Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - cam bốt

Căn cứ Trung Quốc ở Cam Bốt : Mối đe dọa cho các nước Biển Đông

Ngày 29/07/2019, Cam Bốt cho biết sẽ chi thêm khoảng 40 triệu đô la để mua thêm vũ khí Trung Quốc. Thông tin này đã thu hút sự chú ý trở lại về việc Phnom Penh được cho là đã ký với Bắc Kinh một thỏa thuận cho Trung Quốc đóng quân tại Cam Bốt. Dù Bắc Kinh và Phnom Penh đã phủ nhận các thông tin, các nước khác, đi đầu là Mỹ, đang đánh giá lại các quan hệ của họ trong khu vực. Trong bài phân tích ngày 03/08/2019 (Reports of a secret base deal are raising fears that Beijing is boxing in the South China Sea), trang mạng tại Pháp của tạp chí Business Insider cho rằng một căn cứ Trung Quốc tại Cam Bốt có tác dụng giúp Bắc Kinh mở rộng tầm khống chế ra toàn bộ Biển Đông và vùng eo biển Malacca, gạch nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Thủy thủ đứng gác gần các tàu chở xăng dầu tại căn cứ hải quân Ream của Cam Bốt, gần Sihanoukville, ngày 26/07/2019.
Thủy thủ đứng gác gần các tàu chở xăng dầu tại căn cứ hải quân Ream của Cam Bốt, gần Sihanoukville, ngày 26/07/2019. REUTERS / Samrang Pring
Quảng cáo

Theo The Wall Street Journal, thỏa thuận đã được ký vào mùa xuân năm nay, theo đó Bắc Kinh có độc quyền sử dụng một phần ba khu vực của căn cứ hải quân Ream của Cam Bốt, gần Sihanoukville, và không xa một sân bay lớn mà một công ty Trung Quốc đang xây.

Dự thảo ban đầu của thỏa thuận mà một số quan chức Mỹ đọc được, dự trù cho phép Trung Quốc đóng quân, lưu trữ vũ khí, cho tàu chiến cập cảng, và sử dụng cơ sở này trong 30 năm, sau đó cứ 10 năm lại tự động gia hạn.

Trung Quốc và Cam Bốt dĩ nhiên đã bác bỏ các thông tin nói trên, thậm chí chính quyền Phnom Penh còn tổ chức cho báo chí đến tham quan căn cứ để cho thấy là không có sự hiện diện của Trung Quốc. Có điều là chuyến đi đã được mô tả là « được dàn dựng », với các nơi mà nhà báo được phép tiếp cận không nhiều.

Ream : Một viên mới trong ‘chuỗi ngọc trai’ của Trung Quốc ?

Theo Business Insider, Hoa Kỳ và nhiều nước khác đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về điều được cho là sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, với một loạt thỏa thuận dọc theo bờ biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Nếu thỏa thuận với Cam Bốt được xác minh, thì Ream là căn cứ quân sự thứ hai của Trung Quốc tại hải ngoại, sau căn cứ Djibouti ở châu Phi được mở ra vào năm 2017.

Theo ông Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ thời chính quyền Obama thì chiến lược của Bắc Kinh là « tạo ra một vành đai chạy từ bờ biển Trung Quốc, xuống Biển Đông, rẽ qua Ấn Độ Dương và đến tận Đông Phi ».

Chuyên gia Mỹ cho rằng không khó để nhận ra ý đồ của Trung Quốc: Ngoài căn cứ ở Cam Bốt, Bắc Kinh đang xây dựng một cảng lớn ở miền nam Miến Điện, đã có cảng Hambantota ở miền nam Sri Lanka, cũng như căn cứ hải quân ở Djibouti.

Sách lược của Trung Quốc, theo ông Rhodes, là khoác vỏ dân sự cho các dự án, nhưng với các cơ sở mang tính lưỡng dụng dân sự và quân sự, để rồi sau đó sử dụng cho mục đích quân sự.

Từ căn cứ ở Cam Bốt: Khống chế Biển Đông và Đông Nam Á

Đối với Business Insider, thỏa thuận lập căn cứ hải quân ở Ream và việc Trung Quốc đang xây dựng một sân bay lớn ở Dara Sakor, khu du lịch cách Ream khoảng 40 dặm về phía tây bắc đã làm dấy lên lo ngại về viêc Bắc Kinh mở rộng tầm hoạt động của quân đội Trung Quốc.

Lý do là sân bay ở Dara Sakor có thể được dùng cho các loại oanh tạc cơ tầm xa cũng như mọi loại phi cơ quân sự khác của Trung Quốc. Dù tập đoàn Trung Quốc chịu trách nhiệm xây dựng sân bay cho biết đấy là một dự án thuần túy thương mại, nhưng ai cũng biết đó là một công trình hoàn toàn có thể dùng vào mục tiêu quân sự.

