Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Báo chí Miến phản đối chính quyền kết án tù hai nhà báo Reuters

Hôm qua 03/09/2018, tòa án Miến Điện kết án 7 năm tù đối với hai nhà báo Reuters, điều tra về một vụ thảm sát người Rohingya. Cùng với các phản đối từ phía quốc tế, báo chí Miến Điện lên án mạnh mẽ hành động đàn áp tự do ngôn luận của chính quyền.

Báo MyanmarTimes tố cáo  bản án tù đối với hai nhà báo Reuters, Wa Lone và Kyaw Soe Oo. Ảnh trang nhất ngày 04/09/2018.
Báo MyanmarTimes tố cáo bản án tù đối với hai nhà báo Reuters, Wa Lone và Kyaw Soe Oo. Ảnh trang nhất ngày 04/09/2018. REUTERS/Ann Wang
Quảng cáo

Nhật báo 7 Day Daily, một trong các báo có nhiều độc giả nhất tại Miến Điện, trong số ra ngày hôm nay, 04/09, đăng ngay giữa trang nhất một hình chữ nhật màu đen lớn, bên cạnh là một bài xã luận mang tựa đề « Một ngày buồn cho Miến Điện ». Nhật báo 7 Day Daily viết : « Mọi người cần hiểu rằng nền dân chủ sẽ không thể nào sống sót nổi trong một thời kỳ mà báo chí bị đàn áp ».

Tờ Myanmar Times, một nhật báo tư nhân khác thì đăng trên trang nhất bức ảnh nhà báo Kyaw Soe Oo, 28 tuổi, rời khỏi phiên tòa tay bị còng. Myanmar Times đánh giá phán quyết của tòa án Miến Điện là « một đòn tấn công nhắm vào tự do báo chí ». Theo Reuters, hàng chục tổ chức dân sự Miến Điện cũng lên tiếng tố cáo bản án nói trên.

Hai nhà báo Kyaw Soe Oo và Wa Lone bị khép tội « xâm phạm bí mật quốc gia », khi họ tìm cách sở hữu được các tài liệu của cơ quan an ninh, nhắm làm sáng tỏ vụ quân đội thảm sát 10 người Rohingya tại miền tây Miến Điện, cách nay hơn một năm. Tội danh nói trên được đưa vào luật pháp Miến Điện từ thời thực dân Anh.

Trả lời hãng tin Reuters, thứ trưởng bộ Thông Tin Miến Điện ông Aung Hla Tun, tuy không chấp nhận là phán quyết của tòa án xâm phạm tự do báo chí, nhưng cũng thừa nhận là một số điều luật - đã được dùng để khép tội hai nhà báo – là không còn phù hợp với hoạt động truyền thông. Thứ trưởng Thông Tin Miến Điện cho biết thêm là chính phủ Miến Điện hiện tại chỉ là người kế thừa các luật đã được thông qua trước đó, và hiện đang tìm cách sửa đổi, hoặc hủy bỏ các luật không còn phù hợp.

Về phía cộng đồng quốc tế, cùng với Liên Hiệp Châu Âu và Liên Hiệp Quốc, chính quyền các nước Mỹ, Pháp, Anh, Canada đồng loạt kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho hai nhà báo vừa bị kết án.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.