Vào nội dung chính
SRI LANKA - KHỦNG BỐ

Khủng bố tấn công cộng đồng Thiên Chúa Giáo Á Châu

Thảm sát Sri Lanka, dầu hỏa lên giá vì Donald Trump đánh thẳng vào hầu bao Iran, tương lai bất trắc của Ukraina, Paris bị tố ủng hộ phe độc tài ở Libya, Trung Quốc và đại họa thuốc giả đe dọa toàn cầu: Đây là những tựa lớn trên báo Pháp ngày 24/04/2019.

Người thân khóc thương nạn nhân vụ khủng bố, được chôn cất tại nghĩa trang Công Giáo Sellakanda ở Negombo, Sri Lanka ngày 23/04/2019.
Người thân khóc thương nạn nhân vụ khủng bố, được chôn cất tại nghĩa trang Công Giáo Sellakanda ở Negombo, Sri Lanka ngày 23/04/2019. REUTERS/Athit Perawongmetha
Quảng cáo

Thảm sát Sri Lanka : Ai gây nên tội ?

Ngày Phục Sinh đẫm máu tại Sri Lanka, ba nhà thờ và bốn khách sạn quốc tế bị tấn công, 320 người chết và gần 500 người bị thương. Du khách nước ngoài và tín đồ Công Giáo là mục tiêu khủng bố. Cho dù thủ phạm là ai đi nữa, nhóm « độc thần quốc gia NTJ» như chính quyền quy buộc hay Daech, thì đối với Le Monde, nạn nhân thánh chiến vẫn là cộng đồng Thiên Chúa Giáo Sri Lanka. Tựa bài báo bên cạnh bức ảnh gia đình một nạn nhân gục đầu bên nấm mộ mới đắp.

Điểm đáng lo hơn nữa là vụ khủng bố kinh hoàng nhất từ đầu năm nay cho thấy khủng bố quốc tế có một vùng đất bao la để « chinh phục » : từ Indonesia, Philippines cho đến Bangladesh. Tấn công vào nhà thờ và khách sạn quốc tế nổi tiếng bảo đảm cho kẻ chủ mưu gây được tiếng vang khắp địa cầu.

Trong lúc chính quyền Colombo còn tập trung vào nhóm Hồi Giáo nội địa thì Daech tự nhận là tác giả. Nhật báo thiên tả Libération có vẻ nghiêng theo hướng có người ngoài can thiệp vì « nhóm độc thần quốc gia NTJ » mới được thành lập gần đây để chống lại một tổ chức Phật tử cực đoan, chỉ sử dụng đao kiếm, khó có thể điều hợp một loạt vụ nổ bom tự sát.

Theo Libération, « califat » của Daech bị đánh đuổi khỏi Irak và Syria, chưa có thể « sơ tán » về Sri Lanka nhưng thừa sức chỉ đạo và hỗ trợ tổ chức khủng bố. Cũng có thể, một số chiến binh người Sri Lanka từ Irak, Syria hồi hương (32 người, theo tin cảnh sát) thực hiện. Chính quyền Colombo đã truy bắt được hơn 40 kẻ tình nghi, nhưng bản thân chính quyền này không hành động gì khi được tình báo quốc tế báo động từ 10 ngày trước. Hai lần cuối cùng là vào chiều thứ Bảy và sáng Chủ nhật. Hai giờ trước khi nổ bom, tình báo Sri Lanka lại được đồng nghiệp Ấn Độ cảnh giác một lần nữa là sắp có khủng bố ở nhà thờ và sứ quán Ấn.

Liệu Daech có thật sự bị tiêu diệt ? Chọn Sri Lanka làm mục tiêu, khủng bố tỏ ra vô cùng hiểm độc. La Croix giải thích :

Theo nhật báo Công Giáo, mọi người còn nhớ bản tuyên bố chiến thắng Daech hồi cuối tháng Ba năm nay, sau khi Baghouse, căn cứ cuối cùng của Daech ở Syria bị thất thủ. Daech bị mất cái « nhà nước » của họ nhưng lực lượng phá hoại vẫn tồn tại. Loạt khủng bố ở Sri Lanka là một bằng chứng.

