Vào nội dung chính
MỸ - TRUNG - TRIỀU

Tập Cận Bình, người thứ ba trong « chuyện tình » Trump-Kim

Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể bày tỏ «tình yêu mến» Kim Jong Un, nhưng chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm mọi cách để xuất hiện như một đối tác không thể thiếu của cặp Trump-Kim, trong chuyến thăm Bình Nhưỡng vừa rồi

Tay bắt mặt mừng, nhưng tình hữu nghị Trung-Triều có thực sự "thắm thiết"?
Tay bắt mặt mừng, nhưng tình hữu nghị Trung-Triều có thực sự "thắm thiết"? KCNA via REUTERS
Quảng cáo

Chuyến công du Bắc Triều Tiên đầu tiên của một chủ tịch Trung Quốc kể từ 14 năm qua đã giúp hai nước phô bày sự hòa hảo vừa tìm lại được, sau thời gian căng thẳng do quốc tế trừng phạt chương trình nguyên tử của Bình Nhưỡng – mà Bắc Kinh cũng tham gia.

Cuộc viếng thăm hai ngày kết thúc hôm thứ Sáu 21/06/2019 cũng phục vụ cho quyền lợi của nhà lãnh đạo Trung Quốc, trước cuộc gặp tổng thống Mỹ tuần tới tại Nhật Bản mà cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ là đề tài chủ đạo.

Bối cảnh lần này hỗ trợ cho ông Tập : sau cuộc họp thượng đỉnh lịch sử tại Singapore tháng 6/2018, việc hai ông Trump-Kim xích gần lại với nhau chừng như lại gặp trắc trở. Washington đòi hỏi Bắc Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa toàn bộ trước khi được dỡ bỏ trừng phạt, nhưng Bình Nhưỡng từ chối.

Chuyên gia về châu Á Bonnie Glaser của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) đặt tại Washington nhận định : « Tập Cận Bình lợi dụng Bình Nhưỡng để chứng tỏ với tổng thống Trump là Trung Quốc đóng vai trò cần thiết tại bán đảo Triều Tiên. Ông Tập hy vọng nếu thuyết phục được ông Kim nối lại đối thoại với Hoa Kỳ, thì ông Trump có thể giảm bớt áp lực thương mại cho Trung Quốc ».

Bản thân tổng thống Mỹ trong quá khứ cũng đã từng liên hệ hai hồ sơ này với nhau. Tuy Donald Trump gọi Tập Cận Bình là « bạn », nhưng năm ngoái ông cũng đã cho rằng ông Tập là « tay chơi bài joker tầm quốc tế ». Theo ông Trump, Kim Jong Un đã thay đổi thái độ sau khi gặp chủ tịch Trung Quốc.

Kim Jong Un, lá bài của Bắc Kinh ?

Chắc chắn là người quyền lực nhất Trung Quốc đã dùng Bắc Triều Tiên như một con bài để đối đầu với Washington – theo nhận xét của Ahn Chan Il, một người Bắc Triều Tiên đào thoát nay là nhà nghiên cứu ở Seoul. Ông Ahn ghi nhận, việc Tập Cận Bình được Bắc Triều Tiên tiếp đón rình rang giúp ông Tập có thể mạnh miệng nói rằng « liên minh máu thịt giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng (trong cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953) sẽ không bị ông Trump làm đảo lộn », bất chấp các động thái của tổng thống Mỹ.

Lu Chao, chuyên gia về Bắc Triều Tiên của Viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh dự báo, Bắc Kinh « chắc chắn sẽ đóng vai trò trung gian hòa giải chủ chốt, để đưa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ đến bàn hội nghị ».

Tuy nhiên theo Thời Ân Hoằng (Shi Yinhong), giáo sư về quan hệ quốc tế, trường đại học Nhân Dân Bắc Kinh, mặc dù Kim Jong Un năm ngoái đã thăm Trung Quốc đến bốn lần, quan hệ hai nước vẫn chưa hoàn toàn hữu hảo. Ông nhắc nhở, Trung Quốc vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt. « Với việc cải thiện quan hệ, Trung Quốc có thể tìm lại một ít ảnh hưởng đối với Bắc Triều Tiên, nhưng rốt cuộc Kim Jong Un vẫn luôn là người quyết định ».

Dấu hiệu cho thấy hai nước láng giềng vẫn chưa thực sự thuận thảo : đài truyền hình Trung Quốc CCTV đã « đặt vào miệng » Kim Jong Un câu « sẵn sàng tỏ ra kiên nhẫn » trong việc thương lượng với Hoa Kỳ - một câu nói không hề có trên báo chí Bắc Triều Tiên.

Tại Bắc Kinh, nhật báo tiếng Anh China Daily nhấn mạnh, ảnh hưởng của Trung Quốc lên nước láng giềng nhỏ bé hãy còn hạn chế. Tờ báo viết : « Có thể thế giới hy vọng rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc có ma thuật biến đá thành vàng, nhưng không thể trông đợi ông Tập có thể giải quyết mọi hồ sơ của bán đảo Triều Tiên trong chuyến công du chỉ có hai ngày ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.