Vào nội dung chính
PHÁP - CHÍNH TRỊ

Liệu tổng thống Macron có hòa giải được “hai nước Pháp” ?

Chủ đề chính của báo Pháp ngày 15/04/2019 là phát biểu rất được trông đợi của tổng thống Macron, khép lại 3 tháng Thảo luận toàn quốc, nhằm tìm lối ra cho « khủng hoảng Áo Vàng ». Le Monde chạy tựa trang nhất : « Thảo luận toàn quốc : Những quyết định khó khăn với Macron ». Libération : « Những người ủng hộ Macron tiến thoái lưỡng nan ». Nhiều báo coi đây là điểm khởi đầu cho « Hồi 2 » của nhiệm kỳ. Chính quyền có thể lại được cử tri ủng hộ, với điều kiện Macron không lựa chọn sai.

Tổng thống Emmanuel Macron trước giờ quyết định. Ảnh chụp ngày 10/04/2019 tại Bruxelles.
Tổng thống Emmanuel Macron trước giờ quyết định. Ảnh chụp ngày 10/04/2019 tại Bruxelles. REUTERS/Yves Herman
Quảng cáo

Hàng tựa nhật báo thiên hữu Le Figaro nhấn mạnh : « Macron đặt cược toàn bộ nhiệm kỳ  5 năm vào lúc 20 giờ, tối hôm nay ». « Tối hôm qua, tổng thống đã triệu tập hai cuộc họp tại điện Elysée... Cuộc họp thứ nhất với thủ tướng Edouard Philippe. Cuộc họp thứ hai với một số bộ trưởng chủ chốt, phụ trách các dự án cải cách. Suốt kỳ nghỉ cuối tuần này, tổng thống Macron liên tục có các cuộc gặp những người thân cận, đặc biệt là chủ tịch Quốc Hội Richard Ferrand, lãnh đạo đảng cánh trung Modem François Bayrou, thủ tướng Edouard Philippe ». Những người gần gũi với tổng thống cho biết « ông sẽ tuyên bố nhiều cải cách thực sự, sâu sắc, đặt chính phủ và toàn bộ bộ máy hành chính dưới áp lực ».

Hy vọng nhiều, nguy cơ thất vọng cao

Nhật báo kinh tế Les Echos thì nhấn mạnh đến thách thức vô cùng lớn với tổng thống Macron, trong bối cảnh một bộ phận đông đảo người Pháp tỏ ra nghi ngờ về các tuyên bố của tổng thống, trong suốt cuộc Thảo luận toàn quốc. Tuy nhiên, một người thân cận của tổng thống bày tỏ hy vọng là, cũng như mọi lần, lần này Emmanuel Macron sẽ tiếp tục gây ngạc nhiên. Trong những ngày gần đây, nhiều lãnh đạo chính quyền đã đưa ra các tuyên bố khiến nhiều người nuôi hy vọng, nhưng nguy cơ thất vọng cũng sẽ lớn.

Hôm thứ Sáu tuần trước, lãnh đạo chương trình tranh cử Nghị Viện Châu Âu của đảng Cộng Hòa Tiến Bước, Stéphane Séjournée, khẳng định các biện pháp được đưa ra « sẽ rất mạnh ». Dự kiến các biện pháp tổng thống Macron sẽ đưa ra liên quan đến « gần như không trừ một lĩnh vực nào », từ thuế khóa, đến nền dân chủ, hưu trí, việc làm, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, quan hệ với chính quyền, y tế, giáo dục…

Việc dân chúng tham gia rộng rãi vào quá trình ra quyết định cũng nổi bật lên như vấn đề hàng đầu. Cho dù việc Trưng cầu dân ý theo sáng kiến công dân (RIC), một yêu sách chủ yếu của phong trào Áo Vàng, đã không được chính quyền trực tiếp hưởng ứng, nhưng nhiều chính trị gia thuộc đảng cầm quyền LREM cũng cho rằng cần hạ thấp các tiêu chuẩn của cơ chế trưng cầu dân ý (RIP), hiện có. Đảng LREM cũng đề xuất, nếu một vấn đề được hơn một triệu cử tri đòi hỏi, thì một nhóm công dân – thông qua thể thức rút thăm – sẽ có trách nhiệm thảo ra một dự luật, để thảo luận tại Quốc Hội.

