Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - HOA VI

Hoa Vi : Trung Quốc tận dụng các quyền dân chủ không hề có trong nước

Với cuộc phản công đang diễn ra trên bình diện tư pháp của tập đoàn Hoa Vi, kiện chính quyền Mỹ tại Mỹ hôm 07/03/2019, và chính quyền Canada tại Canada trước đó hai hôm, Trung Quốc đã cho thấy rõ hai cách hành xử. Ở ngoài nước thì biết tranh thủ tối đa các thể chế dân chủ, nhưng trong nước thì phủ nhận các quyền cơ bản đối với các đối tượng cần trả đũa.

Giám đốc tài chính Hoa Vi, bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) trước tư dinh ở Vancouver, Canada, ngày 06/03/2019.
Giám đốc tài chính Hoa Vi, bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) trước tư dinh ở Vancouver, Canada, ngày 06/03/2019. REUTERS/Ben Nelms
Quảng cáo

Vụ kiện do Hoa Vi khởi động nhắm vào chính quyền Mỹ cho thấy rõ là tập đoàn Trung Quốc biết lợi dụng thể chế dân chủ tại Hoa Kỳ. Nội dung khiếu kiện nhắm vào một điều khoản trong đạo luật liên bang National Defense Authorization Act (NDAA), cấm các cơ quan chính phủ mua thiết bị của Hoa Vi và ZTE, một tập đoàn viễn thông khác của Trung Quốc.

Đối với các luật sư của Hoa Vi, quy định của đạo luật NDAA vi phạm Hiến Pháp Mỹ vì việc tuyên bố một cá nhân hay một nhóm cụ thể nào phạm tội và trừng phạt họ mà không dựa trên thủ tục pháp lý, là một hành động vi hiến, vi phạm quyền tố tụng của Hoa Vi, tước bỏ quyền của Hoa Vi được nghe các chứng cứ và quyền biện hộ trước tòa.

Còn tại Canada, các luật sư của bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của Hoa Vi kiện chính quyền Ottawa đã vi phạm các quyền cơ bản của thân chủ họ, khi câu lưu bà để chuẩn bị xem xét yêu cầu của Washington, muốn dẫn độ bà qua Mỹ.

Trong cả hai trường hợp, về hình thức thì bên nguyên đơn là tập đoàn Hoa Vi chứ không phải là Nhà nước Trung Quốc. Thế nhưng, trong thực tế mọi người đều cho rằng chính quyền Bắc Kinh đứng sau các vụ kiện.

Đối với giới quan sát, quả là Trung Quốc biết tranh thủ các quyền tự do tại các nước như Mỹ và Canada, điều không thể xẩy ra tại Trung Quốc, vì khó có khả năng một cá nhân, hay một pháp nhân nước ngoài nào đưa đơn kiện chính quyền Trung Quốc.

Trong các tuyên bố của mình, Hoa Vi đều tỏ ý tin tưởng rằng họ sẽ thắng kiện. Điều này phản ánh một sự tin tưởng vào tính công minh của tư pháp Mỹ hay Canada.

Thế nhưng, tại Trung Quốc, nơi nền tư pháp bị cho là bị lệ thuộc vào chính quyền, khả năng thắng kiện chính phủ hầu như không có.

Một yếu tố thứ ba nêu bật khác biệt trong cách hành xử của Trung Quốc trong vụ Hoa Vi. Trung Quốc bị tố cáo là đã ngược đãi những công dân Canada bị họ bắt giữ ngay sau khi bùng lên vụ Mạnh Vãn Châu.

Chính thủ tướng Canada hôm 04/03 đã lại tố cáo Bắc Kinh « giam giữ tùy tiện » hai ông Michael Kovrig và Michael Spavor, bị cáo buộc là đã có hoạt động gián điệp.

Chính quyền Ottawa còn cho rằng Bắc Kinh đã vi phạm quyền miễn trừ ngoại giao của ông Kovrig, việc Trung Quốc thẩm vấn ông đã vi phạm Công Ước Vienna về quan hệ ngoại giao… Một nguồn chính thức của Canada còn nói với hãng tin Pháp AFP rằng hai ông Kovrig và Spavor đã phải chịu « các cuộc thẩm vấn gần như hàng ngày » của an ninh Trung Quốc.

Cách đối xử khắc nghiệt nói trên đối lập hoàn toàn với cách xử sự rất đàng hoàng của chính quyền Canada đối với bà Mạnh Vãn Châu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.