Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO - DU LỊCH - XÃ HỘI

Du lịch Y tế : Ngành kinh doanh béo bở

Lắp xương hông giả ở Thái Lan, cấy tóc ở Thổ Nhĩ Kỳ, giải phẩu thẩm mỹ ở Rumani : Du lịch y tế đang trở thành một ngành kinh doanh toàn cầu hóa với lợi nhuận ngày càng lớn. Đó là đề tài được Libération đưa lên trang nhất số ra ngày 22/08/2018.

Một ca phẫu thuật mũi cho bệnh nhân nước ngoài tại bệnh viện đa khoa Yanhee, nổi tiếng về phẫu thuật chuyển giới tại Bangkok, ngày 21/11/2005.
Một ca phẫu thuật mũi cho bệnh nhân nước ngoài tại bệnh viện đa khoa Yanhee, nổi tiếng về phẫu thuật chuyển giới tại Bangkok, ngày 21/11/2005. AFP PHOTO/ Saeed KHAN
Quảng cáo

Không chỉ có làm đẹp, nhiều dịch vụ y tế khác cũng đang được chào mời ngày càng nhiều tại các nước, trong đó có cả giải phẫu ghép thận và điều trị ung thư, đặc biệt là tại Ấn Độ. Theo Libération, thị trường này đã lên tới 60 triệu đôla trong năm 2016, với 14 triệu bệnh nhân, và sẽ còn tăng thêm 25% trong thập niên tới, cùng với đà lão hóa của dân số, cộng thêm với việc các phương tiện vận chuyển ngày càng dễ tiếp cận và các dịch vụ ngày càng phong phú.

Những nguyên nhân chính khiến người ta ra nước ngoài vì lý do y tế thì không có gì thay đổi : không phải chờ lâu và nhất là giá rẻ. Kể từ đầu thập niên 1990, điểm đến chủ yếu vẫn là châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Thái Lan, những nơi mà đón tiếp bệnh nhân ngoại quốc là cả một ngành kinh doanh, chiếm đến gần 1% GDP như ở Thái Lan.

Từ lâu, Thái Lan vẫn thu hút nhiều bệnh nhân vì giá cả ở đây rất hấp dẫn (rẻ hơn 70% so với ở Mỹ), mà chất lượng điều trị rất tốt. Ví dụ như gắn một xương hông giả ở Mỹ tốn đến 42 ngàn euro, trong khi ở Thái Lan tốn chưa tới 10 ngàn. Về phần Ấn Độ, từ năm 2005, nước này đã lập ra một loại visa riêng cho khách du lịch y tế, cấp cho hơn 230 ngàn người đến nước này trong năm 2015 để được giải phẫu xương khớp hoặc điều trị ung thư.

Tại những nước đó, có những công ty chuyên tổ chức các chuyến lưu trú, lo cho bệnh nhân ngoại quốc, từ A đến Z, từ lúc đón tiếp ở phi trường, cho đến theo dõi hậu phẫu. Theo Libération, thật ra không phải bệnh nhân nào cũng đến từ nước giàu tìm nơi điều trị rẻ tiền hơn, mà có nhiều người ra nước ngoài chỉ vì ở nước họ không có những dịch vụ y tế đó : 80% người ngoại quốc tới Ấn Độ để điều trị là đến từ các nước phía nam, trong đó có nhiều người từ châu Phi hay từ Irak và Afghanistan, hai nước mà các dịch vụ y tế đã bị chiến tranh tàn phá.

Lạm dụng tình dục : Giáo hoàng nhận lỗi của Giáo hội

Tờ Le Monde đưa tựa trên trang nhất về bức thư của giáo hoàng Phanxicô gởi giáo dân, mà Vatican công bố ngày 20/08, nhìn nhận lỗi của Giáo hội trong các vụ lạm dụng tình dục trẻ em, lên án những linh mục phạm tội lẫn các giám mục đã che giấu những tội ác đó.

Nhưng theo Le Monde, các hiệp hội nạn nhân lấy làm tiếc là bức thư nói trên của giáo hoàng lại không đi kèm với những biện pháp cụ thể để bài trừ tệ nạn này. Khoảng 20 năm sau các vụ tai tiếng lớn đầu tiên, Giáo hội hãy còn lâu mới rũ bỏ hết được những vụ lạm dụng tình dục trẻ em và bạo lực tình dục.

Nhân dịp này, tờ Le Monde đề cập đến những vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội Chilê, đặc biệt là của linh mục Fernando Karadima. Cho tới tận năm 2010, giáo xứ El Bosque ở Santiago de Chile vẫn là « vương quốc » độc quyền của cha xứ Karadima, một người mà giáo dân tôn sùng như một vị thánh, nhưng trong suốt nhiều năm trời đã biến rất nhiều thanh thiếu niên thành nô lệ, thậm chí là nô lệ tình dục.