Đảng cầm quyền « giằng xé », tổng thống « nước đôi »

Về phần mình, nhật báo thiên tả Libération nhấn mạnh đến « thái độ nước đôi » của tổng thống và sự phân hóa cao độ trong hàng ngũ đảng cầm quyền, trước thời khắc quyết định. Bài xã luận mang tựa « Nước đôi » giải thích : « Những người xuất thân từ cánh hữu muốn nhìn thấy, từ cơ thể Macron, xuất hiện một Juppé mới (tức Alain Juppé, một cựu thủ tướng cánh hữu). Ít thuế hơn, ít chi phí công hơn, giảm thâm hụt ngân sách, và một lãnh đạo nhiều quyền uy hơn. Ngược lại, những người xuất thân từ cánh tả, vốn bị nhiều ngược đãi từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bởi một ‘‘tổng thống của người giàu’, thì than thở sau khi lực đẩy cải cách xã hội bị mất đi ».

Bài toán thật vô cùng khó giải với tổng thống Pháp, bởi theo Libération, « để củng cố hy vọng của cử tri (thân Macron), cần có các biện pháp thiên về kinh tế, mang tính chính thống. Ngược lại để giảm bớt nỗi giận của người dân, cần phải có các biện pháp xã hội ».

Gánh nặng lớn

Tựa đề của xã luận La Croix là câu hỏi : « Phải chăng thay đổi chính là bây giờ ? », với nhận định : « Toàn bộ giai đoạn 22 tuần lễ sóng gió, không ít thì nhiều, trên khắp cả nước cùng một cuộc Thảo luận rộng rãi trên toàn quốc, đang khép lại với phát biểu sắp được tổng thống đưa ra. Ông là người duy nhất trong chế độ hiện nay có đủ phương tiện để chấm dứt sự hỗn loạn. Gánh nặng trên vai ông ấy là rất lớn… »

Nhật báo Công Giáo lưu ý là « những biện pháp được các bộ trưởng đưa ra rất rộng, liên quan đến yêu sách của cánh tả, cũng như cánh hữu », tuy nhiên, tổng thống cần rút ra các bài học từ tình trạng bế tắc hiện nay, để đưa ra lựa chọn dứt khoát. Theo La Croix, « trên địa hạt chính trị, thoát khỏi tình trạng nước đôi (vừa tả, vừa hữu) hiện nay là cần thiết, cho dù không dễ dàng. Về mặt hành động cụ thể, chỉ duy nhất mục tiêu đoàn kết toàn dân mới có thể mang lại cho ông các câu trả lời đúng ».

« Mọi người cần nắm bắt cơ hội »

Le Monde, Les Echos và La Croix cũng có một số bài tổng kết về cuộc Thảo luận toàn quốc, và mối quan hệ giữa cuộc Thảo luận với các quyết định của tổng thống, từ nhiều góc nhìn khác nhau.

Đối với Les Echos, tổng thống Pháp đã dự kiến trước là sẽ không thể làm hài lòng được hàng triệu đòi hỏi cá nhân được bùng lên, cùng với cuộc nổi dậy của phong trào Áo Vàng. Không có câu trả lời nào có thể đáp ứng được làn sóng yêu sách, với các kiến nghị vô cùng đa dạng, thậm chí mâu thuẫn này. Như vậy, câu trả lời của tổng thống cần phải rộng hơn là một loạt các biện pháp cụ thể. Điều đặc biệt quan trọng là « mang lại niềm tin rằng một con đường tiến lên là có thể được ». Theo Les Echos, « chỉ riêng phát biểu của một ông vua sẽ không làm thay đổi nước Pháp. Mọi người Pháp cũng cần phải nắm lấy các cơ hội mở ra với họ. Tiến bộ không từ trên trời rơi xuống ».

