Vào nội dung chính
XUNG ĐỘT - AFGHANISTAN

Pakistan thả thủ lĩnh Baradar : Cơ hội hòa bình chưa từng có cho Afghanistan

Ngày 05/02/2019, tại Matxcơva đã diễn ra cuộc đối thoại đầu tiên giữa lực lượng nổi dậy Taliban với đối lập Afghanistan. Đối thoại - được truyền hình trực tiếp trong nước - mang lại hy vọng cho hòa bình. Liệu Afghanistan – đấu trường của các thế lực khu vực và quốc tế, chìm trong nội chiến từ hơn ba thập niên - có tìm lại được hòa bình ? RFI xin giới thiệu quan điểm của nhà nghiên cứu Didier Chaudet, chuyên gia về khu vực Nam và Trung Á.

Cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa đại diện Taliban và nhiều lãnh đạo đối lập Afghanistan tại Matxcơva, ngày 5/2/2019.
Cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa đại diện Taliban và nhiều lãnh đạo đối lập Afghanistan tại Matxcơva, ngày 5/2/2019. Yuri KADOBNOV / AFP
Quảng cáo

Theo ông Didier Chaudet, việc chính quyền Pakistan quyết định trả tự do cho Mollah Baradar, một nhân vật rất có uy tín trong hàng ngũ Taliban, mở ra một cơ hội chưa từng có cho hòa bình. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, « toàn bộ cộng đồng quốc tế » phải triệt để ủng hộ tiến trình hòa giải giữa các phe nhóm Afghanistan. Đây là một tiến trình phức tạp và chắc chắn sẽ kéo dài. Sau đây là phần lược thuật bài « Afghanistan : vì sao giờ đây có thể có hòa bình ? » của nhà địa chính trị học Pháp, đăng tải trên trang Asialyst, ngày 05/02/2019.

***

Nhà nghiên cứu Didier Chaudet trước hết đánh giá cao sứ mạng của đặc phái viên Mỹ về Afghanistan, ông Zalmay Khalilzad, người phụ trách thương lượng với Pakistan về việc trả tự do cho Mollah Baradar, theo yêu cầu của lực lượng Taliban và của chính quyền Kabul. Ngày 24/10/2018, Islamabad đã chấp nhận thả nhân vật này.

Mollah Baradar là ai ?

Mollah Baradar là một thủ lĩnh phong trào moudjahidin chống lại can thiệp quân sự của Liên Xô tại Afghanistan trong những năm 1980, và là một trong các lãnh đạo trụ cột của Taliban, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự. Trong thập niên 1990, Mollah Baradar trở thành nhân vật số hai của bộ Quốc Phòng của chính quyền Taliban.

Mollah Baradar được biết đến như một người có quan hệ đặc biệt thân thiết với Mollah Omar, một lãnh tụ của phong trào Taliban, từng là đối tượng truy bắt ráo riết của Mỹ. Hai người từng cùng trong một nhóm chiến binh chống quân đội Liên Xô trước đây.

Mollah Baradar ngay từ đầu là một trong những nhân vật chủ chốt thúc đẩy đối thoại hòa giải với chính quyền Kabul được thành lập vào cuối 2001 nhờ hậu thuẫn của Hoa Kỳ lật đổ chế độ Taliban. Vào thời điểm đó, nhóm các lãnh đạo Taliban chủ trương đối thoại đã đề nghị với tổng thống Hamid Karzai « ân xá Taliban » để đổi lấy hứa hẹn Taliban không tham gia chính trị, và thừa nhận quyền hợp pháp của tân tổng thống. Tuy nhiên, đề xuất của nhóm Taliban này đã không được tiếp nhận, trong bối cảnh Hoa Kỳ tin tưởng tuyệt đối vào ưu thế quân sự.

Theo một số nguồn tin, tiếp xúc giữa Mollah Baradar và tổng thống Hamid Karzai - vốn thuộc cùng một bộ tộc Popalzai, sắc tộc Pashtuns – có thể vẫn diễn ra sau này, thông qua một số kênh tiếp xúc không chính thức. Dù sao mọi đối thoại đã bị cắt đứt hoàn toàn với việc Mollah Baradar bị chính quyền Pakistan bắt giữ ngày 8/2/2010 tại một trường dạy đạo Hồi gần thành phố Karachi.

Vào thời điểm bị bắt, Mollah Baradar có vị trí nào trong hàng ngũ Taliban ?

