Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - DUY NGÔ NHĨ

Trung Quốc trấn áp giới tinh hoa, trí thức Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương

Ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ Trung Quốc đã bị chính quyền bắt giam. Kể từ khi Liên Hiệp Quốc công bố báo cáo về việc Bắc Kinh bắt giam người Duy Ngô Nhĩ, vụ tai tiếng đã lan rộng trên trường quốc tế tới mức Trung Quốc cuối cùng đã phải thừa nhận sự tồn tại của một hệ thống mà họ gọi là « các trại cải tạo » ở tỉnh Tân Cương. Không dừng ở đó, Bắc Kinh mới đây đã hợp pháp hóa hệ thống này, nhiều quan chức gọi đó là « các trung tâm đào tạo nghề nghiệp ».

Lực lượng an ninh đã được chính quyền Trung Quốc huy động thêm đến tỉnh Tân Cương, hồi tháng 02/2017.
Lực lượng an ninh đã được chính quyền Trung Quốc huy động thêm đến tỉnh Tân Cương, hồi tháng 02/2017. VCG/VCG via Getty Images
Quảng cáo

Tuy nhiên, có một điều đến nay vẫn chưa nhiều người biết về vụ đàn áp này : giới tinh hoa Duy Ngô Nhĩ đang bị tấn công trực tiếp. Trên đây là nhận định của phóng viên Sylvie Lasserre Yousafzai trong bài viết « Trung Quốc : giới tinh hoa Duy Ngô Nhĩ mất người đứng đầu ở Tân Cương » đăng ngày 19/10/2018 trên trang mạng châu Á The Asialyst. RFI tiếng Việt xin lược dịch bài viết.

Mới đây nhất, đài RFA thông báo nhà địa lý Tashpolat Tiyip, tiến sĩ danh dự của Trường cao đẳng thực hành EPHE ở Paris, bị chính quyền Bắc Kinh kết án tử hình. Bản án sẽ được thi hành sau 2 năm ở Trung Quốc. Nhưng ông bị kết án vì tội gì ? Là người Duy Ngô Nhĩ, Tashpolat Tiyipbị nghi ngờ là « hai mặt » : Bắc Kinh chỉ trích ông ngầm gắn bó với văn hóa Duy Ngô Nhĩ.

Ông Tashpolat Tiyip là đảng viên đảng cộng Sản Trung Quốc và là giám đốc đại học Tân Cương từ năm 2010. Ông bị cách chức hồi tháng 03/2017, hai tháng sau, ông bị bắt ở sân bay Bắc Kinh khi lên đường sang Đức dự hội thảo. Không ai biết ông bị giam cầm ở đâu. Trên mạng Internet, mọi thông tin về Tashpolat Tiyip chỉ liên quan đến các công trình nghiên cứu khoa học của ông.

Người Duy Ngô Nhĩ ở ngoại quốc cũng tránh tìm kiếm thông tin như vậy trên mạng internet, vì họ biết rằng điều đó có thể khiến người thân của họ ở Tân Cương phải trả giá : hoặc đi tù hoặc vào các trại cải tạo.

Có nhiều trí thức người Duy Ngô Nhĩ bị bắt giữ không ?

Tashpolat Tiyip không phải là trí thức Duy Ngô Nhĩ duy nhất biến mất không để lại vết tích gì, cho tới khi có tin là họ bị chính quyền xét xử.

Halmurat Ghopur, giám đốc Đại học Y Tân Cương đã bị bắt ngày 07/04/2017. Ông cũng bị kết án tử hình. Arslan Abdullah, giám đốc Viện Khoa học nhân văn cũng bị bắt. Azat Sultan, giám đốc Hiệp hội Nghệ thuật và Văn học Tân Cương và cũng là phó giám đốc Đại học Tân Cương, một người rất am hiểu về nền văn học của người Duy Ngô Nhĩ, bị bắt hồi năm 2017. Abdukerim Rahman, Rahile Dawut và Gheyretjan Osman, các giáo sư văn học, nhân loại học và lịch sử bị bắt hồi tháng 01/2018.

Nhà văn Yalqun Rozi cũng có số phận tương tự : Sau khi ông mất tích hơn 1 năm, người ta nhận được tin ông bị kết án tù chung thân. Trong khi đó, có tin đồn là Satar Sawut, cựu giám đốc Sở Giáo dục Tân Cương đã chết trong tù. Danh sách các trí thức bị bắt không ngừng nhiều thêm. Theo đài RFA, có thể có 56 giáo sư và nhà nghiên cứu người Duy Ngô Nhĩ đã mất tích và bị giam giữ.

