Vào nội dung chính
NGA - ẤN ĐỘ - HỢP TÁC

Ấn Độ mua vũ khí của Nga, Mỹ khó xử

Tổng thống Putin bắt đầu công du Ấn Độ trong hai ngày 4 và 5/10/2018. Thủ tướng Modi dự trù ký kết nhiều hợp đồng mua vũ khí của Nga, một quốc gia đang bị Mỹ trừng phạt. New Delhi và Matxcơva là hai đối tác chiến lược lâu đời, quan hệ cá nhân giữa Narendra Modi với Vladimir Putin luôn tốt đẹp. Liệu đấy có phải là những yếu tố thách thức chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ?

Tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, tại Benaulim, bang Goa, ngày 15/10/2016.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, tại Benaulim, bang Goa, ngày 15/10/2016. Sputnik/Kremlin/Konstantin Zavrazhin via REUTERS
Quảng cáo

Vế quân sự và các hợp đồng mua bán vũ khí với New Delhi là "trọng tâm" chuyến công du Ấn Độ của tổng thống Nga. Hai ngày trước khi ông Putin viếng thăm Ấn Độ, điện Kremlin đã thông báo khá chi tiết về những hợp đồng mà nguyên thủ hai nước sẽ chứng kiến lễ ký kết vào ngày 05/10. Trong số này có hợp đồng trang bị cho Ấn Độ hệ thống phòng không S-400 của Nga trị giá 5 tỷ đô la. Theo nhiều nguồn tin thông thạo, cũng tại New Delhi lần này, lãnh đạo hai nước còn thảo luận về dự án Nga cung cấp bốn hộ tống hạm lớp Krivak, trị giá 2 tỷ đô la và kế hoạch Ấn Độ trang bị 200 chiếc trực thăng hạng nhẹ Ka-226, trị giá khoảng 1 tỷ đô la.

Vấn đề là với việc mua vũ khí Nga, Ấn Độ vi phạm một lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Matxcơva. Đạo luật này mang tên CAATSA, được tổng thống Trump ban hành từ tháng 8/2017, quy định rằng mọi quốc gia giao dịch với Nga trong lĩnh vực quốc phòng hay tình báo đều có thể bị Washington trừng phạt. Trong đó bao gồm cả vế mua bán vũ khí và trang thiết bị quân sự.

Cũng nhân danh đạo luật này, hôm 20/09/2018, Hoa Kỳ đã phạt Cục Phát Triển Thiết Bị của Trung Quốc mua 10 chiến đấu cơ Sukhoi-35 hồi năm 2017. Trong năm 2018, Bắc Kinh đã mua nhiều trang thiết bị liên quan đến tên lửa địa đối không S-400 của Nga.

Câu hỏi kế tiếp là Washington có thể phạt chính quyền của thủ tướng Modi như đã xử phạt một cơ quan quân sự của Trung Quốc hay không ?

Theo các nhà phân tích, câu trả lời có lẽ là không, vì nhiều lý do.

Thứ nhất là yếu tố Trung Quốc. Washington cần New Delhi để kềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh cả về mặt kinh tế lẫn quân sự trong vùng Châu Á - Thái Bình Dương. Tháng 09/2018, Mỹ và Ấn Độ thông báo đẩy mạnh hợp tác trao đổi thông tin quân sự mang tính nhạy cảm cao. Đôi bên cũng đã đồng ý tiến hành một cuộc tập trận chung quy mô vào năm 2019. Với chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, Mỹ khó mà mạnh tay với New Delhi.

Cái khó thứ nhì đặt ra với chính quyền Trump là việc Ấn Độ tăng cường khả năng phòng thủ cũng chính là nhằm để đối phó với đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc và đấy là điều buộc Washington phải quan tâm. Vào năm 2017 đã xảy ra nhiều vụ đụng độ giữa quân đội hai nước trong khu vực biên giới Ấn - Trung. Chưa kể là theo nhiều nhà phân tích, Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng với Pakistan, mà trong quá khứ, Ấn Độ và Pakistan đã ba lần tuyên chiến với nhau.

Điểm kẹt thứ ba của Mỹ là Ấn Độ hiện đang là một trong những quốc gia mua vũ khí hàng đầu thế giới, đang có nhu cầu hiện đại hóa khả năng phòng thủ rất lớn. Đây là một thị trường mà các nhà sản xuất vũ khí Hoa Kỳ không muốn bỏ qua. Còn Nga thì từ lâu nay vẫn là đối tác ưu tiên của New Delhi, cho dù là khi lên cầm quyền, thủ tướng Narendra Modi đã nỗ lực cải thiện quan hệ với Mỹ cả về mặt kinh tế lẫn chiến lược. Hoa Kỳ khó có thể thay đổi được thực tế đó.

Đấy là chưa kể trên bàn cờ ngoại giao, Nga đang ủng hộ Ấn Độ giành được một chiếc ghế thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Cũng nhờ Matxcơva đỡ đầu, New Delhi đã gia nhập Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải.

Nhưng có lẽ không chỉ có Hoa Kỳ theo dõi sát lễ ký kết các hợp đồng quân sự Ấn - Nga, mà cả Trung Quốc cũng đang khó chịu vì những hợp đồng giúp cho New Delhi nâng cao khả năng phòng thủ.

Biết đâu đây lại là điểm cho phép Washington và Bắc Kinh thông cảm với nhau hơn trong bối cảnh căng thẳng Mỹ- Trung đang dâng cao ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.