Vào nội dung chính
MỸ - TRUNG QUỐC - QUÂN SỰ

Báo Anh: Hiểm họa xung đột Mỹ-Trung vì thiếu giao lưu quân sự

Không khí lễ tết tràn ngập các tuần báo dịp cuối năm này vẫn không che khuất được một số vấn đề thời sự nóng bỏng. Tờ The Economist ở Luân Đôn, dù dành hồ sơ lớn cho một « Số kép Giáng Sinh - Christmas Double Issue » - tựa chữ đậm ở trang bìa, nhưng ở trang trong đặc biệt chú ý đến một khía cạnh đáng ngại của cuộc đọ sức Mỹ-Trung đang diễn ra : Đó là nguy cơ bùng nổ xung đột do hiểu lầm giữa hai quân đội.

Phái đoàn Trung Quốc và Mỹ gặp nhau bên lề thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Achentina, ngày 01/12/2018.
Phái đoàn Trung Quốc và Mỹ gặp nhau bên lề thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Achentina, ngày 01/12/2018. REUTERS/Kevin Lamarque
Quảng cáo

The Economist nhấn mạnh rằng « hiểm họa của một cuộc chiến tranh nóng đáng lo ngại hơn một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung », mà khả năng tránh được phải là « thông tin liên lạc tốt hơn giữa các lực lượng vũ trang » của hai bên.

Thế nhưng, đây chính là vấn đề. Theo nhận xét của tuần báo Anh, Mỹ hiểu rất rõ về nhu cầu thiết lập các kênh liên lạc và duy trì giao lưu với quân đội Trung Quốc, nhưng các đề nghị hay sáng kiến của Washington đã bị phía Bắc Kinh làm ngơ, hoặc tiếp nhận một cách miễn cưỡng.

Fax vẫn là phương tiện liên lạc quân sự chính thức Mỹ - Trung

Bài viết mang tựa đề đơn giản « Hiểu lầm quân sự », đã mở đầu bằng một chi tiết ít được biết đến : Phương tiện liên lạc quân sự chính thức hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn là máy fax.

Đối với The Economist, việc hai bên vẫn còn sử dụng công nghệ lạc hậu này là dấu hiệu rõ rệt về tình trạng thiếu đối thoại hiệu quả đáng lo ngại giữa hai lực lượng vũ trang.

Trong bối cảnh cả hai cường quốc đang tranh giành ảnh hưởng ở miền tây Thái Bình Dương ; với việc Trung Quốc muốn đẩy Mỹ ra khỏi khu vực, tàu thuyền và máy bay của hai nước hầu như mỗi ngày đều hoạt động gần nhau, thường xuyên tạo ra nguy cơ một vụ va chạm trên không hoặc trên biển leo thang thành xung đột vũ trang.

Vào lúc quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã căng thẳng về thương mại và một loạt các vấn đề khác, tình hình có thể xấu đi nhanh chóng, cũng dễ hiểu là hai bên cần cố gắng giảm bớt nguy cơ biến cuộc tranh chấp kiểu chiến tranh lạnh của họ hiện nay thành chiến tranh thực thụ.

Có giao lưu, nhưng hời hợt vì Bắc Kinh thiếu hợp tác

Theo tuần báo Anh, trong thời gian qua, quả đúng là hai quân đội Mỹ và Trung Quốc đã học cách hiểu nhau nhiều hơn, trao đổi giữa các học viện quân sự, các chuyến ghé cảng hữu nghị của chiến hạm và các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước đã gia tăng đáng kể trong nhiều năm qua.

Thế nhưng, hố ngăn cách giữa hai bên vẫn còn rất sâu rộng. Phần lớn các hoạt động giao lưu đều rất hời hợt. Theo các sĩ quan Mỹ, người mà Trung Quốc cử ra để tiếp xúc với phía Mỹ thường là những quan chức chính trị nói được tiếng Anh hoặc là những sĩ quan tình báo, mặc quân phục nhưng không phải là những người thực thụ theo binh nghiệp.

Các phái đoàn Mỹ khi ghé thăm Trung Quốc đôi khi được hướng dẫn đi thăm các căn cứ được tạo ra với mục tiêu tuyên truyền trống rỗng và được giải trí với các chương trình biểu diễn võ thuật hơn là các cuộc tập trận thực sự… Ngoài ra, khi sĩ quan cao cấp của hai bên gặp nhau, Trung Quốc có xu hướng dành nhiều thời gian đả phá chính sách đối ngoại của Mỹ hơn là thảo luận về cách xây dựng lòng tin giữa hai quân đội.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã củng cố mối quan hệ quân sự ngày càng gần gũi hơn với Nga. Vào tháng 9, Trung Quốc đã gửi hàng ngàn binh sĩ tham gia cuộc tập trận lớn nhất của Nga kể từ sau chiến tranh lạnh.