Nguyện vọng của 2 nước Pháp

Về phần mình, La Croix tỏ ra hết sức lo ngại khi dẫn lại các nhận định của Đài quan sát cuộc Thảo luận toàn quốc (Observatoire des débats), với hàng tựa « Những hoài nghi về cuộc Thảo luận toàn quốc ». Đài quan sát cuộc Thảo luận toàn quốc được một viện nghiên cứu về sự tham gia của công dân của CNRS lập ra hồi cuối tháng Giêng (Institut de la concertation et de la participation citoyenne), với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, hoạt động hiệp hội.

Theo đánh giá của Đài quan sát này, các nguyện vọng, quan điểm được rút ra từ cuộc Thảo luận toàn quốc nói trên không đại diện cho phong trào Áo Vàng. Cử tri tham gia thảo luận tại địa phương tương đối cao tuổi, nam nhiều hơn, về hưu chiếm đa số (49%), trình độ học vấn rất cao (62% có bằng cấp đại học). Họ cũng là chủ sở hữu (72%), và nhìn chung thỏa mãn về điều kiện sống cá nhân. Ngược lại, những người tham gia vào phong trào Áo Vàng, trên các điểm giao lộ, thường trẻ tuối (12 tuổi ít hơn trung bình), nữ nhiều hơn nam, chỉ có một phần ba là người hưu trí. Và một điểm chủ yếu khác là đa số họ sống trong tình trạng bấp bênh, tỉ lệ thất nghiệp cao, thu nhập thấp hơn, sức khỏe yếu hơn...

Đài quan sát, được La Croix trích dẫn, lưu ý là, để bù lấp cho tính thiếu đại diện này : chính quyền cần chú ý đến các ý kiến hết sức đa dạng được thể hiện qua tất cả các hình thức đóng góp ý kiến trong thời gian qua. Như vậy, thách thức hàng đầu của tổng thống Macron tối hôm nay là tổng hợp được các nguyện vọng của « hai nước Pháp » : Một nước Pháp đã lên tiếng đông đảo qua cuộc Thảo luận toàn quốc và một nước Pháp chủ yếu bày tỏ quan điểm phản đối trên đường phố, hay các giao lộ.

Le Monde cũng dẫn một tổng kết khác của một nhóm kinh tế gia, với tựa đề « Phải chăng cuộc Thảo luận toàn quốc về cơ bản đã đi trật đích ? ». Nhận định, dựa trên phần tổng hợp 569.000 ý kiến đóng góp trên trang mạng thu thập nguyên vọng của người dân (Granddebat.fr), cũng nhấn mạnh cùng một hướng với La Croix. Đó là tỉ lệ ý kiến đóng ở  các khu vực trung tâm cao hơn rất nhiều so với các vùng ngoại vi (đơn cử như tại Paris 5 lần nhiều hơn so với cư dân vùng ngoại ô Seine-Saint-Denis). Khác biệt cũng rất lớn giữa các vùng miền, tùy theo từng vấn đề.

Mùa Xuân Ả Rập mới và những bài học cũ

Cuộc nổi dậy của dân chúng tại Sudan, châu Phi cũng là chủ đề lớn của Le Monde. Nhật báo Pháp nói đến một « Làn sóng Mùa Xuân Ả Rập mới ».