Vụ bắt Mollah Baradar rất được truyền thông phương Tây lúc đó quan tâm, không phải bởi các nỗ lực đối thoại tìm kiếm hòa bình với chính quyền Taliban, mà do việc chính ông đã trở thành thủ lĩnh trên thực tế của lực lượng Taliban, kể từ năm 2001. Trong lúc « lãnh tụ » Mollah Omar sống trong vòng bí mật, Mollah Baradar trở thành người chỉ huy các lực lượng nổi dậy trong các hoạt động hàng ngày. Mollah Baradar cũng đảm nhiệm quản lý lĩnh vực tài chính, với hàng trăm triệu đô la thu được từ việc buôn lậu thuốc phiện, hay các hoạt động mafia khác (như bắt cóc người đòi tiền chuộc hay cướp bóc).

Không chỉ là một thủ lĩnh quân sự và tài chính, Mollah Baradar cũng đóng vai trò quyết định trong việc chinh phục « trái tim và khối óc » của người Afghanistan. Thủ lĩnh Baradar buộc các chiến binh nổi dậy phải tuân thủ một « bộ quy tắc ứng xử », để tránh gây thiệt hại cho thường dân trong các xung đột.

Ngày mà Mollah Baradar bị Pakistan bắt, lực lượng Taliban đã mất đi một thủ lĩnh có công đầu giúp Taliban có được thành công cho đến nay. Về phía nội bộ Taliban, việc Mollah Baradar bị bắt cũng khiến các lực lượng Taliban thuộc thế hệ trước bị yếu thế trước sự trỗi dậy của các thành phần Taliban trẻ tuổi, gia nhập lực lượng này sau năm 2001, vốn bị coi là cực đoan hơn, gần gũi hơn với Al-Qaida trước đây và Daech hiện nay.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Didier Chaudet cũng cần đánh giá đúng mức ảnh hưởng của Mollah Baradar đối với phong trào Taliban. Do tính chất phân tán của lực lượng này, việc mất đi thủ lĩnh không đủ khiến phong trào bị yếu đi trong thời gian dài. Nhìn chung, vụ bắt giữ Mollah Baradar có một ảnh hưởng mạnh, nhưng chủ yếu là mang tính biểu tượng đối với Taliban.

Việc trả tự do cho Mollah Baradar có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình hòa giải Afghanistan ? Vì sao ?

Theo ông Didier Chaudet, việc Mollah Baradar được trả tự do mang lại hy vọng là nhiều chỉ huy Taliban theo chủ trương đối thoại với chính quyền cũng sẽ được thả. Đối với tất cả các bên tham gia trong xung đột Afghanistan, Mollah Baradar chính là thủ lĩnh của nhóm những người « có quan điểm thực tế », tìm kiếm hòa bình thông qua các thỏa hiệp.

Trên thực tế, ít ngày sau khi Mollah Baradar được thả, 5 nhân vật quan trọng của Taliban khác – từng bị giam giữ tại Guantanamo và bị quản thúc tại gia ở Qatar – đã được phép tham gia vào phái đoàn chính trị của Taliban trong các đàm phán với Hoa Kỳ. Tiếp theo đó, Mollah Baradar được bổ nhiệm đứng đầu văn phòng đại diện của Taliban ở Qatar, nơi thường diễn ra các thương lượng bí mật với đại diện của Washington. Việc bổ nhiệm nói trên cho thấy, cựu thủ lĩnh Mollah Baradar đã trở lại với một quyền lực thực sự, chứ không chỉ là biểu tượng.

Đối với Hoa Kỳ và Taliban, việc bổ nhiệm Mollah Baradar làm người đứng đầu văn phòng Taliban ở Qatar (một dạng sứ quán trên thực tế của tổ chức này) cho thấy hòa bình không chỉ là một ước mơ, mà là điều hoàn toàn có thể. Mollah Baradar cũng được trao nhiều quyền hạn hơn so với các phụ trách tiền nhiệm của văn phòng Taliban ở Qatar, để có thể chủ động đối thoại với Mỹ.

Về phía Pakistan, việc trả tự do cho Mollah Baradar là một dấu hiệu cho thấy Islamabad mong muốn tiến trình hòa giải Afghanistan thành công. Chính quyền của thủ tướng Pakistan Imran Khan, đắc cử năm ngoái, muốn chứng tỏ Pakistan đóng vai trò tích cực trong việc tìm ra giải pháp cho khủng hoảng Afghanistan, và cũng nhờ vậy cải thiện quan hệ với Washington.

