Vào nội dung chính
CHÂU Á - MIẾN ĐIỆN

Miến Điện : Quân đội quyết định hưu chiến đối với các nhóm nổi dậy

Ngày 21/12/2018, quân đội Miến Điện thông báo sẽ ngừng mọi chiến dịch quân sự nhắm vào các nhóm vũ trang ở những vùng bất ổn miền bắc và đông Miến Điện. Quyết định ngừng bắn trong vòng bốn tháng là dấu hiệu cho thấy chính phủ và các nhóm nổi dậy có thể ngồi vào bàn đàm phán tiến trình hòa bình.

(Ảnh minh họa) - Tướng Min Aung Hlaing,Tư lệnh liên quân Miến Điện. Ảnh chụp ngày 19/07/2018 tại Yangon.
(Ảnh minh họa) - Tướng Min Aung Hlaing,Tư lệnh liên quân Miến Điện. Ảnh chụp ngày 19/07/2018 tại Yangon. REUTERS/Ann Wang
Quảng cáo

Trong thông cáo của chỉ huy quân đội Miến Điện, quyết định ngừng bắn đơn phương đối với các nhóm vũ trang có hiệu lực tức thì và kéo dài đến ngày 30/04/2019. Thời gian này cho phép tổ chức các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, quân đội Miến Điện vẫn giữ quyền sử dụng vũ lực « nếu cần thiết ».

AFP nhắc lại là 10 nhóm nổi dậy vũ trang đã cam kết tham gia quá trình đàm phán theo lời kêu gọi của lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi, nhưng cũng có nhiều nhóm khác phản đối, yêu cầu quân đội phải bỏ vũ khí trước.

Tổng thư ký của tổ chức Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta’ang (TNLA), một trong những nhóm chiến binh nổi dậy lớn nhất ở vùng đông bắc, đã hoan nghênh « giai đoạn tích cực », nhưng lấy làm tiếc là lệnh ngừng bắn không được áp dụng trên khắp đất nước.

Quyết định của quân đội Miến Điện cũng khiến nhiều nhà quan sát bất ngờ. Theo ông Min Zaw Oo, giám đốc Viện Vì Hòa Bình và An Ninh Miến Điện, « Tatmadaw (quân đội Miến Điện) chưa từng làm việc này. Đây là trường hợp đầu tiên trong lịch sử Miến Điện ».

Về phần mình, ông Andrew Kirkwood, một quan chức của Liên Hiệp Quốc tại Miến Điện, khuyến khích các bên « tận dụng thời điểm này để ngưng mọi hoạt động thù nghịch ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.