08, Lưu Diệc Phi đã chia sẻ một bài viết của tờ báo Nhân Dân Nhật Báo, tức là tờ báo của đảng Cộng Sản Trung Quốc, với hàng chú thích tiếng Hoa: “Tôi ủng hộ cảnh sát Hồng Kông đây. Quý vị có thể đánh tôi”, kèm theo là dòng chữ tiếng Anh “Thật là xấu hổ cho Hồng Kông”. Bài đăng của Lưu Diệc Phi còn có hashtag, #IalsosupportHongKongPolice.

Phản ứng của công chúng rất tức thời. Theo tạp chí Mỹ Time ngày 16/08, tại Trung Quốc, nơi tài khoản Vi Bác của Lưu Diệc Phi được 65 triệu người theo dõi, bài đăng của diễn viên đã được 81.000 likes sau hai ngày, trong lúc ở Hồng Kông và những nơi khác, những lời kêu gọi tẩy chay bộ phim Mulan khi được phát hành vào năm tới. Từ khóa #BoycottMulan (Tẩy chay Mộc Lan) đang lan truyền mạnh trên mạng Twitter.

Dẫu sao thì theo Time, sức hút của thị trường Trung Quốc đè nặng trên các nghệ sĩ Hồng Kông. Nhiều người như ca sĩ Hà Vân Thi (Denise Ho) hay Hoàng Diệu Minh (Anthony Wong) đã gặp khó khăn rất lớn vì quan điểm ủng hộ dân chủ Hồng Kông, sau khi bị Bắc Kinh đưa vào danh sách đen trên thị trường Hoa Lục.

Cảnh sát Hồng Kông bị tố cáo xâm phạm quyền tư pháp của người biểu tình

Với những cuộc biểu tình đông đảo, sôi động, diễn ra thường xuyên ở Hồng Kông trong những tháng gần đây, chủ trương đàn áp thô bạo của cảnh sát đã gây khiến những người biểu tình và giới ủng hộ phong trào hết sức phẫn nộ. Nỗi giận dữ lại càng tăng sau vụ một nữ y tá trẻ bị thương ở mắt vì trúng đạn của cảnh sát.

Theo ghi nhận của đặc phái viên RFI tại Hồng Kông, người dân tại chỗ không hiểu được thái độ hung hăng của cảnh sát đối với người biểu tình. Nhưng theo các luật sư lo cho những người bị bắt, thì không chỉ có bạo hành giải tán biểu tình, mà cảnh sát còn làm tất cả để các luật sư không bảo vệ được tốt những người bị bắt.

Trả lời đặc phái viên RFI tại Hồng Kông, bà Thái Từ Vân (Choi Tsz Wan), một luật sư cho biết:

Những người bị bắt được chuyển đến những trung tâm giam giữ ở rất xa trung tâm. Khi chúng tôi đến nơi, thì người ta bảo hãy gọi cho viên sĩ quan chỉ huy nhà tù, nhưng lại không cho số điện thoại. Khi có được số thì gọi cả chục lần vị này mới nhấc máy.

Ê kíp của chúng tôi phải đợi 3, 4 tiếng đồng hồ trước trại giam. Khi vào được bên trong, thì người canh gác giải thích là chỉ có duy nhất một phòng để tiếp xúc với hơn 30 người bị giam giữ. Mỗi luật sư phải đợi đến phiên mình. Và khi cuối cùng gặp được thân chủ của mình thì họ đã ký những tài liệu được (cảnh sát đưa cho).

Chúng tôi vẫn thường nói với các thân chủ: Hãy giữ im lặng, cứ để cho cảnh sát điều tra, nhưng vì chúng tôi không đến nơi kịp, những người bị tố cáo có thể đã nói ra những điều khiến họ có thể bị truy tố, hay bị sử dụng để gây bất lợi cho họ trước tòa án.

Đó là những hành vị khá rõ rệt nhằm cản trở không cho người vị bắt hành xử quyền của mình. Họ có vẻ thực sự thù ghét những người biểu tình, và làm tất cả những gì có thể làm được để gây bất lợi cho người biểu tình, đặt người biểu tình vào tình huống thật khó khăn.

