Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG - ANH

Cấm nhà báo Anh nhập cảnh, chính quyền Hồng Kông bị chỉ trích

Các tổ chức bảo vệ nhân quyền vào hôm nay, 09/11/2018, đã lên án việc Hồng Kông vừa từ chối visa nhập cảnh cho một biên tập viên của nhật báo Anh Financial Times.

Victor Mallet, phóng viên của báo Anh Financial Times và là phó chủ tịch thứ nhất của Câu Lạc Bộ Phóng Viên Ngoại Quốc  (FCC), phát biểu ngày 14/08/2018, tại Hồng Kông.
Victor Mallet, phóng viên của báo Anh Financial Times và là phó chủ tịch thứ nhất của Câu Lạc Bộ Phóng Viên Ngoại Quốc (FCC), phát biểu ngày 14/08/2018, tại Hồng Kông. Paul Yeung/Pool via REUTERS
Quảng cáo

Theo các tổ chức này, đây là một cú đánh mới của Trung Quốc nhắm vào quyền tự do báo chí, tại một vùng trên nguyên tắc vẫn còn được hưởng một số quyền tự do tương đối.

Theo hãng tin Pháp AFP, các viên chức sở di trú tại Hồng Kông vào hôm qua đã cấm không cho ông Victor Mallet, biên tập viên phụ trách châu Á của Financial Times nhập cảnh, vài tiếng đồng hồ sau khi một trung tâm nghệ thuật Hồng Kông quyết định hủy bỏ chương trình nói chuyện của Mã Kiến (Ma Jian), một nhà văn ly khai Trung Quốc, trong khuôn khổ một Festival văn học nổi tiếng ở Hồng Kông.

Đối với tổ chức Ân Xá Quốc Tế, đó là một « tín hiệu đáng buồn » về tình trạng tự do báo chí ở Hồng Kông, và là một hành vi « trả đũa » nhắm vào nhà báo Mallet.

Câu Lạc Bộ Phóng Viên Ngoại Quốc (Foreign Correspondents’ Club), tổ chức mà ông Mallet là phó chủ tịch thứ nhất, cũng bày tỏ thái độ bất bình, và mô tả hành động của chính quyền Hồng Kông là một « sự trừng phạt quá đáng, không cân xứng và có vẻ hoàn toàn vô căn cứ ».

Giấy phép tác nghiệp tại Hồng Kông của ký giả kỳ cựu của tờ báo rất có uy tín tại Anh Quốc đã bị từ chối gia hạn hồi tháng 10. Ông đã phải rời Hồng Kông, và lần này bị cấm nhập cảnh khi ông xin giấy nhập cảnh du lịch ngắn ngày.

Quyết định cấm nhà báo Mallet đã gây nên phản ứng bất bình, vì theo quy định nhập cư hiện hành tại Hồng Kông, các công dân Anh Quốc được phép vào Hồng Kông và ở lại 180 ngày mà không cần thị thực.

Chính quyền đặc khu này từ chối giải thích việc từ chối gia hạn giấy phép tác nghiệp của nhà báo Mallet, nhưng giới quan sát cho rằng quyết định đó liên quan đến việc nhà báo này đã chủ trì một cuộc thảo luận của một nhà hoạt động vì độc lập của Hồng Kông tại Câu Lạc Bộ Phóng Viên Ngoại Quốc. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã từng yêu cầu hủy bỏ sự kiện đó.

Ông John Lee, quan chức phụ trách an ninh tại Hồng Kông đã lên tiếng biện minh cho quyết định cấm nhà báo Mallet nhập cảnh, cho rằng việc đó « không liên quan gì đến quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí », nhưng ông sẽ không tiết lộ lý do cấm nhập cảnh đối với ký giả Anh, viện cớ là « bảo mật dữ liệu » và tránh « gây hại » cho chính sách nhập cư.

Theo thỏa thuận ký kết trước khi được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, Hồng Kông được hưởng một số quyền tự do không hề có tại Hoa Lục. Thế nhưng, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các quyền đó đang bị Bắc Kinh xóa bỏ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.