Vào nội dung chính
MỸ - ĐÀI LOAN - TRUNG QUỐC

Đài Loan: Mũi tiến công trên biển thứ hai của Mỹ nhắm vào Trung Quốc

Với quyết định điều hai chiến hạm băng qua eo biển Đài Loan ngày 22/10/2018, Mỹ được cho là đang đẩy mạnh chiến thuật lưỡng diện giáp công trên biển nhằm gây sức ép trên Trung Quốc, không chỉ tập trung vào Biển Đông, mà còn mở rộng thêm lên vùng eo biển Đài Loan, một khu vực cũng nằm sát Trung Quốc.

Ngày 14/03/2018, khu trục hạm USS Mustin dẫn đầu đội hình gồm tuần dương hạm USS Antietam (t), khu trục hạm USS Curtis Wilbur và chiến hạm Nhật Bản JS Fuyuzuki (p) nhân cuộc tập trận Multi-Sail 2018.
Ngày 14/03/2018, khu trục hạm USS Mustin dẫn đầu đội hình gồm tuần dương hạm USS Antietam (t), khu trục hạm USS Curtis Wilbur và chiến hạm Nhật Bản JS Fuyuzuki (p) nhân cuộc tập trận Multi-Sail 2018. US NAVY
Quảng cáo

Thách thức của Mỹ nhắm vào Trung Quốc trên Biển Đông từ ngày tổng thống Donald Trump lên cầm quyền ở Washington đã trở thành « thông lệ », với những chiến dịch tuần tra gần như là thường kỳ của Hải Quân Mỹ nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải.

Phương thức tiến hành cũng trở nên quen thuộc, đi theo kịch bản chiến hạm Mỹ đi sâu vào bên trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp ở cả Trường Sa lẫn Hoàng Sa. Gần đây, đến lượt oanh tạc cơ B-52 được Mỹ tung vào bay ngang Biển Đông, cũng nhằm mục tiêu phô trương thanh thế.

Song song với Hải Quân Mỹ, một số nước đồng minh của Hoa Kỳ, từ Nhật Bản, Úc, cho đến Anh, Pháp cũng góp phần tuần tra trong khu vực, nhưng không định kỳ, và tránh áp quá sát các thực thể mà Trung Quốc kiểm soát.

Bên cạnh sức ép rõ ràng tại Biển Đông nhắm vào Trung Quốc, Mỹ trong những tháng gần đây đã tăng cường đáng kể những hoạt động gây sức ép trên Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan.

Áp lực gián tiếp và trực tiếp

Những quyết định bán thêm vũ khí, tối tân hơn, cho Đài Loan, hay việc bật đèn xanh cho tăng cường quan hệ với chính quyền Đài Loan nằm trong mục tiêu gây sức ép trên Trung Quốc vì cho đến lúc này, Đài Loan vẫn là đối thủ của Trung Quốc, một đối thủ càng lúc càng kiên quyết hơn từ khi bà Thái Anh Văn đắc cử tổng thống, lật đổ chính quyền thân Bắc Kinh của người tiền nhiệm Mã Anh Cửu.

Tuy nhiên, có thể nói là việc gây áp lực trên Bắc Kinh thông qua việc giúp đỡ chính quyền Đài Bắc còn mang tính chất gián tiếp. Chính quyền Mỹ gần đây đã không ngần ngại có những động thái trực tiếp hơn nhằm thách thức Trung Quốc trên vấn đề Đài Loan.

Việc cho chiến hạm đi qua eo biển Đài Loan có thể được xem là hành động thách thức trực tiếp mà Mỹ chỉ làm khi tình hình thật căng thẳng. Nhiều quan chức Mỹ thông thạo hồ sơ Đài Loan, hôm 20/10 vừa qua đã ghi nhận rằng việc chiến hạm đi ngang eo biển Đài Loan còn rất hiếm hoi. Lần cuối cùng mà một hàng không mẫu hạm Mỹ hiện diện tại nơi này là vào năm 2007.

Đối với chiến hạm nhỏ hơn, tình hình cũng gần như vậy. Sự kiện hai khu trục hạm USS Mustin và USS Benfold đi qua eo biển Đài Loan vào tháng 7 vừa qua chỉ được thực hiện sau khoảng một năm tàu Mỹ vắng bóng trong vùng biển này.

Sự kiện hai chiếc USS Curtis Wilbur và USS Antietam tuần tra khu vực ngày 22/10, chỉ ba tháng sau hai chiếc Mustin và USS Benfold là dấu hiệu cho thấy là Washington không còn ngại tăng cường áp lực trên Bắc Kinh.

Trang mạng thông tin News của Úc cho rằng việc hai chiếc Curtis Wilbur và Antietam đi ngang qua eo biển Đài Loan gửi tới Trung Quốc một thông điệp kép : Thứ nhất là Washington coi trọng sự tự trị của Đài Loan. Thứ hai là Mỹ không chấp nhận những yêu sách chủ quyền quá đáng trên biển và những hành vi bức hiếp.

Giáo sư Pháp Jean-Pierre Cabestan, giảng dạy về quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc tại Đại Học Baptist Hồng Kông cũng ghi nhận : « Đi qua eo biển Đài Loan không phải là điều mới, nhưng đó là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy là Mỹ sẽ hậu thuẫn Đài Loan trong trường hợp khủng hoảng nổ ra giữa Đài Bắc và Bắc Kinh ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.