Tuy bề ngoài không có gì đặc biệt, cha Karadima lại có tài ăn nói lôi cuốn, thuyết giảng hùng hồn đến mức thuyết phục được các em thiếu niên rằng, thông qua ông chính là Chúa đang nói với các em. Những bài giảng của vị linh mục này có nội dung rất đơn giản và thường là nói về khái niệm sự Thánh. Theo Karadima, muốn trở thành Thánh, các em phải phục tùng ông một cách tuyệt đối.

Đối với những em muốn trau dồi thêm đức tin, được trở thành người thân cận của cha Karadima là cả một diễm phúc, như trường hợp của James Hamilton, một thiếu niên có bố mẹ ly hôn nên đã tìm nguồn an ủi nơi giáo xứ El Bosque của cha Karadima. Cũng như những thiếu niên khác, Hamilton đã trở thành nạn nhân của những lạm dụng tình dục của cha Karadima suốt 20 năm trời, kể cả sau khi đã lấy vợ năm 1992. Mà ngay cả vợ của Halminton là Veronica cũng lọt vào vòng kềm tỏa của cha Karadima. Cô buộc phải chọn linh mục này là người để xưng tội và khi xưng tội, Veronica buộc phải kể cho cha Karadima những chuyện thầm kín nhất, kể cả chuyện ân ái với chồng ! Cho đến tận năm 2010, Hamilton và những nạn nhân khác của Karamida mới dám lên truyền hình để tố cáo vị linh mục này.

Pháp : Macron đối đầu với sóng gió

« Macron trước nguy cơ tăng trưởng chậm lại », nhật báo kinh tế Les Echos báo động ngay trên trang nhất, nhân dịp tổng thống Pháp hôm nay họp hội đồng chính phủ đầu tiên sau kỳ nghỉ hè.

Theo Les Echos, cuộc họp này diễn ra vào lúc các nhà kinh tế vừa hạ thấp mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Pháp trong hai năm 2018 và 2019, sau khi họ ghi nhận là mức tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm đã chậm lại thấy rõ. Viễn cảnh này khiến việc đạt mục tiêu cắt giảm thâm thủng ngân sách càng thêm phức tạp.

Cho tới nay, chính phủ Pháp vẫn hy vọng có một mức tăng trưởng mạnh để có thể vừa tiến hành các cải tổ vừa cắt giảm thâm thủng ngân sách. Bây giờ câu hỏi đặt ra là có nên giảm bớt chi tiêu, để thâm thủng ngân sách không tăng quá cao, với nguy cơ là các biện pháp cải tổ sẽ có tác động tiêu cực lên tăng trưởng, hay cứ để thâm thủng ngân sách tăng cao, để không ảnh hưởng hơn nữa lên tăng trưởng kinh tế của nước Pháp.

Trên trang nhất, tờ Le Figaro cũng quan tâm đến những gì đang chờ đón tổng thống Macron sau kỳ nghỉ hè. Để lật sang hẳn một bên vụ tai tiếng Benalla, tổng thống Pháp dự tính sẽ giữ nguyên nhịp độ cải cách và đặt trọng tâm vào các biện pháp xã hội trong bối cảnh ngân sách Nhà nước ngày càng eo hẹp.

Theo Le Figaro, ngân sách 2019, sẽ được đệ trình vào cuối tháng 9, có thể sẽ là dịp để tổng thống Macron thể hiện quyết tâm cải cách hoặc thú nhận việc từ bỏ các cải cách. Tờ báo trích lời ông Bernard Sananès, chủ tịch viện thăm dò Elabe, nhận định rằng tổng thống Macron sẽ phải đối đầu với nhiều làn gió ngược hơn là so với năm đầu của nhiệm kỳ. Trước hết là do dư luận cảm thấy kinh tế Pháp không được cải thiện đáng kể, cho dù không trở nên tồi tệ hơn. Thứ hai là trong hồ sơ cải tổ châu Âu, trọng tâm của ông Macron, người ta thấy khó mà đạt được các tiến bộ. Và cuối cùng, ông Macron đang có uy tín bị sụt giảm rất mạnh, nay có đến 33% dân Pháp không tin tưởng ông một chút nào, mức kỷ lục kể từ khi ông đắc cử tổng thống.

Mahathir lên án « chủ nghĩa thực dân mới » của Trung Quốc

Về thời sự châu Á, Le Figaro chú ý đến những tuyên bố của thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trong chuyến viếng thăm tại Bắc Kinh vừa qua, lên án « chủ nghĩa thực dân mới » của Trung Quốc.