Tiếp theo phong trào phản kháng tại Algeri dẫn đến sự ra đi của tổng thống Bouteflika, cuối tuần trước, tổng thống độc tài Al-Bachir cũng bị quân đội lật đổ, rồi đến lượt lãnh đạo lực lượng đảo chính phải từ chức, để nhường chỗ cho một viên tướng khác được coi là ôn hòa hơn. Le Monde đặc biệt chú ý đến các bài học kinh nghiệm của phong trào Mùa Xuân Ả Rập hồi 2011, ngoại trừ Tunisia, đa số đều bất thành, với sự trở lại của các chế độ độc tài quân sự, như ở Ai Cập, hoặc rơi vào hỗn loạn.

Bài tổng hợp của Le Monde trước hết dẫn lời tâm sự của ông Gamel Eid, một hình tượng tiêu biểu của phong trào nhân quyền Ai Cập : « Cách mạng nửa vời là tự sát. Đừng để quân đội tước đoạt các thành quả do các bạn đấu tranh mà có ».

Theo chuyên gia Peter Harling, làm việc tại một cơ sở nghiên cứu ở Beyrouth, thế giới Ả Rập từ 20 năm nay đã « chìm trong không khí cách mạng, do đời sống chính trị hoàn toàn xơ cứng » tại khu vực vực này. Một số biến động bất thường như chiến tranh Irak 2003, hay chiến tranh Liban lần hai 2006, giữa Israel và Hezbollah, có thể khiến dân chúng bị đánh lạc hướng, nhưng một khi các căng thẳng này chấm dứt, vấn đề căn bản lại trở lại : sự bế tắc của các hệ thống chính trị. Các nguyện vọng của dân chúng không được chính quyền đếm xỉa, người dân không có con đường nào khác là phản kháng.

Trung Quốc : Trụ cột dân chủ sau này đều thuộc thế hệ « Thiên An Môn »

Châu Phi dường như đang bước vào một làn sóng dân chủ hóa mới, trong lúc Trung Quốc chuẩn bị kỷ niệm 30 năm phong trào sinh viên đòi dân chủ, bị chính quyền đàn áp trong máu. Nhiều người cho rằng phong trào Mùa xuân Bắc Kinh đã bị người dân quên lãng, do chính quyền tìm mọi cách xóa sạch hồi ức, Libération có bài « Phong trào Thiên An Môn đã có một ảnh hưởng sâu sắc tại Trung Quốc ».

Nhân vật chính trong phóng sự của Libération là một cựu sinh viên, từng tham gia phong trào phản kháng, có mặt vào cái đêm kinh hoàng, với khoảng 10.000 người có thể đã bị quân đội sát hại. 30 năm sau, ông vẫn ở lại Trung Quốc. Nhà tranh đấu này bị chính quyền tước hết bằng cấp đại học, và cuộc sống của ông sau đó cũng bị gây nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Cheng không mất hy vọng, và cũng không thỏa hiệp với chính quyền bằng cách nhận một chỗ làm trong bộ máy Nhà nước, để có phương tiện sống, con cái có hộ khẩu.

Hồi 2009, Cheng ký tên vào Hiến chương 08, do cố nhà văn Lưu Hiểu Ba chấp bút, đòi dân chủ cho Trung Quốc. Bản Hiến chương khiến Bắc Kinh sợ hãi đến mức phải giam cầm Lưu Hiểu Ba đến chết.

Nhà tranh đấu Thiên An Môn năm xưa chấp nhận cuộc sống nay đây mai đó, và tiếp tục viết hồi ký về thảm kịch Thiên An Môn. Theo ông, « phong trào Thiên An Môn có một ảnh hưởng sâu sắc tại Trung Quốc. Từ đó nhiều người Trung Quốc tiếp tục đấu tranh vì các quyền căn bản. Tất cả các trụ cột của phong trào này là những người thuộc thế hệ 1989 ».

Về việc nhiều sinh viên hiện nay muốn dùng chủ nghĩa Mác để giải quyết các vấn đề của xã hội Trung Quốc, ông đánh giá điều này chẳng khác nào « uống thuốc độc, để giải cơn khát ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.