Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - INTERPOL

Vụ Mạnh Hoành Vĩ: Trung Quốc tự chà đạp lên uy tín quốc tế

Vụ chủ tịch người Trung Quốc của cơ quan cảnh sát quốc tế Interpol, ông Mạnh Hoành Vĩ, đột nhiên mất tích sau khi rời Pháp đi Trung Quốc ngày 29/09/2018 vẫn chưa hết gây ngạc nhiên. Phải 10 ngày sau khi vụ việc được tiết lộ, hôm 08/10 vừa qua, Bắc Kinh mới cho biết là nhân vật này bị « tình nghi vi phạm luật pháp » Trung Quốc và « đang bị điều tra về tội nhận hối lộ ». Trước đó ít lâu, hôm 07/10, Interpol thông báo là họ đã nhận được đơn từ chức có « hiệu lực ngay lập tức » của ông, gởi đi từ Bắc Kinh.

Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ nhân chuyến ghé thăm trụ sở Tổ Chức Cảnh Sát Quốc Tế tại thành phố Lyon (Pháp), ngày 08/05/2018.
Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ nhân chuyến ghé thăm trụ sở Tổ Chức Cảnh Sát Quốc Tế tại thành phố Lyon (Pháp), ngày 08/05/2018. Jeff Pachoud/Pool via Reuters
Quảng cáo

Đối với hai chuyên gia Pháp về Trung Quốc, bà Valérie Niquet, thuộc viện nghiên cứu chiến lược Fondation pour la recherche stratégique, và Jean-Philippe Béja, giám đốc nghiên cứu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc gia CNRS và Ceri-Sciences-Po, trong vụ này, rõ ràng là Trung Quốc đã chứng tỏ thái độ coi thường luật lệ quốc tế và bất cần uy tín của mình. Vấn đề là cùng lúc, cơ quan cảnh sát quốc tế Interpol lại có dấu hiệu chấp nhận sự đã rồi mà Bắc Kinh áp đặt.

Đấu đá nội bộ quan trọng hơn uy tín quốc tế

Trong bài trả lời phỏng vấn tuần báo L’Express ngày 08/10 vừa qua, bà Valérie Niquet, đã cho rằng vụ ông Mạnh Hoành Vĩ bị mất tích là hệ quả của phong trào chống tham nhũng tại Trung Quốc, cũng là những cuộc đấu đá nội bộ ở thượng tầng nhà nước và trong đảng Cộng Sản Trung Quốc nhằm loại bỏ những ai không thuộc phe nhóm của chủ tịch Tập Cận Bình.

Đối với bà Niquet, do vai vế quan trọng của ông Mạnh Hoành Vĩ cả ở trong nước lẫn trên trường quốc tế, việc chế độ Bắc Kinh không ngần ngại loại trừ ông là một cách để khẳng định quyền lực tối thượng của ông Tập Cận Bình.

Theo bà Niquet, vụ Mạnh Hoành Vĩ còn cho thấy là chế độ Tập Cận Bình bất cần đến uy tín quốc tế của Bắc Kinh : « Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền, người ta thấy là chính quyền Trung Quốc đã từ bỏ thái độ tương đối nhũn nhặn, và không cần phải cố gắng chứng tỏ rằng họ là một chế độ đang trong giai đoạn hội nhập vào hệ thống toàn cầu. Trái lại, khi sợ mất quyền kiểm soát, Bắc Kinh sẵn sàng mạnh tay đàn áp một cách độc đoán… Họ không ngần ngại chứng tỏ quyền lực, bất cần đến hình ảnh mà họ phô bày ra, như thể là Trung Quốc ngày nay "muốn làm gì thì làm". »

Điều đáng nói, theo chuyên gia Niquet, là trước các hành vi coi thường luật lệ của Bắc Kinh, cộng đồng quốc tế cho đến nay lại phản ứng quá yếu ớt, tựa như là Trung Quốc được đối xử một cách đặc biệt hơn so với các nước khác, một phần vì « Trung Quốc vẫn được coi là một cơ hội để làm ăn vì đó là một đại cường quốc kinh tế », một phần khác là vì mọi người đã quên « bản chất thực thụ » của chế độ Bắc Kinh, mà theo chuyên gia Pháp, vẫn còn « hơn cả một chế độ độc đoán, với một đảng duy nhất, chưa hoàn toàn chuyển biến về phương diện chính trị ».

