Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CAM BỐT

Chiến hạm Trung Quốc thăm đồng minh Cam Bốt

Ba chiến hạm lớn của Trung Quốc đã cập cảng Sihanoukville, phía nam Cam Bốt, ngày 09/01/2019, bắt đầu chuyến thăm bốn ngày, trong bối cảnh rất nhiều tin đồn cho rằng Bắc Kinh có kế hoạch xây căn cứ quân sự ở miền nam Cam Bốt.

Khu trục hạm Trung Quốc Hải Khẩu (DDG-171). Ảnh minh họa
Khu trục hạm Trung Quốc Hải Khẩu (DDG-171). Ảnh minh họa Reuters
Quảng cáo

Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Cam Bốt, Chhum Socheat, nhấn mạnh với AFP rằng chuyến thăm của ba chiến hạm trên không nhằm mục đích « phô trương ảnh hưởng của Trung Quốc » mà để « tăng cường mối quan hệ và hợp tác quân sự, kể cả hàng hải, giữa hai nước ».

Chính quyền Phnom Penh luôn bác bỏ mọi thông tin về kế hoạch xây căn cứ hải quân của Trung Quốc ở miền nam Cam Bốt vì, theo tuyên bố vào trung tuần tháng 11/2018 của thủ tướng Hun Sen, « Hiến Pháp Cam Bốt cấm sự hiện diện của quân đội và căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ ».

Tuy nhiên, theo thông tin báo chí, Bắc Kinh đã gây sức ép với Phnom Penh để xây một khu cảng, có thể biến thành căn cứ hải quân trong tương lai, ở tỉnh Koh Kong (tây nam Cam Bốt). Khu vực này có vị trí chiến lược vì nằm trong vịnh Thái Lan, dễ dàng giúp quân đội Trung Quốc đi ra Biển Đông, nơi Bắc Kinh đòi chủ quyền hơn 80% diện tích.

Bắc Kinh là đồng minh lớn nhất trong vùng của chính quyền Hun Sen và là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Phnom Penh với nhiều tỉ đô la đầu tư trong những thập niên gần đây. Chính quyền Bắc Kinh còn hứa giúp xứ Chùa Tháp xây một sân bay mới, một tuyến đường cao tốc và nhiều dự án cơ sở hạ tầng khác.

Trên lĩnh vực quân sự, quân đội hai nước đã tiến hành nhiều cuộc tập trận chung. Vào tháng 06/2018, Bắc Kinh hứa đầu tư 100 triệu đô la giúp hiện đại hóa quân đội Cam Bốt.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.