Vào nội dung chính
HOA KỲ - TRUNG QUỐC

Mỹ có thể cấm nhập cảnh các quan chức Trung Quốc đặc trách Tây Tạng

Theo hãng tin AFP hôm qua, 13/12/2018, Quốc Hội Hoa Kỳ trong tuần này đã thông qua một dự luật yêu cầu Bắc Kinh để cho các nhà ngoại giao, nhà báo và du khách Mỹ đến vùng Tây Tạng, nếu không, các quan chức Trung Quốc đặc trách chính sách Tây Tạng sẽ bị cấm nhập cảnh Hoa Kỳ.

Người Tây Tạng làm lễ ở bên ngoài tu viện Jokhang, nhân dịp Năm Mới Tây Tạng, tại Lhasa, vùng tự trị Tây Tạng. (Ảnh chụp ngày 28/02/2014)
Người Tây Tạng làm lễ ở bên ngoài tu viện Jokhang, nhân dịp Năm Mới Tây Tạng, tại Lhasa, vùng tự trị Tây Tạng. (Ảnh chụp ngày 28/02/2014) REUTERS/Jacky Chen
Quảng cáo

Dự luật đã được thông qua tại Thượng Viện, sau khi đã thu được đa số phiếu ở Hạ Viện và bây giờ chỉ chờ tổng thống Donald Trump ký ban hành.

Cho tới nay, người nước ngoài phải có giấy phép đặc biệt mới có thể đi vào vùng Tây Tạng, có đa số dân theo Phật Giáo và là nơi mà chính quyền Bắc Kinh vẫn bị lên án vì các vụ vi phạm nhân quyền.

Theo dự luật vừa được Quốc Hội lưỡng viện thông qua, hàng năm, bộ Ngoại Giao Mỹ sẽ kiểm tra xem chính quyền Trung Quốc có cho phép các nhà ngoại giao, nhà báo và du khách đến Tây Tạng giống như đến các vùng khác của Trung Quốc hay không. Nếu các công dân Mỹ vẫn bị hạn chế khi xin đến vùng Tây Tạng, bộ Ngoại Giao Mỹ sẽ ra quyết định cấm nhập cảnh đối với những quan chức Trung Quốc đặc trách chính sách Tây Tạng.

Hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố dự luật nói trên là một « sự can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc » và kêu gọi Hoa Kỳ không ban hành luật này để tránh làm tổn hại quan hệ giữa hai nước.

Cũng về Tây Tạng, hôm qua, chính quyền Bắc Kinh, thông qua một tờ báo chính thức ở Tây Tạng, đã cảnh cáo người dân vùng này không được tham gia lễ kỷ niệm 60 năm ngày Đức Đạt Lai Lạt Ma chạy sang Ấn Độ sống lưu vong sau cuộc nổi dậy bất thành của dân Tây Tạng năm 1959 chống ách thống trị của Trung Quốc. Tờ Tây Tạng Nhật Báo khẳng định rằng lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng vẫn chưa từ bỏ ý định giành lại độc lập cho vùng tự trị này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.