Các nhận định nêu trên cũng được ông Jean-Philippe Béja, chuyên gia về Trung Quốc, tán đồng trong bài phỏng vấn dành cho ban tiếng Pháp RFI ngày 09/10/2018. Theo ông, vụ thanh trừng ông Mạnh Hoành Vĩ bằng những thủ đoạn phi pháp, bất chấp việc nhân vật này đang lãnh đạo một tổ chức quốc tế quan trọng, là thêm một bằng chứng cho thấy tính chất coi thường luật pháp quốc tế của Bắc Kinh.

Từ "con cưng" của chế độ thành "tội đồ" cần trừng trị

Trả lời RFI, chuyên gia Béja trước hết nêu bật sự thay đổi thái độ hoàn toàn của Trung Quốc, cách nay hai năm còn ca ngợi ông Mạnh Hoành Vĩ hết lời khi vận động Interpol đề bạt ông :

J.P. Béja : Vào lúc ấy thì Trung Quốc đã gây sức ép rất mạnh mẽ trên các thành viên tổ chức Interpol, để định chế này chấp nhận cho một thứ trưởng Công An Trung Quốc lên làm giám đốc.

Đó là một thắng lợi lớn trên bình diện quốc tế vì là lần đầu tiên mà Trung Quốc giành được chức lãnh đạo một định chế quốc tế lớn như vậy, ngoại trừ trường hợp Tổ Chức Y Tế Thế Giới OMS (WHO) với bà Margaret Chan, nhưng lại là một người Hồng Kông.

Lúc đó, rõ ràng là Trung Quốc muốn bắn đi tín hiệu cho thấy họ đang trở lại vị trí đúng đắn của mình trên chính trường thế giới.

RFI : Trung Quốc có rất ít người đứng đầu các định chế quốc tế. Từ khi bà Margaret Chan rời OMS vào năm ngoái, có thể nói Trung Quốc chỉ còn lại duy nhất ông Mạnh Hoành Vĩ. Tại sao Bắc Kinh lại thẳng tay như thế với nhân vật còn lại này ?

J.P. Béja : Quả đúng là ông Mạnh Hoành Vĩ là gương mặt quốc tế số một của Trung Quốc, người đầu tiên trong một loạt gương mặt Trung Quốc khác có thể lên nắm các cơ quan quốc tế. Có điều ông ấy là người đầu tiên nhưng cũng là người cuối cùng. Việc bắt ông chứng tỏ là đối với Đảng Cộng Sản Trung Quốc, các vấn đề nội bộ quan trọng hơn là vấn đề quốc tế.

Nhiều người, và ngay cả ông Tập Cận Bình thường nói rằng Trung Quốc đã trở thành một cường quốc chủ chốt trên thế giới, gánh vác vai trò quốc tế của mình, nhưng bây giờ thì người ta đã thấy rõ qua ví dụ cụ thể này là thực tế không phải vậy.

Mạnh Hoành Vĩ tham nhũng từ trước hay chỉ mới đây?

Dẫu sao thì ông Mạnh Hoành Vĩ chỉ mới được đề cử cách nay hai năm thôi. Vậy câu hỏi là ông đã tham nhũng từ trước, hay là chỉ mới tham nhũng gần đây ?

Phải chú ý là trong thông cáo của Trung Quốc, người ta không chỉ nói về tham nhũng, người ta còn nói là phải đoàn kết đứng sau ông Tập Cận Bình, phải ủng hộ Ban Chấp Hành Trung Ương mà ông Tập lãnh đạo, phải áp dụng tư tưởng Tập Cận Bình. Như vậy phải chăng ông Mạnh Hoành Vĩ bị xem là người đã không thực sự áp dụng tư tưởng Tập Cận Bình? Rất có thể là như vậy!

