Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - ROHINGYA

Dân Rohingya bị thanh lọc : Bà Suu Kyi bị tố biện minh cho quân đội

“Lẽ ra bà Aung San Suu Kyi nên từ chức thì hơn”: Tuyên bố được đưa ra hôm nay, 30/08/2018 của ông Zeid Ra'ad Al Hussein người sắp rời khỏi chức vụ Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc là áp lực mới nhất của cộng đồng quốc tế nhắm vào lãnh đạo trên thực tế của chính quyền dân sự Miến Điện Aung San Suu Kyi. Bà vừa lên tiếng biện minh cho chiến dịch bị cho là thanh lọc chủng tộc của quân đội nhắm vào người thiểu số Rohingya theo Hồi Giáo tại quốc gia Đông Nam Á này.

Bà Aung San Suu Kyi (G) đến sân bay Sittwe hôm 02/11/2017, trong chuyến thăm bang Rakhine.
Bà Aung San Suu Kyi (G) đến sân bay Sittwe hôm 02/11/2017, trong chuyến thăm bang Rakhine. KHINE HTOO MRATT / AFP
Quảng cáo

Chiến dịch này bị Liên Hiệp Quốc tố cáo trong một bản phúc trình công bố hôm thứ Hai, 27/08, cho rằng cần phải truy tố một số tướng lãnh Miến Điện, trong đó có người đứng đầu quân đội, về tội diệt chủng.

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc dĩ nhiên đã bị chính quyền Miến Điện bác bỏ, nhưng vấn đề là bản thân bà Aung San Suu Kyi đã lên tiếng biện minh cho hành động của quân đội, với những lập luận cố hữu, như chiến dịch năm ngoái chỉ nhằm chống lại những “hành vi khủng bố”, và những cáo buộc nêu trong báo cáo chỉ là những lời dối trá.

Đối với vị Cao Ủy Nhân Quyền sắp mãn nhiệm, là người nắm quyền lãnh đạo trong thực tế chính quyền dân sự Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi có đầy đủ tư cách để ngăn chặn chiến dịch bị tố cáo là “thanh lọc chủng tộc” mà quân đội Miến Điện tiến hành vào năm ngoái nhắm vào người thiểu số Rohingya, điều mà bà đã không làm.

Trước những cáo buộc, theo ông Zeid Ra'ad Al Hussein, “lẽ ra bà Aung San Suu Kyi nên giữ im lặng, hay tốt hơn nữa là nên từ chức… (chứ) không cần phải biến mình thành phát ngôn viên của quân đội Miến Điện”.

Thái độ thờ ơ của bà Aung San Suu Kyi đối với thảm nạn diệt chủng diễn ra trước mắt mình, thậm chí còn bênh vực các thủ phạm, đã tạo ra nhiều bất bình, với nhiều người công khai cho rằng bà không còn xứng đáng với giải Nobel Hòa Bình, và Ủy Ban trao giải Nobel cần phải thu hồi giải đã trao cho bà vào năm 1991.

Trước những luồng dư luận đó, vào hôm qua, một lần nữa, Ủy Ban Nobel Hòa Bình của Na Uy đã lên tiếng tái khẳng định không thể có chuyện thu hồi giải Nobel đã trao, vì lẽ giải được quyết định trên cơ sở thành tựu của một người vào lúc trao giải và quá trình trước đó.

Đây không phải là lần đầu tiên mà Ủy Ban Nobel Hòa Bình phải lên tiếng về vụ bà Aung San Suu Kyi bị tố cáo làm ngơ để cho người Rohingya bị thảm sát. Vào năm ngoái, chủ tịch Ủy Ban này cũng đã phải xác định rằng không thể thu hồi giải thưởng.

Tuy nhiên vai trò của bà Aung San Suu Kyi trong cuộc khủng hoảng Rohingya cũng đã khiến bà mất uy tín. Tháng Ba vừa qua, Viện Bảo Tàng Holocaust (về nạn Diệt Chủng Do Thái) tại Mỹ đã tuyên bố thu hồi Giải thưởng Elie Wiesel từng trao tặng cho lãnh đạo Miến Điện vào năm 2012.

Cho đến nay, vẫn còn có người tin rằng, dù là người đứng đầu chính quyền dân sự, nhưng bà Aung San Suu Kyi không có thẩm quyền đối với quân đội.

Lập luận này vừa bị Liên Hiệp Quốc phản bác khi trong báo cáo nói rõ là bà Aung San Suu Kyi đã không sử dụng vị trí thực tế của mình là người đứng đầu chính phủ, cũng như không dùng uy tín đạo đức của mình, để ngăn chặn hoặc dự phòng các sự kiện đang diễn ra.

Thậm chí báo cáo Liên Hiệp Quốc còn tố cáo : “Chính quyền dân sự đã truyền bá những câu chuyện sai sự thật; phủ nhận hành vi sai trái của quân đội ; ngăn cản những cuộc điều tra độc lập. . . và giám sát việc phi tang bằng chứng.”

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.