Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Thương chiến Mỹ-Trung : Cuộc hưu chiến hỏa mù

Đăng ngày:

Washington và Bắc Kinh đồng thuận tạm ngưng chiến tranh thương mại diễn ra từ đầu năm 2018. Tuy nhiên, cuộc hưu chiến 90 ngày không có nghĩa là tranh chấp Mỹ-Trung có cơ may kết thúc. Mục tiêu chiến lược của đôi bên hoàn toàn đối nghịch nhau và Mỹ không để cho Trung Quốc thực hiện tham vọng áp đảo thế giới.

Lò thép Giang Châu, Trung Quốc.
Lò thép Giang Châu, Trung Quốc. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Ngày 01/12/2018 tại Buenos Aires, Achentina, trong bữa ăn tối bên lề G20, Donald Trump và Tập Cận Bình đạt được thỏa thuận ngưng chiến thương mại trong vòng 90 ngày. Washington tạm hoãn biện pháp áp thuế hải quan từ 10% lên 25% kể từ đầu năm 2019. Đổi lại, Trung Quốc cam kết gia tăng nhập khẩu hàng Mỹ, cải cách chính sách thương mại và hệ thống kinh tế phù hợp với cấu trúc tư bản,tự do.

Tuy nhiên, mọi quan sát viên đều dự báo trận chiến sẽ tiếp diễn khốc liệt hơn vì siêu cường cảm thấy bị đe dọa. «Vụ Hoa Vi» chỉ là « điểm », bảo vệ thế độc tôn mới là « diện ». Căng thẳng bắt đầu từ khi Trung Quốc của Tập Cận Bình, năm 2015, tung ra chiến lược « Made in China 2025 », sản xuất tất cả mặt hàng công nghệ cao cấp kể cả « thông minh nhân tạo ».Tiếp theo là lịch trình Giấc Mộng Trung Hoa theo nghị quyết của Đại Hội 19, năm 2017.

Vì sao Mỹ-Trung không thể buôn bán hài hòa ?

Giáo sư François Godement, giám đốc Hội Đồng Quan Hệ Quốc Tế, Thượng viện Pháp, khách mời của chương trình Địa chính trị của RFI, phân tích :Trung Quốc bắt đầu trỗi dậy từ năm sau khi Mao qua đời và với cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình năm 1978. Trong một thời gian dài với khẩu hiệu « náu mình chờ thời » (thao quang dưỡng hối). Giới lãnh đạo sau đó tuyên bố theo chính sách « phát triển » trong tinh thần hiếu hòa. Họ còn cân nhắc giữa « phát triển và trỗi dậy » và tuyên bố là chỉ phát triển trong tinh thần hòa bình. Thế rồi, đến khi Tập Cận Bình lên nắm quyền thì mọi việc sáng tỏ hơn : Trung Quốc « trỗi dậy trong mọi lãnh vực », đó là kết quả của một quá trình chạy đua vũ trang rất, rất dài. Sức mạnh quân sự của Trung Quốc vượt trội các quốc gia láng giềng. Do vậy, Hoa Kỳ mới lo ngại.

Thế giới đã qua rồi thời kỳ sống chung với một siêu cường với nền kinh tế thị trường hùng mạnh hơn bất cứ nước nào lại có thêm sức mạnh quân sự (Mỹ).

Ngày nay, thế giới có thêm một nước Trung Quốc với tham vọng làm bá chủ thế giới từ công nghệ cho đến thương mại, một nước Trung Quốc « dân tộc chủ nghĩa », bảo hộ thị trường và đang cạnh tranh ngang tầm với Hoa Kỳ trong một số lãnh vực.

Năm 2015, Tập Cận Bình tung kế hoạch đưa Trung Quốc làm đại cường kinh tế số một. Trong khi đó mục tiêu của Donald Trump, từ khi trở thành tổng thống Mỹ, là phải cản trở « mục tiêu made in China 2025 » của Bắc Kinh mà Washington xem là mối đe dọa số một.

Đe dọa thứ hai là chiến lược « Con đường tơ lụa mới » trên bộ và trên biển. Chiến lược này là nhằm chống lại Hiệp định tự do mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương mà Trung Quốc đứng ngoài theo sáng kiến của Barack Obama nhằm kềm chế Bắc Kinh.

Donald Trump thấy được mưu cơ địa chiến lược của Bắc Kinh là muốn « tóm thu » cả châu Á lẫn châu Âu nên phản công bằng biện pháp chận Trung Quốc tiếp cận và có được trang thiết bị công nghệ cao cấp.

Hưu chiến 90 ngày mang ý nghĩa gì ?

Theo giáo sư Godement : "Có hai cách lý giải. Chính thức, theo thông cáo của chính quyền Mỹ, Trung Quốc cam kết cải cách sâu rộng, đổi mới hoàn toàn nền kinh tế trong vòng ba tháng cho phù hợp với luật chơi của kinh tế tự do, bảo vệ sở hữu trí tuệ. Trung Quốc cũng cam kết hủy bỏ những biện pháp trả đũa áp thuế hàng hóa Mỹ. Trung Quốc hứa sẽ ký một loạt hợp đồng với tổng trị giá 1.200 tỉ đô la và mở cửa thị trường theo…. nghị quyết của Đại Hội đảng Cộng Sản lần thứ 19, phải hiểu là không đúng như những gì phía Mỹ công bố sau hội kiến Trump-Tập tại G20.

