Vào nội dung chính
NGA - TRUNG QUỐC

Nga-Trung tổ chức lễ hợp long cây cầu bắc qua sông Amour

Một sự kiện mang tính biểu tượng nối liền hai nước láng giềng Nga và Trung Quốc đã diễn ra hôm thứ Sáu 31/05/2019 : lễ hợp long cây cầu bắc qua sông Amour. Đây được coi là công trình thắt chặt quan hệ giữa Nga với Trung Quốc, nhất là nhằm tăng cường quan hệ đối tác kinh tế song phương.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) bắt tay chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một buổi lễ ở trường đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, ngày 26/04/2019
Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) bắt tay chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một buổi lễ ở trường đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, ngày 26/04/2019 Kenzaburo Fukuhara/Pool via REUTERS
Quảng cáo

Trong những năm qua, Matxcơva coi chính sách phát triển vùng Viễn Đông của Nga là một ưu tiên trong nước.

Từ Matxcơva, thông tín viênRFI Étienne Bouche cho biết thêm chi tiết :

« Đoạn cầu cao tốc dài 1km nối thành phố Blagovechtchensk của Nga với thành phố Hắc Hà, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Dự án xây cầu cao tốc được đề xuất cách nay gần 30 năm, nhưng đã bị hoãn lại, nay việc xây dựng công trình đã vượt qua một giai đoạn mang ý nghĩa biểu tượng : lễ hợp long hai đoạn cầu thuộc lãnh thổ hai nước Nga và Trung Quốc đã được tổ chức hôm thứ Sáu tuần trước (31/05). Sự kiện này được đề cập trên các phương tiện truyền thông của hai nước.

Cây cầu được khởi công xây dựng hồi cuối năm 2016 sau một thời gian dài lần lữa từ phía Nga : ngoài những vấn đề pháp lý mà dự án xuyên biên giới này đặt ra, thái độ thận trọng của Matxcơva chủ yếu xuất phát từ việc Nga vẫn duy trì quan hệ nước đôi với nước láng giềng Trung Quốc. Về mặt lịch sử, đó vẫn là một nước láng giềng khiến Nga luôn ngờ vực, nhưng lại mang tới những triển vọng để phát triển kinh tế.

Đối với Iouri Troutnev, đặc sứ của tổng thống Nga Vladimir Putin tại vùng Viễn Đông, thì cây cầu sẽ không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển trao đổi song phương mà còn thu hút đầu tư của Trung Quốc vào vùng này. Theo thông báo, cây cầu sẽ được đưa vào sử dụng vào mùa xuân năm 2020. Việc hợp long cây cầu nối hai bờ sông Amur diễn ra chỉ vài ngày trước khi thượng đỉnh kinh tế Saint-Pétersbourg được tổ chức với sự tham dự của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.