Prashanth Parameswaran, biên tập viên cao cấp của tạp chí Nhật Bản The Diplomat đã nhấn mạnh rằng các dữ liệu kỹ thuật cũng như các hình ảnh vệ tinh về công trình xây dựng tại Dara Sakor cho thấy là cơ sở đang xây vượt quá nhu cầu sử dụng dân sự và kinh tế bình thường. Do đó, theo nhà quan sát này « Rõ ràng là có một cái gì đó khác đang diễn ra. »

Đối với các quan chức Mỹ, cái khác đó chính là việc xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự, mà mục tiêu là Biển Đông và Đông Nam Á.

Phát biểu với tờ Wall Street Journal, ông Charles Edel, cựu cố vấn của ngoại trưởng Mỹ cho rằng khi kết hợp một tiền đồn tại Cam Bốt với các cơ sở quân sự mà Trung Quốc đã xây dựng trên các đảo ở Biển Đông, cơ bản sẽ hình thành ra « một tam giác tác chiến bao trùm toàn bộ khu vực lục địa Đông Nam Á ».

Một quan chức Mỹ khác thì thẩm định rằng sự hiện diện của quân đội Trung Quốc ở Cam Bốt hay Biển Đông sẽ « phức tạp hóa rất nhiều » khả năng Mỹ đến hỗ trợ của Đài Loan nếu xung đột bùng lên.

Gregory Poling, giám đốc cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế, tuy nhiên đã cho rằng khó có thể so sánh một căn cứ của Trung Quốc ở Cam Bốt với các tiền đồn của Bắc Kinh ở Biển Đông, Cam Bốt giống Djibouti hơn, tức là một cơ sở « cho phép luân chuyển một lực lượng khiêm tốn ».

Trong một bức email, ông Poling nhận định rằng cơ sở ở Cam Bốt không thể cung cấp cho Trung Quốc uy lực triển khai ra Biển Đông nhiều hơn khả năng mà nó chưa có. »

Thế nhưng cơ sở đó, theo chuyên gia Mỹ: « Chắc chắn có thể cho phép Bắc Kinh tung lực lượng, đặc biệt là lực lượng không quân ra Vịnh Thái Lan, eo biển Malacca và biển Andaman, điều mà trước đó họ không có được ». Uy lực triển khai này tuy nhiên không thể so sánh được với năng lực mà Mỹ và Ấn Độ hiện có.

Diễn biến gây bất ổn

Thỏa thuận về căn cứ quân sự Trung Quốc tại Cam Bốt có thể buộc các nước như Việt Nam và Thái Lan đánh giá lại tình hình.

Đối với Parameswaran của tờ The Diplomat, Việt Nam và Thái Lan sẽ lo ngại về sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Cam Bốt.

Chuyên gia này giải thích : « (Việt Nam và Thái Lan) là hai cường quốc muốn được chú ý và có ảnh hưởng đáng kể ở Đông Nam Á, vì vậy (căn cứ Trung Quốc ở Cam Bốt) là điều không chỉ ảnh hưởng đến cán cân quyền lực trong trường hợp Hoa Kỳ và Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng đến cách các nước Đông Nam Á lục địa tương tác với nhau, và theo tôi, trong vài năm qua, sự xâm nhập của Trung Quốc vào Cam Bốt cũng đã khiến cả Thái Lan lẫn Việt Nam cảnh giác ».

Trong một bức email, ông Walter Lohman, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Châu Á tại trung tâm tham vấn Heritage Foundation, Thái Lan là một đồng minh hiệp ước của Hoa Kỳ và hiện có một chính phủ dân cử. Điều đó sẽ cho phép nước này theo đuổi hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ, nếu chính quyền Trump muốn điều đó,

Theo chuyên gia này, tình hình Việt Nam khó khăn hơn, do mối quan hệ phức tạp với Trung Quốc. Hà Nội có thể tiếp cận trực tiếp với Bắc Kinh, nhưng sẽ phải đối mặt với áp lực nội bộ là phải làm nhiều hơn với Mỹ; Việt Nam cũng có thể nhờ đến Nga.

Hiện chưa có chi tiết rõ ràng nào về thỏa thuận liên quan đến căn cứ hải quân Trung Quốc tại Cam Bốt, nhưng theo ông Lohman, sự kiện đó là một « diễn biến gây bất ổn » và có vẻ không hợp lý lắm.

Bắc Kinh đã xây dựng một « quan hệ an ninh chính trị quan trọng » với Thái Lan trong 30 năm qua, trong khi quan hệ chặt chẽ hơn với Cam Bốt đã mang lại « rất nhiều lợi quả ngoại giao ». Thế nhưng sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Ream có thể sẽ làm lãng phí mối quan hệ mà Bắc Kinh đã xây dựng trong khu vực.

Chuyên gia này tự hỏi : « Tại sao lại phải xây dựng một căn cứ quân sự và làm cho quan hệ với người Thái rắc rối lên trong khi mà các sắp xếp hiện nay đã mang lại rất nhiều lợi ích ». Đối với ông Lohman, rất có thể là Trung Quốc đã đi quá trớn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.