Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - HỒNG KÔNG

Điều quân đội dẹp biểu tình Hồng Kông : Đòn gió để hăm dọa ?

Sau hơn hai tháng biểu tình bất chấp bạo lực cảnh sát, phong trào phản kháng đòi dân chủ ở Hồng Kông không hề suy yếu, mà hứa hẹn sẽ còn quyết liệt hơn. Chính quyền đặc khu bất lực. Hoa lục dường như đã hết kiên nhẫn, liên tiếp có các động thái đe dọa khiến thế giới lo ngại Bắc Kinh sẽ đưa quân đội trấn áp biểu tình ở Hồng Kông .

Xe quân sự và thiết giáp được nhìn thấy ở Thâm Quyến, đối diện Hồng Kông ngày 16/08/2019.
Xe quân sự và thiết giáp được nhìn thấy ở Thâm Quyến, đối diện Hồng Kông ngày 16/08/2019. STR/AFP
Quảng cáo

Khởi phát từ đầu tháng 6 nhằm chống lại dự luật dẫn độ gây nhiều tranh cãi, phong trào phản kháng đã tiếp diễn dưới nhiều hình thức khác nhau. Từ các cuộc tuần hành ôn hòa của hơn ba triệu người, đến các cuộc biểu tình, phong tỏa các cơ sở là biểu tượng của chính quyền đặc khu và Bắc Kinh, đến việc người biểu tình làm tê liệt sân bay Hồng Kông trong hai ngày 12 và 13/8 vừa qua. Các yêu sách của người biểu tình không thay đổi và còn mở rộng thêm với quyết tâm đi đến cùng. Các vụ xô xát bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát xảy ra ngày càng dữ dội và thường xuyên.

Không một dấu hiệu nào cho thấy chính quyền đặc khu của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga chịu nhượng bộ phong trào phản kháng. Trong khi đó vài ngày qua, Bắc Kinh bắt đầu tỏ ra hết kiên nhẫn. Những hình ảnh hàng đoàn xe quân sự và cuộc diễn tập của lực lượng quân đội chuyên chống bạo động ở ngay sát Hồng Kông, khiến giới quan sát không khỏi lo ngại về khả năng quân đội Trung Quốc được điều động can thiệp lập lại trật tự ở Hồng Kông. Thậm chí để dọn đường dư luận và răn đe người biểu tình, báo chí chính thức Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh có quyền sử dụng vũ lực trấn áp bạo loạn ở Hồng Kông, và xa xôi gợi nhắc sự kiện Thiên An Môn …

Những động thái của Bắc Kinh khiến Mỹ phải lên tiếng, dù đó là công việc nội bộ của Trung Quốc. Cố vấn an ninh của Nhà Trắng John Bolton, trả lời phỏng vấn đài Tiếng nói Hoa Kỳ hôm 15/8, đã nhắc tới viễn ảnh một cuộc đàn áp đẫm máu, giống như với phong trào dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn cách đây 30 năm.

Tuy nhiên, đa số giới quan sát cho rằng, trong hoàn cảnh và thời điểm hiện nay, vẫn không có khả năng Trung Quốc sẽ đưa quân vào Hồng Kông. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình France 24, Giáo sư Kenneth Chan, thuộc đại học Báp-tít Hồng Kông giải thích : « Có thể Bắc Kinh nghĩ rằng những hình ảnh đó sẽ tạo sự hậu thuẫn vững chắc mà bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đang rất cần để tái lập trật tự ».

« Những tin đồn và hình ảnh triển khai quân đội chỉ là một đòn chiến tranh tâm lý điển hình cho phong cách tuyên truyền của Cộng Sản. » Mặc dù mục tiêu chính của Trung Quốc là răn đe, hăm dọa, nhưng không thể loại trừ khả năng can thiệp quân sự trong trường hợp Bắc Kinh buộc phải làm, theo chuyên gia Steve Tsang của Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Luân Đôn. Ông giải thích : « Trung Quốc muốn người biểu tình tự trở về nhà hơn. Nhưng nếu Bắc Kinh thấy quyền lực của đảng Cộng Sản bị đe dọa, họ sẽ can thiệp ». Sự răn đe có vẻ hiện thực hơn khi mà Trung Quốc đang chuẩn bị cho một sự kiện lớn, kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ngày 1/10 tới.

Các lãnh đạo ở Bắc Kinh, luôn ám ảnh với một đại cường Trung Hoa không dễ gì chấp nhận mềm yếu với một phong trào dân chủ tự phát ở vùng đất bán tự trị được gắn với cụm từ « một đất nước hai chế độ ».

Theo nguyên tắc trên, Bắc Kinh để Hồng Kông được tự chủ hoàn toàn về chính trị. Quân đội Trung Quốc có thể can thiệp theo yêu cầu của chính quyền Hồng Kông. Nhìn vào sự thao túng của Bắc Kinh với chính trị Hồng Kông như hiện tại thì chuyện yêu cầu can thiệp của quân đội chỉ là vấn đề mang tính kỹ thuật. Theo ông Steve Tsang, nếu muốn, Bắc Kinh sẽ có ngay đề nghị từ chính quyền Hồng Kông bất kỳ lúc nào. Với Trung Quốc, một bước đi như vậy không phải không có rủi ro.

Các chuyên gia đều cho rằng đó sẽ chỉ là giải pháp cuối cùng, cực chẳng đã. Bởi một sự can thiệp trực tiếp bằng vũ lực sẽ là dấu chấm hết cho nguyên tắc « một đất nước hai chế độ », đảo lộn hoàn toàn hiện trạng địa chính trị trong vùng. Một khi quy chế đặc biệt dành cho Hồng Kông bị tổn hại, môi trường xã hội và kinh tế của vùng đất này sẽ trở nên hỗn loạn.

Cần phải biết là từ năm 1997 Bắc Kinh đã phát triển các lợi ích kinh tế thương mại rất lớn ở vùng đất này. Theo ông Willy Lam, nhà phân tích thuộc Đại học Trung Quốc tại Hồng Kông, giới lãnh đạo Trung Quốc ý thức được rằng để bảo đảm sự phồn thịnh của đất nước, Trung Quốc luôn phải cần một Hồng Kông tư bản theo đúng nghĩa của nó. Đó là chưa nói đến không ít các lãnh đạo Trung Quốc có cổ phần đầu tư trong các ngân hàng, bất động sản, công ty đóng tại Hồng Kông.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.