Vào nội dung chính
NHẬT - NGA

Thủ tướng Nhật: Hòa ước với Nga có lợi cho an ninh châu Á-Thái Bình Dương

Trả lời đài truyền hình Nhật NHK ngày 06/01/2019, thủ tướng Shinzo Abe gián tiếp trấn an Hoa Kỳ trước viễn cảnh Tokyo và Matxcơva giải quyết tranh chấp lãnh thổ và đạt được một hiệp định hòa bình. Trên nguyên tắc thủ tướng Nhật Bản công du Nga vào cuối tháng Giêng 2019.

Ảnh minh họa: Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (g) lúc viếng đền Ise, trung phần Nhật Bản. Ảnh ngày 04/01/2019.
Ảnh minh họa: Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (g) lúc viếng đền Ise, trung phần Nhật Bản. Ảnh ngày 04/01/2019. Kyodo/via REUTERS
Quảng cáo

Theo hai hãng tin Nhật, Kyodo và Jiji , khi được hỏi về quan hệ giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ một khi Tokyo giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Nga trong khu vực quần đảo Kuril, thủ tướng Abe tuyên bố : "Hiệp định an ninh Mỹ Nhật là nền tảng bảo đảm an ninh quốc tế, là nền tảng của chính sách ngoại giao và an ninh Nhật Bản. Việc đạt được hiệp định hòa bình với Nga góp phần ổn định khu vực(...) và sẽ có lợi cho Hoa Kỳ".

Tuy nhiên để đạt được một hiệp ước hòa bình với Nga, Tokyo và Matxcơva bắt buộc phải san bằng bất đồng về tranh chấp chủ quyền trong khu vực quần đảo Kuril.

Về điểm này, thủ tướng Shinzo Abe một lần nữa nhắc lại quan điểm: "Có một thực tế không thể chối cãi, đó là các công dân Nga đang sinh sống trên bốn hòn đảo (....) Tranh chấp lãnh thổ không thể giải quyết cho tới khi nào mà đôi bên đồng thuận về quy chế của bốn hòn đảo đó".

Bốn đảo nói trên gồm Iturup, Kunashir, Shikotan và Habomai, thuộc quần đảo Kuril, bị Liên Xô chiếm đóng năm 1945. Trong 70 năm qua, Tokyo luôn coi bốn hòn này là "một phần lãnh thổ không thể tách rời của Nhật Bản".

Bên lề thượng đỉnh ASEAN và các đối tác tổ chức tại Singapore hồi tháng 11/2018, thủ tướng Nhật Bản và tổng thống Nga đồng ý thúc đẩy đàm phán song phương về việc ký kết hòa ước, dựa trên cơ sở bản Tuyên Bố năm 1956.

Tuy nhiên văn bản này chỉ nêu lên việc Matxcơva hoàn trả lại Shikotan và Habomai, hai trong số bốn hòn đảo mà cả Nhật Bản lẫn Nga cùng khẳng định chủ quyền. Khúc mắc nằm ở chỗ hai đảo Iturup, Kunashir là của ngõ của Nga mở ra Thái Bình Dương.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.