Tuy nhiên, có thể nói là Donald Trump không lùi bước, còn Tập Cận Bình thì đã nhượng bộ một chút, ít ra là trong lời nói. Đối với một chế độ độc tài mà sĩ diện được xem là quan trọng nhất, không để mất mặt, không để lộ mối lo âu, thì sự kiện Tập Cận Bình xuống nước như thế, dù là ở lời hứa, cũng đủ cho phép kết luận là Donald Trump đã thắng.

Tôi không tin là chính quyền Mỹ nghĩ rằng sẽ được 1.200 tỉ đô la của Trung Quốc trong vòng 90 ngày. Washington cũng không ngây thơ tin rằng chế độ độc tài Trung Quốc sẽ cải cách sâu rộng trong ba tháng. Vấn đề mấu chốt là Trung Quốc sẽ lùi đến đâu và liệu có khả năng ký kết một thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ hay không ?

Theo chuyên gia Pháp Jean-François Di Meglio, chủ tịch Trung Tâm Nghiên Cứu Châu Á (Asia Center), tổng thống Mỹ Donald Trump có thể không có viễn kiến như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhưng là một người sáng suốt, ông thấy được mưu đồ của Bắc Kinh sớm hơn công luận châu Âu. Đây cũng là cơ may cho châu Âu, bởi vì trong cuộc chiến làm suy yếu nước Mỹ, Trung Quốc làm châu Âu suy yếu trước tiên.Gián điệp Trung Quốc bị bắt quả tang đánh cắp công nghệ của Safran, tập đoàn chuyên về hàng không, không gian, quốc phòng số một thế giới của Pháp là một trong số các trường hợp nghiêm trọng cụ thể.

Vì sao phải chờ đến Donald Trump vào Nhà Trắng, Washington mới phản ứng mạnh.

Giáo sư François Godement phân tích : "Căng thẳng diễn ra trước khi Donald Trump đắc cử. Trước đây, chính quyền Obama cũng từ từ nhận ra mối đe dọa của Trung Quốc nhưng không dứt khoát phản ứng vì không muốn xảy ra xung đột. « Dĩ hòa vi quý » cũng là não trạng của Barack Obama trong nhiều hồ sơ khác, không riêng gì đối với Trung Quốc.

Do vậy, ngọn sóng Trung Quốc được chính quyền Mỹ thỏa hiệp chấp nhận trừ một nguyên tắc Tự Do Mậu Dịch. Đối với công luận Mỹ, giao thương tự do là chìa khóa đem lại phát triển cho toàn cầu.

Thế rồi, Trung Quốc tiếp tục làm tới, không tôn trọng luật chơi, cho nên gió đổi chiều. Câu hỏi mấu chốt ở đây là xung khắc Mỹ-Trung đã nghiêm trọng đến mức độ nào "?

Với chiến lược « Cường quốc đại dương » « Kế hoạch 2025 », tham vọng xưng hùng của Trung Quốc đã rõ nét. Ngân sách quốc phòng, lực lượng không quân, hải quân tăng mạnh mỗi năm và ngày càng tự tin đối đầu với Mỹ và các đồng minh Tây phương ở Thái Bình Dương. Dự tính của Bắc Kinh, trong lĩnh vực điện tử, thông minh nhân tạo, sẽ mang lại doanh thu từ 65 tỉ đô la của năm 2016 lên 305 tỉ vào năm 2030, tăng gần 5 lần trong vòng 15 năm.

Thực tế, Trung Quốc cũng có nhiều điểm yếu

Giáo sư François Godement đánh giá :Nhược điểm của chế độ Trung Quốc, thứ nhất là cứng nhắc thái quá nên chậm trễ trong nỗ lực canh tân. Tiền đổ ra rất nhiều, bằng phát minh đăng ký cũng nhiều nhưng dòng thác đầu tư này chạy ngược ra nước ngoài. Khi Trung Quốc thành công thì chỉ thành công trong một số phạm vi nhỏ hẹp là thương vụ. Cho nên, trong phần đầu, nói Trung Quốc đuổi kịp Mỹ là nói không đúng sự thật. Trung Quốc chỉ giỏi tổ chức theo kiểu thương gia hám lợi.

Điểm yếu thứ hai của Trung Quốc là nền kinh tế không chịu nổi một cuộc chuyển hóa sang kinh tế tự do. Bắc Kinh phải tiếp tục kiểm soát kinh tế, kiểm soát tiền tệ, phải sử dụng ngoại tệ nhất là đô la. Vì thế, những đối tác kinh tế của Trung Quốc không lệ thuộc vào Trung Quốc mà chính Trung Quốc bị lệ thuộc vào các nước này.

Nói cách khác, khi một chính quyền quy hoạch một chiến lược kinh tế mà chỉ đặt trên cơ sở hám lợi thì số phận nước đó sẽ như « cá nằm trên thớt » : Trung Quốc thụ động trước sức ép của Donald Trump".

Tuy nhiên, nhược điểm sinh tử của Trung Quốc là hệ thống tài chính. Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc, với nợ khó đòi chồng chất, dự án cải cách thì có nhưng quyết tâm chính trị thì không. Lá phổi duy nhất của kinh tế Trung Quốc sẽ ra sao trong hai trường hợp : xảy ra chiến tranh thương mại với Mỹ hoặc phải « theo chuẩn mực bình thường », mục tiêu gây sức ép của Donald Trump ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.