Tại sao lại chọn Sri Lanka ? Bởi vì đánh vào một nước đang phát triển ở Châu Á dễ thực hiện hơn ở một nước Tây phương. Từ sau loạt khủng bố 2015 và 2016, Tây phương chuẩn bị, tổ chức ngăn ngừa hiệu quả hơn tuy vẫn không tuyệt đối. Tuy nhiên, thánh chiến có thể tấn công Tây phương qua khách du lịch và nhà thờ Thiên Chúa Giáo ở Đông Nam Á.

Trong bối cảnh này, khó tránh khỏi những vụ khủng bố khác trong tương lai. Để đối phó, cần có sự hợp tác quốc tế và tránh không để tôn giáo bị lợi dụng như một công cụ bạo lực. Những tuyên bố như là « trả thù » hai vụ tấn công vào đền thờ Hồi Giáo ở New Zealand chỉ tạo thêm vòng xoáy bạo lực lấy oán trả oán.

Trừng phạt Iran, Donald Trump hạ độc thủ cấm Iran xuất khẩu dầu thô. Hệ quả là giá dầu tăng vọt, vịnh Ba Tư có nguy cơ bị Iran phong tỏa để trả đũa.

Theo bình luận của Libération, Donald Trump « đá thẳng vào lưới » với lệnh cấm vận toàn diện dầu thô Iran. Trong khi đồng nghiệp Le Monde nhấn mạnh đến viễn ảnh đen tối của Iran, quyết định trừng phạt của Mỹ cộng thêm thiên tai lũ lụt tàn phá nghiêm trọng nhất từ 15 năm nay, với hơn nửa triệu nạn nhân, nhật báo thiên tả đặt câu hỏi « liệu mục tiêu Zero » có thực hiện được hay không ?

Từ ngày 1 tháng Năm, tất cả 8 nước hiện còn được đặc miễn mua dầu Iran phải ngưng tức khắc nếu không muốn bị Mỹ trừng phạt. Một số đồng minh của Washington như Hy Lạp,Ý, Đài Loan đã tuân thủ từ lâu. Ấn Độ tỏ ra kín đáo trong khi Trung Quốc phản đối nhưng « không nói là sẽ tuân thủ hay không ».

Theo một chuyên gia Châu Âu, mục tiêu của Donald Trump xem dễ nhưng khó thực hiện bởi vì Trung Quốc, với nhu cầu năng lượng khổng lồ, đã tính trước, trao đổi với Iran qua mậu dịch thay vì dùng đồng đô la. Vấn đề là giá dầu sẽ leo thang, cho dù Ả Rập Xê Út có hứa gia tăng sản xuất vàng đen. Về phần Iran, từ lâu nay đã thiết lập được một đường dây «buôn lậu», dùng tàu dầu không gắn dụng cụ điện tử báo tín hiệu lộ trình, hoặc dùng đường bộ ngang qua Irak.

Cũng như các đồng nghiệp, Le Figaro lo ngại giá dầu « nhảy vọt ». Nhưng chuyện đáng lo hơn nữa là Iran đe dọa sẽ phong tỏa eo biển Ormuz ra vào vịnh Ba Tư, hải lộ vận chuyển phần lớn dầu thô bán ra thị trường thế giới. Mọi yếu tố làm tăng giá dầu đã hội đủ.

Chiến sự Libya : Paris và Washington chơi trò gì ? Le Monde và Libération đánh dấu hỏi.

Hai nhật báo dành cho thủ tướng Faiez Sarraj một bài phỏng vấn dài. Người đứng đầu chính phủ Tripoli không hiểu vì sao Pháp vừa ủng hộ chính quyền được Liên Hiệp Quốc thừa nhận, vừa ủng hộ tướng nổi loạn Haftar. Thủ tướng Faiez Sarraj đang tuyệt vọng tìm hậu thuẫn quốc tế, từ khi phe nổi dậy ở miền đông kéo quân về thủ đô.

Lập trường của Paris lại rất mơ hồ, Libération nhấn mạnh. Le Monde phản ảnh nỗi thất vọng của thủ tướng Faiez Sarraj qua câu hỏi : Vì sao Paris thờ ơ trước một cuộc chiến đối đầu một bên là chế độ quân sự, và bên kia là nhà nước dân sự, bảo đảm cho các quyền tự do ? Trong khi đó, người dân thủ đô sống trong nỗi lo sợ chiến cuộc tàn phá. Kẻ tìm cách vượt biển ra nước ngoài, người thì hồi hộp chờ « thống tướng giả », theo lối chế diễu - vì cấp bậc thống tướng hay thống soái không có trong quân đội Libya.