Nhưng ngày nay Bắc Kinh lại nói rằng ông Mạnh tham nhũng trong khi mà người từng đề cử ông là Chu Vĩnh Khang thì đã bị án tù chung thân vào năm 2015. Đây là một điều quả là hơi kỳ lạ ! Hơn nữa, tham nhũng ở Trung Quốc là một cái cớ để loại đối thủ hay người phe phái khác không ủng hộ mình.

RFI : Như vậy có nghĩa là ngày nay, thay vì tìm cách tạo uy tín bằng cách đưa người vào trong các định chế quốc tế, thì điều quan trọng nhất đối với Bắc Kinh vẫn là duy trì trật tự trong nội bộ Đảng và trong nước ?

J.P. Béja : Rõ ràng như vậy căn cứ theo sự cố mới xẩy ra, và Trung Quốc không ngần ngại nhắc lại điều đó. Vấn đề là hệ quả đối với hình ảnh của Trung Quốc thì rất là tệ hại.

Vấn đề trớ trêu ở đây sự vụ dính đến cơ quan cảnh sát quốc tế Interpol, thế mà Interpol lại không có khả năng biết được là lãnh đạo của mình biến đi đâu. Điều này khiến người ta đặt nhiều câu hỏi về Interpol.

Điểm rất kỳ lạ là Interpol chỉ gởi đi một lời yêu cầu cho biết lãnh đạo của họ ra sao, trong lúc mà nhân vật này mất tích đã 8 ngày rồi, một điều không thể tưởng tượng nổi, thậm chí còn phi pháp nữa.

Tôi nghĩ là Trung Quốc cho là họ có thể muốn làm gì thì làm, và nhất là họ đặt vấn đề chính trị nội bộ lên trên uy tín quốc tế của họ.

Trung Quốc tự do tung hoành, Interpol phản ứng rụt rè

RFI : Ý ông muốn nói là Trung Quốc cho rằng họ muốn làm gì cũng được, và phản ứng yếu ớt của quốc tế đã xác nhận điều đó ?

J.P. Béja : Đúng là như vậy. Đó là cảm nhận chung. Người ta thấy là Interpol đã không làm gì cả, không thấy ai nói là phải khai trừ Trung Quốc ra khỏi tổ chức, hay là khiển trách Trung Quốc chẳng hạn. Interpol đã không làm gì hết mà chỉ ghi nhận ý muốn từ chức của ông Mạnh Hoành Vĩ.

RFI : Vụ lãnh đạo Interpol bị mất tích liệu có gây nên những hệ quả khác hay không ? Trong cuộc chiến thương mại Mỹ Trung, phía Mỹ thường đả kích Trung Quốc là không tôn trọng nhà nước pháp quyền. Vụ việc này có làm Trung Quốc yếu thế thêm hay không ?

J.P. Béja : Phải thấy là bản chất chế độ Trung Quốc đã không thay đổi, nếu có thay đổi chăng thì chỉ thay đổi theo hướng tồi tệ hơn. Và dĩ nhiên là việc Bắc Kinh không tôn trọng nhà nước pháp quyền đã hoàn toàn lộ rõ ra ban ngày vào lúc này.

Còn về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, phải thấy là cuộc chiến đó có nhiều nguyên nhân khác nữa.

Hiện nay, sắp đến cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, ông Donald Trump muốn cho thấy là ông đặt « nước Mỹ hùng mạnh hơn » lên hàng đầu, ông Tập Cận Bình thì cũng muốn mang lại vinh quang cho Trung Quốc. Với vụ này, ông Tập vướng phải một điều rất tiêu cực, nhưng tôi không nghĩ là nó sẽ giúp củng cố vị trí của ông Trump ; nó có thể được sử dụng trong tuyên truyền, nhưng sẽ không làm thay đổi gì trong thực tế cuộc chiến thương mại.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.