Nhưng khi được mời tham gia các cuộc tập trận của Mỹ, thì Trung Quốc lại có cách cư xử thô lỗ. Năm 2014 chẳng hạn, Mỹ mời Hải Quân Trung Quốc tham gia RIMPAC, cuộc tập trận đa quốc gia trên biển lớn nhất thế giới trên biển. Thay vì đáp trả bằng tình bạn, Trung Quốc lại gửi tàu gián điệp đến rình mò các cuộc diễn tập và cấm các sĩ quan Nhật Bản đến dự tiệc cocktail truyền thống trên tàu của họ.

Vào năm 2018, Mỹ đã gạt Trung Quốc khỏi cuộc tập trận RIMPAC để phản đối việc Bắc Kinh triển khai tên lửa trên các đảo nhân tạo mà họ đã xây dựng ở Biển Đông. Điều đó khiến Hải Quân Trung Quốc bực tức, nhưng Mỹ lại không cảm thấy mất mát gì nhiều.

Đối với The Economist, ví dụ trên cho thấy là ngay cả khi có cơ hội xây dựng nhịp cầu thông cảm, các sĩ quan Trung Quốc đã chọn cách làm ngơ.

Hai lực lượng vũ trang Mỹ-Trung không chỉ sử dụng fax để liên lạc, mà còn có một kênh liên lạc mang tên Đường Điện Thoại Quốc Phòng đã được thiết lập một thập kỷ trước đây. Một tuyến liên kết video hiện đại hơn cũng mới được thiết lập gần đây giữa tổng tham mưu trưởng Quân Đội hai nước.

Đối với The Economist, vấn đề không phải là hai quân đội thiếu kênh liên lạc, mà là cách hai bên sử dụng các kênh này ra sao. Các quan chức Mỹ đã nói rõ rằng trong cuộc khủng hoảng, nếu Trung Quốc gọi đến, họ sẽ nhấc điện thoại lên, nhưng lại không thể chắc chắn là liệu Trung Quốc có làm như vậy không.

Một phần của vấn đề khó thiết lập liên lạc giữa hai quân đội Mỹ-Trung là cách các lực lượng vũ trang Trung Quốc làm việc. Đảng Cộng Sản có mặt trong toàn bộ các cấp của Quân Đội Trung Quốc Nhân vật chính ủy thường nắm giữ nhiều quyền lực tương tự như các sĩ quan chỉ huy là những người lính chân chính.

Đặc biệt ở cấp cao, các sĩ quan Trung Quốc chỉ có thể hành động với tốc độ của cả một ủy ban, tức là chỉ có thể ra quyết định sau khi họp bàn tập thể. Tuy nhiên, theo The Economist, đó không phải là lý do để phía Trung Quốc không nhấc điện thoại. Liên lạc được với nhau một cách nhanh chóng không có nghĩa là chấm dứt được một cuộc khủng hoảng, nhưng chắc chắn có thể làm giảm nguy cơ căng thẳng bùng lên vì một sự hiểu lầm.

L’Express : Tổng thống Macron mới 18 tháng đã bị ghét bỏ ?

Các vấn đề thời sự, đặc biệt là thời sư quốc nội cũng được tuần báo Pháp L’Express đề cập đến trong hồ sơ 40 trang được nêu lên thành tựa chính trang bìa : « Người Pháp và các vị tổng thống của mình », nêu bật điều được tờ báo gọi là « 60 năm yêu và hận ». Trái với các đồng nghiệp, L’Express tuần này vẫn ra số đơn bình thường.

Phong trào phản kháng Áo Vàng đang nổi lên tại Pháp dĩ nhiên là nguyên nhân thúc đẩy L’Express quay lại nhìn 60 năm quan hệ giữa người dân Pháp với người lãnh đạo tối cao của họ. Và trong vấn đề này, dĩ nhiên là tờ báo đã so sánh điều đang xẩy ra cho đương kim tổng thống Emmanuel Macron, với những gì mà cố tổng thống De Gaulle đã phải trải qua, với một phong trào phản kháng quy mô được gọi là Tháng Năm 1968.

Theo L’Express, vào năm 1968, một khẩu hiệu phản ánh thái độ chán ngán của người biểu tình đối với tổng thống De Gaulle, là « 10 năm đủ rồi ». Ngày nay, đối với đương kim tổng thống Pháp, nhiều người xuống đường đã hô vang « Macron hãy từ chức đi ! ».

Điểm khác biệt là lần này, khẩu hiệu đòi tổng thống từ chức xuất hiện vỏn vẹn 18 tháng sau khi ông Macron đắc cử, với phong trào Áo Vàng bùng lên gần như là khắp nơi trên đất Pháp, với những đòi hỏi rất khác nhau, ngoại trừ một điểm : Nguyên thủ Nhà Nước phải ra đi.