Theo Le Monde, muốn biết tình hình Libya xoay chiều lúc nào thì phải tìm câu trả lời từ Washington : ngày 19 tháng Tư, tổng thống Donald Trump có một cuộc điện đàm với tướng Haftar và nhìn nhận vai trò « chống khủng bố , bảo đảm an ninh cho các giếng dầu và nhà máy lọc dầu Lybia ». Cú điện thoại này được diễn dịch là Donald Trump đã chọn phe trong cuộc khủng hoảng ở Libya.

Hơn 70% cử tri Ukraina bầu kịch sĩ hài Zelensky làm tổng thống. Giới quan sát cho rằng quốc gia láng giềng của Nga đứng trước tương lai bất định ? Hư thực ra sao ?

Theo giải thích của Le Monde, Zelensky là ứng cử viên duy nhất không vận động cử tri bằng sự sợ hãi, mà trái lại mời gọi dân chúng đập nát hệ thống cũ tham ô bất lực, để xây dựng một tương lai xán lạn. Vấn đề là nhân vật thiếu kinh nghiệm chính trị có cách nào thuyết phục hiệu quả hơn là những tuyên bố gây « sốc ».

Trong khi đó thì Matxcơva cũng tỏ ra ra thận trọng trước tình thế mới ở Kiev. Điện Kremlin hài lòng vì Porochenko ra đi, nhưng cũng không biết tổng thống mới là người như thế nào. Theo Le Monde, phải chờ xem khi hồ sơ ống dẫn khí đốt và quan hệ kinh tế giữa hai láng giềng được mang ra thương lượng, mới có thể suy xét. Trong khi chờ đợi, chiến thắng của Zelensky chứng tỏ nền dân chủ non trẻ của Ukraina không phải là từ ngữ phù phiếm và đất nước này được một món quà với ít nhiều hy vọng.

Đại dịch thuốc giả giết hàng trăm ngàn người. Le Figaro dành một bài xã luận và nhiều trang phóng sự về « mạng lưới tội ác » mà Trung Quốc là nguồn chế tạo và xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Thuốc giả gia tăng đáng ngại, hàng trăm ngàn người chết mỗi năm vì thảm họa này. Từ đâu ? Chúng ta là nạn nhân của những nhóm tội ác đa tạp. Câu trả lời này là của chuyên gia Eric Bayle, thuộc Trung Tâm Bài Trừ Tác Hại Môi Trường Và Sức Khỏe (OCLAESP).

Đó là những đường dây xã hội đen buôn lậu đa tạp từ vũ khí, ma túy cho đến thuốc men. Họ có cả bộ máy chuyên đánh cắp kiện hàng, chuyên viên hóa học, vận tải xuyên biên giới… Internet góp phần vào chuyện buôn lậu, gây khó khăn cho các biện pháp kiểm soát...

Trong năm 2017, theo thẩm định của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, có ít nhất 116.000 người châu Phi chết vì uống thuốc giả trị sốt rét. Đại học Edembourg ước lượng có từ 72.000 đến 169.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết vì kháng sinh giả để trị bệnh viêm phổi.

Câu hỏi then chốt : quốc gia nào đứng đầu thế giới chế tạo và xuất khẩu thuốc giả ? Câu trả lời là Trung Quốc. Sau tai tiếng sữa pha trộn hóa chất melamine, vắc-xin giả là thảm họa mới gây hoảng hốt cho giới cha mẹ người Trung Quốc. Mùa hè 2018, xảy ra tai tiếng nửa triệu trẻ sơ sinh Trung Quốc được chủng ngừa sốt thương hàn, phong đòn gánh và teo cơ bằng thuốc chủng giả, gây náo loạn mạng xã hội. Cả một làn sóng người bồng con chạy qua Hồng Kông tìm thuốc thật.

Tình trạng này gây phẫn nộ trong giới trung lưu, tố cáo thái độ thụ động của chính quyền và tình trạng tham nhũng.

Trước sự phẫn nộ của dân chúng, chế độ Tập Cận Bình, đặt ổn định xã hội làm ưu tiên số một, khẩn cấp ra luật kiểm soát và trừng phạt nặng các viện bào chế không tôn trọng chất lượng. Bắc Kinh cũng hứa hẹn đầu môi chót lưỡi tự do hóa công nghiệp thuốc, con gà đẻ trứng vàng 122 tỉ đô la hàng năm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.