Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - HOÀNG ĐẾ

Nhật hoàng Akihito chính thức thoái vị

Hôm nay, 30/04/2019, Nhật hoàng Akihito đã kết thúc các nghi lễ thoái vị, chính thức nhường ngôi cho hoàng thái tử Naruhito, sau 30 trị vì nước Nhật. Đây là lần đầu tiên từ hơn hai thế kỷ, một Nhật hoàng thoái vị.

Nhật Hoàng Akihito đọc diễn văn trong lễ thoái vị, Tokyo, ngày 30/04/2019
Nhật Hoàng Akihito đọc diễn văn trong lễ thoái vị, Tokyo, ngày 30/04/2019 REUTERS
Quảng cáo

Buổi lễ hôm nay chỉ diễn ra trong 10 phút, từ 17 giờ, giờ Tokyo. Nhật hoàng Akihito đã đọc một bài diễn văn ngắn. Ông nói: « Từ đáy lòng, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến nhân dân Nhật Bản, đã chấp nhận cho tôi đóng vai trò là biểu tượng của quốc gia và đã ủng hộ tôi.». Trước đó, vào buổi sáng, Nhật hoàng Akihito đã đến nhiều đền thờ của Hoàng cung để «thông báo » sự thoái vị.

Tuy vậy, về mặt chính thức, Akihito vẫn còn là Nhật hoàng cho đến nửa đêm nay, khi nước Nhật bước vào thời đại « Lệnh Hòa », sẽ kéo dài suốt thời gian trị vì của tân Nhật hoàng Naruhito, chính thức đăng quang ngày mai.

Trong suốt 200 năm qua, các hoàng thái tử chỉ lên nối ngôi vua cha khi một Nhật hoàng băng hà. Nhưng vào năm 2016, Nhật hoàng Akihito đã bất ngờ bày tỏ mong muốn được thoái vị, do tuổi cao sức yếu (năm nay ông 85 tuổi).

Trả lời RFI Pháp ngữ, giáo sư Trường Viễn Đông Bác Cổ INALCO Guibourg Delamotte nhận định về vai trò của Nhật hoàng Akihito:

« Nhật hoàng không được nắm vai trò chính trị nào, không được có những hành động nào mang màu sắc chính trị. Theo hướng này, Nhật hoàng đã tỏ ra rất hoàn hảo, có nghĩa là ông không bao giờ nêu ý kiến về một dự luật, chưa bao giờ xen vào chính trường Nhật Bản.

Có một nghịch lý là Nhật hoàng tuy rất kín đáo, nhưng lại có một vai trò mang tính chính trị rất cao. Trước hết, đó là vì ông thật sự là hiện thân của quốc gia, đúng như vai trò của một Nhật hoàng. Thần dân Nhật rất yêu mến và rất kính trọng ông. Ông luôn có những cử chỉ gần gũi với thần dân, tỏ sự cảm thông với thần dân trong những thời điểm khó khăn, đặc biệt là khi xảy ra thảm họa Fukushima. Ông đã đến thăm những người tản cư, ngồi lại trò chuyện với họ.

Đồng thời ông là một nhân vật ôn hòa, vẫn ủng hộ sự hòa giải giữa Nhật Bản với Hàn Quốc. Ông cũng đã khẳng định mình là một nhân vật xu hướng tự do, theo đúng nghĩa của các nước anglo-saxon, tức là thiên tả hơn. Trên bình diện chính trị, định chế, ông đã làm thay đổi vai trò và trách nhiệm của Nhật hoàng.»

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.