Các diễn viên và nhà báo cũng là nạn nhân của chiến dịch này. Qeyser Qeyum, tổng biên tập của một tạp chí văn học, đã nhảy từ lầu 8 xuống đất tự sát hồi cuối tháng 09/2018 khi nghe tin sẽ bị bắt. Trước ông, tổng biên tập nhật báo Tân Cương (Xinjiang Daily) và ba giám đốc khác đã bị bắt hồi giữa năm 2017.

Từ cuối năm 2016, Bắc Kinh bắt đầu giam cầm những người Duy Ngô Nhĩ mà nhà chức trách cho là có tư tưởng chính trị không đúng đắn. Với những vụ bắt giữ ồ ạt, dường như chính quyền Tập Cận Bình đã quyết định loại trừ giới tinh hoa Duy Ngô Nhĩ. Việc này dường như được báo trước với vụ bắt giáo sư kinh tế Illhal Tohti hồi tháng 01/2014 gây rúng động dư luận, cũng như việc chính quyền tuyên án ông tù chung thân hồi năm 2018. Một người Duy Ngô Nhĩ sống tại châu Âu cay đắng nhận xét : « Họ muốn làm chúng tôi biến mất ».

Trung Quốc đã dùng công nghệ cao để kiểm soát người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương thế nào ?

Từ khi Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), lên làm lãnh đạo đảng Cộng Sản ở Tân Cương hồi năm 2016, nỗi đau khổ mà người Duy Ngô Nhĩ phải hứng chịu đã tăng nhanh chưa từng có. Nhà chức trách Trung Quốc đã triển khai công tác kiểm tra, giám sát ở mức chưa từng có trên thế giới. Cứ cách 300m lại mọc lên một tháp canh với nhiều binh lính. Chỉ riêng ở Urumqi đã có khoảng 1.400 trạm cảnh sát có vũ trang.

Các thiết bị nhận diện gương mặt được sử dụng rộng rãi, cùng với việc kiểm soát điện thoại của người dân. Người Duy Ngô Nhĩ liên tục bị kiểm tra danh tính, thậm chí ở lối vào siêu thị cũng có caméra giám sát. Ở cửa vào mỗi nhà có một mã QR code với đầy đủ thông tin về gia đình chủ hộ. Các con dao trong từng ngôi nhà cũng có mã số. Cảnh sát có thể ập vào nhà dân khám xét bất kể giờ giấc.

Vậy còn việc bắt giam ồ ạt người Duy Ngô Nhĩ diễn ra thế nào ?

Từ khoảng 2 năm nay diễn ra chiến dịch cải tạo nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ. Một người cung cấp tin cho biết : « Gần như tất cả người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài khi đi nghỉ ở Trung Quốc đều bị bắt tại Bắc Kinh và bị gửi đến các trại cải tạo ». Hệ quả là người Duy Ngô Nhĩ sống ở ngoại quốc không còn dám về Trung Quốc thăm gia đình. Rồi chính phủ Trung Quốc lại yêu cầu họ gửi giấy tờ, hợp đồng làm việc hoặc thẻ sinh viên, ảnh và địa chỉ, nếu không sẽ bắt giam người thân của họ ở Trung Quốc.

Một người Duy Ngô Nhĩ xin giấu tên than thở : « Chúng tôi đang sống ở thời kỳ đen tối nhất, buồn nhất trong lịch sử của chúng tôi. Chúng tôi chỉ là những con chuột thí nghiệm cho chính phủ Trung Quốc ». Năm 2016, theo đài RFA, Tân Cương đã tuyển thêm hơn 30.000 cảnh sát, trong đó 89% làm nhiệm vụ tuần tra.

Nhưng việc vi phạm quyền tự do của người Duy Ngô Nhĩ không phải chỉ mới xảy ra. Từ năm 2007, bà Rebiya Kadeer (lãnh đạo người Duy Ngô Nhĩ lưu vong) đã nói tới nạn « hủy diệt văn hóa » khi tố cáo Bắc Kinh trấn áp người Duy Ngô Nhĩ. Hiện nay, tổ chức nhân quyền Human Rights Watch ước tính có hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bi giam trong trại cải tạo - hơn 10% dân số thuộc sắc tộc này. Nhưng người Duy Ngô Nhĩ cho rằng có tới 2-3 triệu người bị giam giữ. Thậm chí, có làng dân số còn giảm tới 40%, hầu như tất cả đàn ông của 1.700 hộ dân trong làng đều bị giam cầm.

Chúng ta biết gì về cuộc sống trong các trại cải tạo ở Tân Cương ?