Theo Le Figaro, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chắc đã không ngờ ông lại nghe một tuyên bố thẳng thừng như thế trong một cuộc họp báo mà bình thường diễn ra trong khuôn khổ rất chặt chẽ. Nhưng ở tuổi 93, đồng nhiệm Malaysia Mahathir Mohamad, viếng thăm Bắc Kinh lần đầu tiên kể từ khi bất ngờ thắng cử tháng 5 vừa qua, không còn sợ gì nữa. Rõ ràng là ám chỉ chế độ Bắc Kinh, lãnh đạo lớn tuổi nhất thế giới hôm thứ hai vừa qua đã lên án « một dạng chủ nghĩa thực dân mới », mà trong đó các nước nghèo bị thua thiệt về thương mại so với các nước giàu hơn.

Ngay hôm sau, ông Mahathir thông báo đình chỉ 3 dự án đã ký với Trung Quốc, với trị giá tổng cộng hơn 22 tỷ đôla, trong đó có cả dự án đường sắt từ biên giới Thái Lan đến Kuala Lumpur. Đối với thủ tướng Malaysia, những dự án đó chỉ có lợi cho các công ty và công nhân Trung Quốc.

Theo Le Figaro, việc hủy các dự án nói trên là một vố đau đối với Trung Quốc, vì Bắc Kinh xem Malaysia là một trong những yếu tố chủ chốt của « các con đường tơ lụa mới », sáng kiến đầy tham vọng của chủ tịch Tập Cận Bình. Thái độ cứng rắn của ông Mahathir chắc chắn sẽ làm hài lòng công luận Malaysia. Khoảng hơn 100 ngày sau khi trở lại nắm quyền, uy tín của nhân vật hứa hẹn sẽ cải tổ một đất nước do chính ông kiến tạo vẫn rất cao. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, « tuần trăng mật » giữa ông Mahathir với người dân Malaysia có thể sẽ chấm dứt khi chính phủ tiến hành các biện pháp tiết kiệm ngân sách.

Iran : Chuyển hướng xuất khẩu dầu sang châu Á

Về kinh tế, LesEchos chú ý đến việc xuất khẩu dầu của Iran nay đang chuyển hướng sang châu Á, sau khi Hoa Kỳ loan báo các biện pháp trừng phạt Iran kể từ tháng 11 tới.

Theo Les Echos, vào giữa tháng 8, xuất khẩu dầu thô của Iran đã giảm gần 1 triệu thùng mỗi ngày so với mùa xuân. Do hiện giờ không có phương cách nào khác, cho nên theo một chuyên gia, Iran có thể sẽ tập trung xuất khẩu dầu vào 3 quốc gia chủ chốt là Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ. Công ty dầu khí quốc gia Iran vừa loan báo giảm giá bán cho các khách hàng châu Á kể từ tháng 9, có lẽ là để giữ chân các khách hàng này.

Nhưng đến mùa thu, áp lực còn tùy thuộc vào mức cung của thế giới. Cơ quan Năng lượng Quốc tế vừa cảnh báo là khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ có hiệu lực, cộng thêm các vấn đề về sản xuất ở những nơi khác, việc duy trì mức cung của thế giới có thể sẽ rất khó khăn. Với mức tiêu thụ lên đến 20 triệu thùng dầu/ngày, các hộ gia đình ở Mỹ chẳng bao lâu nữa sẽ phải lo ngại trước tình trạng giá dầu tăng thêm 10 hay 20 đôla một thùng.

Colombia : Khám phá lại hệ thực vật

Kể từ khi chấm dứt chiến tranh du kích, Colombia khám phá trở lại các khu rừng già mà trước đây không ai có thể vào được. Theo tờ Libération, một đoàn khoa học Pháp-Colombia đã đi tìm những loài mới tại một đất nước có hệ thực vật phong phú nhất thế giới, sau Brazil.

Chuyến đi được Colombia tổ chức, quốc gia nay đã bước vào thời hậu chiến sau hòa ước ký ngày 24/11/2016 giữa chính phủ với lực lượng du kích FARC. Các nhà khoa học Pháp và Colombia đã lần theo vết chân của José Jeronimo Triana, một trong những nhà thực vật học nổi tiếng nhất của Colombia. Chính ông đã cùng với đồng nghiệp người Pháp Jules Emile Planchon thống kê hệ thực vật đầu tiên của Colombia.

Tuy nhiên, tờ Libération cảnh báo rằng, mặc dù hàng trăm loài thực vật mới đã được phát hiện kể từ hòa ước được ký kết, nạn phá rừng vẫn đe dọa sự cân bằng sinh thái mong manh của rừng Colombia.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.