Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - ROHINGYA

Liên Hiệp Quốc đòi truy tố tổng tư lệnh quân đội Miến Điện

Ủy ban điều tra Liên Hiệp Quốc thỉnh cầu Hội Đồng Bảo An kêu gọi Toà Án Hình Sự Quốc Tế truy tố, hoặc thành lập Toà án đặt biệt để truy tố tổng tư lệnh quân đội Miến Điện và 5 tướng lãnh khác về ba trọng tội : diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại » trong vụ truy bức sắc tộc Rohingya, khiến hơn 700.000 người Hồi giáo chạy sang Bangladesh tị nạn.

Tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh liên quân Miến Điện, bị Liên Hiên Quốc đòi truy tố. Ảnh chụp ngày 19/07/2018 tại Rangun, nhân ngày liệt sĩ Miến Điện.
Tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh liên quân Miến Điện, bị Liên Hiên Quốc đòi truy tố. Ảnh chụp ngày 19/07/2018 tại Rangun, nhân ngày liệt sĩ Miến Điện. REUTERS/Ann Wang
Quảng cáo

Theo bản báo cáo công bố ngày 27/08/2018 tại Genève, Ủy Ban thiết lập sự thật tại ba bang Rakhin, Kachin và Shan đề nghị như sau : các tướng lãnh quan trọng của Miến Điện, kể cả tổng tư lệnh liên quân Min Aung Hlaing, phải bị điều tra và truy tố về hành động « diệt chủng » của họ ở bang Rakhin và « tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại » ở Kachin và Shan.

Theo ủy ban điều tra, do Hội Đồng Nhân Quyền thành lập năm 2017, « có đủ thông tin…. để điều tra trách nhiệm của cấp chỉ huy quân đội Miến Điện, để trả đũa một vụ tấn công đồn biên giới, đã mở một chiến dịch lớn huy động nhiều sư đoàn truy bức cộng đồng Rohingya nhằm « thay đổi cấu trúc dân số » tại bang Rakhin và kích động hận thù giữa người theo đạo Phật và người theo đạo Hồi.

Cũng theo các nhà điều tra, lãnh đạo dân sự Miến Điện, bà Aung San Suu Syi cũng bị chỉ trích là « không sử dụng vị thế tổng thống đương nhiên và uy tín đạo đức » để ngăn chận quân đội can thiệp thô bạo. Tuy nhiên, Ủy ban Liên Hiệp Quốc nhìn nhận « chính quyền dân sự không có đủ thẩm quyền để kiểm soát quân đội » và Ủy ban không thấy bằng cớ chính phủ dân sự tham gia trực tiếp hay góp phần vào kế hoạch diệt chủng ».

Do bị cấm vào Miến Điện quan sát hiện trường, Ủy ban điều tra dựa vào các hình ảnh vệ tinh và các cuộc thẩm vấn 857 nhân chứng.

Thông tin do các nhân chứng cung cấp nói đến con số 10.000 người chết, nhưng theo AFP, tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới tỏ ra thận trọng về con số này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.