Chúng ta không biết nhiều về những điều đang diễn ra trong các trại cải tạo. Theo báo cáo của Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch hồi tháng 09/2018, và với lời kể của 5 người bị nhốt trong trại giam hoặc trại cải tạo, thì trong trại giam, tù nhân bị xét hỏi trong nhiều ngày, bị xích trên ghế, bị đánh đập, hoặc bị treo lên trần nhà cho đến khi chịu « thú tội ». Mỗi phòng giam 12m2 nhốt tới 24-35 người.

Trong trại cải tạo, người Duy Ngô Nhĩ không được nói tiếng mẹ đẻ và phải tuân theo kỷ luật quân đội : mỗi sáng phải làm lễ thượng cờ và hát các ca khúc ca ngợi chủ tịch Tập Cận Bình và đảng Cộng Sản Trung Quốc. Trước bữa ăn, họ cũng phải ca ngợi chủ tịch nước và đảng Cộng Sản. Theo báo cáo của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, mỗi người được phát một cái bánh mì nhỏ và một bát cơm mỗi bữa, nhưng nếu họ nói tiếng Trung không tốt thì không được ăn. Các tù nhân cũng được thông báo là sẽ không được trả tự do nếu họ không nói chuẩn tiếng Hoa.

Cũng theo báo cáo này, lý do khiến nhiều người bị giam trong trại giáo dục chính trị và chính quyền quy là « tội ác » là họ đã thực hiện các nghi lễ theo quy định của đạo Hồi hoặc có liên hệ với người sống ở 1 trong 26 nước mà đa phần là theo Hồi Giáo. Việc cài đặt trên điện thoại ứng dụng Whatsapp hoặc phần mềm VPN để vượt tường lửa cũng là lý do khiến họ bị bắt giữ.

Những người bị giam cũng không tránh khỏi bị đối xử tàn tệ. Chúng tôi biết được là có những lính gác dùng găng tay tích điện cao thế để đánh đập những người mà họ cho là « ngoan cố ». Theo báo cáo của Human Rights Watch, tại ít nhất một trại cải tạo, tất cả phụ nữ đều bị cắt tóc. Có một người vì không nghe lời mà bị nhốt trong một chiếc hộp kim loại. Một người khác kể với Human Rights Watch là bị đưa xuống đáy một cái giếng, gần như không thể cựa quậy, rồi họ đổ nước xuống cho tới khi người này ngất đi, tê buốt vì lạnh.

Những ai không thể học thuộc nhanh các bài hát thể hiện lòng yêu đất nước thì phải nhịn ăn trong vòng 1 tuần. Cuộc sống ở trại cải tạo khủng khiếp đến mức không thể chịu đựng nổi, nhiều người đã cố tự sát. Ít nhất 4 người chết vì bị tra tấn hoặc không được chăm sóc sức khỏe.

Người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài lo sợ điều gì ?

Bị cắt đứt liên lạc với gia đình, những người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài hiện sống trong sợ hãi. Họ sợ có chuyện hoặc sẽ có chuyện xảy ra với người thân. Một sinh viên than thở : « Chúng tôi không thể gọi điện cho nhau. Không email, không tin nhắn, không gì hết. Cách đây một năm rưỡi, bố tôi gọi điện dặn tôi đừng gọi liên lạc qua điện thoại hay viết thư cho ông, vì điều đó có thể khiến ông gặp nguy hiểm. Tôi không có tin tức gì của bố tôi ».

Một số người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài thiếu cảnh giác, đã quay về Tân Cương vài tuần và không thể đoàn tụ với gia đình riêng ở nước ngoài được nữa. Nhiều gia đình đã tan nát như vậy. Không chỉ người Duy Ngô Nhĩ ở châu Âu mới sa vào hoàn cảnh đó. Khoảng 300 người đàn ông ở Pakistan có vợ con là người Duy Ngô Nhĩ đã rơi vào cảnh bị chia ly như vậy. Reuters cho biết khoảng 50 người trong số họ đã đến Bắc Kinh để gây sức ép lên đại sứ quán Pakistan tại Trung Quốc.

Hiện việc bắt giam ồ ạt người Duy Ngô Nhĩ đã được Trung Quốc xác nhận, và tin này đã làm chấn động thế giới. Trung Quốc ban đầu phủ nhận sự tồn tại của các trại cải tạo, mới đây đã thay đổi tuyên bố trước các chứng cớ và lời kể của các nhân chứng. Từ ngày Quốc Khánh 01/10/2018, Bắc Kinh đã bắt đầu di chuyển các tù nhân ở Tân Cương đến các nơi khác. Hiện có nhiều tin đồn theo đó Bắc Kinh cho xây các trại cải tạo ngầm dưới lòng đất để vệ tinh không phát hiện được những nơi này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.