Pakistan vốn có nhiều ảnh hưởng với phong trào Taliban tại Afghanistan. Có nhiều thông tin cho biết Islamabad, cùng với việc trả tự do cho Mollah Baradar, đang gây áp lực với nhóm cứng rắn trong nội bộ Taliban, đặc biệt là phe Haqqani, để Taliban chấp nhận đàm phán với Mỹ, và tiến tới trực tiếp đối thoại với chính quyền Kabul.

Tuy nhiên, chỉ riêng việc trả tự do cho Mollah Baradar và hậu thuẫn cho các thành phần ôn hòa trong nội bộ Taliban thì không đủ để mang lại hòa bình cho Afghanistan.

Tiến trình hòa bình Afghanistan cần thêm những điều gì để thành công ?

Có rất nhiều yếu tố gây trở ngại cho đối thoại tìm hòa bình cho Afghanistan. Một trong những vấn đề hàng đầu là quan hệ phức tạp giữa chính quyền Afghanistan và Pakistan. Giữa hai quốc gia láng giềng có nhiều hiềm khích lâu đời, đặc biệt về đường biên giới. Kabul cũng không hợp tác với Islamabad trong việc trao đổi tù nhân chính trị, từ chối cho dẫn độ một số tù nhân, bị Pakistan buộc tội khủng bố. Một nền hòa bình tại Afghanistan chắc chắn phải đi kèm với việc bình thường hóa quan hệ với Pakistan, cũng như với khu vực Nam Á nói chung.

Việc trả tự do cho Mollah Baradar chỉ có một tác động không đáng kể đến tiến trình hòa giải, nếu Kabul và Islamabad không thể chủ động đối thoại, mà không cần đến các áp lực thường xuyên của Hoa Kỳ. Hiện tại, xu hướng đối thoại Afghanistan và Pakistan có vẻ như đang thắng thế. Tổng thống Afghanistan, ông Ashraf Ghani, mới đây thừa nhận phần « đóng góp tích cực » của Islamabad. Thế nhưng « cuộc chiến tranh lạnh » giữa Ấn Độ với Pakistan tại Afghanistan, dường như vẫn tiếp tục, cũng là một nhân tố gây trở ngại khác.

Một thách thức lớn khác, mà nhiều người nói đến là thế đối đầu giữa hai nhóm. Một bên là Mỹ và Pakistan gây áp lực với Taliban để thúc đẩy đối thoại, bên kia là Iran và Qatar ủng hộ mạnh Taliban, và từ chối gây áp lực. Theo nhà nghiên cứu Didier Chaudet, đây là một nhận định khó kiểm chứng thực sự, nhưng điều này ít nhất cũng cho thấy tình hình tại Afghanistan phụ thuộc chặt chẽ vào cục diện của cả một khu vực rộng lớn, chứ không chỉ là vấn đề của Nam Á.

Theo Didier Chaudet, để hòa bình trở lại với Afghanistan, cần nỗ lực để các căng thẳng địa chính trị khu vực lắng dịu, và Afghanistan cần được nhìn nhận như một vùng đất « trung lập vĩnh viễn », như kiểu Thụy Sĩ, để quốc gia này không còn là nơi tranh chấp giữa các cường quốc khu vực và thế giới. Nhà địa chính trị học Pháp cũng nhấn mạnh đến việc tái xác định mô hình Nhà nước tại Afghanistan, như một yếu tố quan trọng hàng đầu.

Đất nước Afghanistan đa sắc tộc - với hai cộng đồng lớn là Pashtuns và Tadjik rất dễ rơi vào thế đối đầu - cần đến một mô hình Nhà nước tản quyền. Một mô hình liên bang kiểu Thụy Sĩ là điều phù hợp với quốc gia này hơn là chế độ tập quyền hiện nay. Dự án cải tổ Nhà nước nên là điều cần được tiến hành song song với cuộc đối thoại giữa Kaboul và phe Taliban.

***

Chuyên gia Didier Chaudet từng là giảng viên Học Viện Chính Trị Paris Sciences Po, và hiện đang phụ trách chương trình « Iran và Nam Á » thuộc Viện Institut Prospective et Sécurité en Europe, một think-tank Pháp và cộng tác với một trong các viện tư vấn chính trị hàng đầu tại Pakistan (Islamabad Policy Research Institute).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.