Vào nội dung chính
HOA KỲ - TRUNG QUỐC

Trump : Trung Quốc sẽ hạ thuế đánh vào xe hơi Mỹ

Chứng khoán quốc tế và đặc biệt là cổ phiếu các tập đoàn xe hơi ngày 03/12/2018 tăng mạnh sau khi Washington và Bắc Kinh đạt thỏa thuận tạm thời về thương mại.

Tổng thống Donald Trump (P) cùng phái đoàn Mỹ trong cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề  Thượng đỉnh G20, Buenos Aires, Achentina, ngày 1/12/2018.
Tổng thống Donald Trump (P) cùng phái đoàn Mỹ trong cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Thượng đỉnh G20, Buenos Aires, Achentina, ngày 1/12/2018. REUTERS/Kevin Lamarque
Quảng cáo

Trên đường từ Achentina trở về Mỹ, tổng thống Donald Trump qua Twitter thông báo Trung Quốc đồng ý "giảm nhẹ và bãi bỏ" mức thuế 40% đánh vào xe hơi. Theo hãng tin Pháp AFP, nguyên thủ Mỹ không đi sâu vào chi tiết, còn Bắc Kinh chưa xác nhận tin trên.

Dù vậy tin nhắn trên Twitter của tổng thống Donald Trump đã đẩy giá cổ phiếu của nhiều hãng xe quốc tế trong phiên giao dịch hôm nay lên cao. BMW tăng 6,5%. Daimler của Đức tăng gần 7%.

Tháng 7/2018, Trung Quốc đã hạ mức thuế nhập khẩu đánh vào xe hơi Mỹ đang từ 25% xuống còn 15%, nhưng ngay sau đó, đọ sức thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đã leo thang. Để trả đũa, Trung Quốc tăng mức thuế này lên thành 40%, gây khó khăn cho nhiều hãng xe Mỹ, bởi lẽ Trung Quốc là thị trường tiêu thụ xe hơi lớn nhất thế giới hiện nay.

Không chỉ có lĩnh vực xe hơi, chỉ số chứng khoán từ Á sang Âu vào trưa ngày 03/12/2018 tăng giá với tin Mỹ-Trung đình chiến thương mại. CAC 40 của Pháp, Dax của Đức hay FTSE của Anh đều tăng trung bình trên dưới 2% . Tại Châu Á, thị trường Thượng Hải và Hồng Kông tăng 2,5%, Tokyo hơn 1%.

Báo chí Bắc Kinh hoan nghênh cuộc hưu chiến

Tại Bắc Kinh, giới truyền thông đồng loạt đánh giá thỏa thuận ông Tập Cận Bình vừa đạt được với Donald Trump bên lề thượng đỉnh G20 Achentina là một "bước tiến quan trọng". Đôi bên tạm ngưng các biện pháp trừng phạt lẫn nhau và nhất là phía Washington hoãn áp thuế 25% lên 200 tỷ đô la hàng Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ.

Hoàn Cầu Thời Báo nói đến một bước tiến "quan trọng" mở đường cho việc hai nền kinh tế hàng đầu thế giới "giao thương một cách công bằng (...). Phái đoàn đàm phán của đôi bên sẽ nhanh chóng đạt được nhiều thỏa thuận nhất, trong thời gian ngắn nhất để thúc đẩy hợp tác Mỹ-Trung". Nhưng tờ báo này trong bài xã luận lưu ý công luận : "Chớ quên rằng đàm phán với Mỹ có thể có những biến động".

Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc, nhận xét, tại cuộc họp ở Buenos Aires vừa qua, đôi bên đã tìm thấy được một "đồng thuận quan trọng" chứng tỏ Trung Quốc và Mỹ, "vì lợi ích chung đã vượt lên trên những bất đồng".

Giới chuyên gia thận trọng

Dù vậy theo các chuyên gia, bước đột phá trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung vừa đạt được không đem lại "phép lạ".

Paul Kitney thuộc cơ quan tư vấn Daiwa - Hồng Kông, trả lời hãng tin Reuters cho rằng, còn quá sớm để nói đến một "hiệp định đình chiến. Đôi bên mới chỉ đồng ý xuống thang. Các biện pháp áp thuế đã ban hành vẫn tồn tại và đang tác động đến kinh tế Trung Quốc".

Một chuyên gia khác được Reuters trích dẫn nhận xét, "90 ngày là thời gian quá ngắn để san bằng những bất đồng". Chủ tịch phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc William Zarit cũng nhìn nhận, đường còn dài để hai nước tiến tới một mô hình mậu dịch "công bằng và có qua có lại".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.