Tổng thống Chirac được coi là gần gũi người Pháp nhất

Nhân việc ông Macron bị mất lòng dân, L’Express đã đặt câu hỏi cho cựu thủ tướng Pháp Jean Pierre Raffarin về vị tổng thống mà ông cho là « đã biết thiết lập mối quan hệ tốt nhất với người dân ».

Theo ông Raffarin, đó là tổng thống Jacques Chirac. Ông Raffarin giải thích : « Tổng thống Chirac và người Pháp có một sự mối quan hệ dựa trên sự quý mến tôn trọng lẫn nhau. Ông Valérie Giscard d’Estaing, người cải cách nhất, đôi khi cho cảm nhận là ông tự đặt mình ở bên trên người Pháp. François Miterrrand thì muốn chia sẻ hai đam mê của ông : Lịch sử và người dân cánh tả. Nicolas Sarkozy được nhiều sự kính trọng hơn là yêu mến. Đối với François Hollande thì còn quá sớm để đánh giá, phải đợi người Pháp ý thức được là ông đã từng là tổng thống ! »

Các số đặc biệt lễ tết : L’Obs với 25 chuyện tình cuồng si

Như giới thiệu ở trên, tuần báo Anh The Economist đã ra một số kép nhân dịp lễ cuối năm. Đó cũng là trường hợp của tuần báo Pháp Le Point, với trang bìa nêu bật hồ sơ dành cho thánh địa của người Thiên Chúa Giáo « Jérusalem ».

Nhưng độc đáo hơn lại là tuần báo L’Obs, cũng ra số kép cuối năm, nhưng thay vì nói dông dài về chủ đề Noel hay Tết Tây, tờ báo Pháp đã quay sang một chủ đề độc đáo, lý thú, và không nhức đầu chút nào, kể lại « 25 câu chuyện tình cuồng si ».

L’Obs đã hỏi độc giả : « Bạn có từng trải qua hay có biết một chuyên tình phi thường hay không ? ». Tạp chí ngạc nhiên trước số đông người hồi đáp và gởi lời cám ơn, « vì nhờ đó mà ta biết được tình yêu cuồng si vẫn tồn tại ».

L’Obs cố tìm hiểu xen tình yêu điên dại ngày nay ra sao ? Tạp chí cho biết đã giữ lại những lời câu chuyện ấn tượng nhất và đăng lại 25 câu chuyện đôi khi rất khó tin, nhưng đều là những câu chuyện thật.

Và L’Obs kết luận hóm hỉnh, nhưng rất lạc quan : 25 câu chuyện cho thấy là loài người còn lâu, và cũng may, mới biết chữa trị chứng bệnh nan y mà mọi nhà thơ đều ca ngợi…

Courrier International và thời gian

Courrier International là tờ chơi trội nhất, với một số báo theo kiểu « 3 trong 1 », tập trung tìm lời giải đáp cho một câu hỏi gần như là triết học nêu lên thành tựa lớn ở trang bìa « Phải chăng thời gian qua nhanh quá ? ». Tạp chí Courrier International chú ý đến khái niệm thời gian có vẻ thay đổi tùy nơi.

Tại Nhật Bản chẳng hạn, khái niệm thời gian và tầm quan trọng của nó dường như đang mê hoặc truyền thông Ả Rập. Trên tờ báo Bahrein Al-Ayam, Hassan Madan ghi nhận : « Tại Nhật, mỗi phút đắt đến nỗi mà không ai dám mất chỉ là một phút thôi. Nếu mà đi trễ 15 phút tại một cuộc hẹn, thì sẽ bị xem ngay là một người không đáng tin tưởng ». Đây là ghi nhận của nhà xã hội học người Maroc Fatima Mernissi sau một chuyến đi Nhật. Theo bà, « chúng ta, người Ả Rập, thì có rất nhiều thời gian. Một nửa thời gian đó là để chờ người đến trễ, và phần nửa kia là để hỏi chúng ta làm gì đây ! »

Bazil : Đi trễ là lịch sự

Tại Brazil, đến đúng giờ thậm chí đến muộn 15 phút thì bị xem là bất lịch sự. Một nữ ký giả Anh Quốc đã rút ra kinh nghiêm. Được mời đến bữa ăn churrasco (thịt nướng barbecue), nhà báo đã đến đúng giờ, bấm chuông, chủ nhà ra mở cửa, trên người còn quấn chiếc khăn tắm ẩm ướt vì mới vừa tắm xong. Người chủ đã nói như trách móc người khách mời đến đúng giờ : « Tôi chưa chuẩn bị xong mà ! ». Những người khách khác, am hiểu thông tục đã đến trễ khoảng 1 tiếng đồng hồ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.