Hơn nữa, cảnh sát còn bắt giữ đông đảo người như thế, bắt cả người dân đi xem biểu tình, thông điệp mà cảnh sát đưa ra rất rõ : Đừng biểu tình nữa, đừng ủng hộ biểu tình, hãy dừng tất cả lại. Chúng tôi có thể làm bất kỳ những gì chúng tôi muốn. »

Phòng trào bài Nhật rộ lên tại Hàn Quốc

Trong cuộc chiến thương mại bùng nổ từ sau khi Tòa Án Tối Cao Seoul kết án các tập đoàn Nhật Bản sử dụng nhân công bị cưỡng bức lao động thời Thế Chiến II, hai nước tiếp tục ăn miếng trả miếng, trong khi nỗi tức giận lên cao ở hai bên bờ Biển Nhật Bản. Tại Hàn Quốc, đã có cả một phong trào rất mạnh kêu gọi tẩy chay mọi thứ từ Nhật Bản. Thông tín viên RFI, Frédéric Ojardias, mô tả từ Seoul:

Dân Hàn Quốc phẫn nộ trước những đòn trả đũa kinh tế của Nhật Bản và đã tham gia cả một phong trào rộng lớn nhằm tẩy chay hàng hóa Nhât. Tại Seoul chẳng hạn, những người thuộc xu hướng dân tộc chủ nghĩa đã cho phá hủy quần áo, rượu bia nhập từ Nhât ngay trên đường phố.

7 hãng hàng không đã phải giảm chuyến bay đi Nhật vì số lượng hành khách đến Nhật giảm sụt mạnh. Hãng sản xuất quần áo nổi tiếng của Nhật là Uniqlo đã thừa nhận là lượng hàng bán ra tại Hàn Quốc đã giảm sụt. Ở thành phố Pusan, một nhà hàng đã từ chối phục vụ khách hàng người Nhật.

Các phản ứng tức giận của người dân có lúc giống như một hành vi săn bắt phù thủy : Một chính khách Hàn Quốc đã bị chỉ trích vì đã uống rượu saké trong một nhà hàng Nhật Bản. Và những ai bị cáo buộc là thân thiện với Nhật thì bị một số chính khách gọi là « những kẻ cộng tác với quân xâm lược », một lời sỉ nhục ám chỉ những người cộng tác với quân Nhật thời Triều Tiên bị Nhật đô hộ trong những năm 1910-1945.

Cuộc đối đầu với Nhật Bản đã trở nên cực đoan. Trong tình hình này rõ ràng là không dễ tìm một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến thương mại tác hại đến kinh tế cả hai nước.

Chính phủ Hàn Quốc vừa rút tên Nhật Bản ra khỏi danh sách « trắng » của các đối tác thương mại ưu đãi, một biện pháp gây khó khăn thêm cho xuất khẩu Hàn Quốc sang láng giềng Nhật. Tokyo cũng đã đưa ra một biện pháp tương tự đối với Hàn Quốc vào đầu tháng 8 này.

Quân Đội Miến Điện bị phiến quân sắc tộc ở miền Bắc tấn công

Quân nổi dậy ở phía bắc Miến Điện đã mở nhiều cuộc tấn công vào hôm thứ Năm, 15/08/2019, nhắm vào quân đội, và lần đầu tiên một trường quân sự đã trở thành mục tiêu tấn công. Ít nhất một người thiệt mạng và nhiều người bị thương.

Theo thông tín viên RFI, Sarah Bakaloglou tại Rangoun, chiến sự bùng lên trở lại với các lực lượng phiến quân của các sắc tộc thiểu số phản ánh thất bại của chính sách hòa giải mà lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi từng thúc đẩy:

Một trường quân sự tại thành phố du lịch Pyin Oo Lwin, một cây cầu và một đồn cảnh sát đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công ở vùng đông bắc Miến Điện.

Liên Minh Phương Bắc, tập hợp lực lượng vũ trang của nhiều sắc dân thiểu số Miến Điện, đã nhanh chóng lên tiếng thừa nhận. Trong số các lực lượng tấn công, có tổ chức Quân Đội Giải phóng Quốc Gia Taaung (TNLA), hoạt động ở bang Shan, và có cả Quân Đội Arakan (AA) đã đánh vào quân đội Miến Điện trong nhiều tháng qua ở bang Arakan, miền tây.

Phe nổi dậy giải thích là họ phản công trước sức ép của quân đội Miến Điện ở những vùng của người sắc tộc. Quân đội Miến Điện đã mở chiến dịch chống ma túy, tịch thu khối lượng rất lớn thuốc lắc méthamphétamine ở những vùng phía bắc này.

Trước đó vài ngày, họ đã cảnh báo quân đội là sẽ trả đũa nếu không ngưng các chiến dịch. Một cuộc ngưng bắn đơn phương đã được quân đội triển hạn cho đến cuối tháng 8, nhưng theo các nhóm nổi dậy, quân đội Miến Điện đã không tôn trọng lệnh ngưng bắn này và lệnh này cũng không liên quan đến bang Arakan.

Những cuộc tấn công mới này là dấu hiệu cho thấy hòa đàm thất bại : dù lãnh đạo Aung San Suu Kyi đã hứa khi lên nắm quyền vào năm 2016 là sẽ thúc đẩy tiến trình hòa bình, chiến sự vẫn gia tăng tại nhiều vùng ở Miến Điện.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.