Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - HOA KỲ - THƯƠNG MẠI

Trung Quốc : Thịt lợn, thịt bò Mỹ trả giá vì chiến tranh thương mại

Vì bị Bắc Kinh tăng thuế trả đũa, thịt bò và thịt lợn của Mỹ đang được bán với giá cao ngất ngưởng tại Trung Quốc, trong khi tiếng tăm cũng bị sụt giảm. Các nhà phân phối Trung Quốc chuyển sang nhập thịt từ Úc và Nam Mỹ, có giá rẻ hơn.

Ảnh minh họa, ngày 11/08/2018 tại Quỳnh Hải thị, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.
Ảnh minh họa, ngày 11/08/2018 tại Quỳnh Hải thị, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Các nhà phân phối sỉ thịt nhập khẩu buộc phải chuyển sang các nguồn khác do « sản phẩm của Mỹ trở nên quá đắt. Đối với thịt bò, họ mua nhiều thịt từ Úc, Nam Mỹ hơn, thậm chí là cả của Canada ». Theo giám đốc một nhà phân phối thịt ở Thượng Hải, họ đã đã ngừng nhập thịt từ Mỹ. Một số nước khác biết tận dụng cơ hội này « thu được lợi nhất ».

Cuộc chiến thương mại hiện vẫn chưa rõ hậu quả ra sao, nhưng các nhà xuất khẩu thịt của Mỹ, mà Trung Quốc là một thị trường rất lớn, có lẽ sẽ bị thiệt hại nặng nhất. Theo Liên đoàn các nhà xuất khẩu thịt của Mỹ, chỉ tính riêng tháng 06/2018, trước khi các biểu thuế mới của Trung Quốc có hiệu lực, Hoa Kỳ xuất khẩu sang Trung Quốc 140 triệu đô la thịt lợn, thịt bò và các sản phẩm chế biến, tương đương với 10% tổng giá trị xuất khẩu trong lĩnh vực này của Mỹ.

Khi bị Trung Quốc áp thuế mới, một bộ phận các nhà cung cấp thịt ở Mỹ gánh một phần chi phí tăng thuế để giữ khách và bảo đảm khối lượng hàng bán ra. AFP lấy trường hợp của ông Lin Zhengu, chủ nhân kiêm đầu bếp một nhà hàng cao cấp ở Thượng Hải, nổi tiếng về steak thịt bò của Mỹ và Úc. Theo ông, giá các miếng steack thịt bò Mỹ đã tăng thêm 30 đến 40% chỉ trong vòng một tháng do biểu thuế mới, nhưng các nhà cung cấp Hoa Kỳ đã chịu khoản phụ trội đó. Vì vậy, nhà hàng của ông vẫn tiếp tục « làm việc với các nhà cung cấp và các trang trại Mỹ… cho đến khi nào mọi ngả bị khép lại hoàn toàn ».

Đa dạng hóa nguồn cung cấp

Ngoài thịt, nhiều sản phẩm khác của Mỹ như hạt đậu nành, ngũ cốc và sản phẩm hóa dầu cũng nằm trong biểu thuế mới của Bắc Kinh. Theo dự đoán của nhà phân tích Julian Evans-Pritchard, thuộc văn phòng Capital Economics, có thể sẽ có « một sự thay đổi lớn các luồng thương mại ».

Đậu nành là sản phẩm không thể thiếu cho nhu cầu chăn nuôi ngày càng phát triển mạnh ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu không có đậu nành Mỹ, nền kinh tế thứ hai thế giới vẫn có thể dễ dàng mua sản phẩm này trên thị trường thế giới.

Tập đoàn nông lương Cofco của Trung Quốc đã chuyển sang mua đậu nành Brazil và một số ngũ cốc khác từ Ukraina và Nga. Tương tự, Shanghaishi International Trade Co., một công ty nhập khẩu lương thực quan trọng ở Trung Quốc, từng mua hơn 40 triệu đô la thịt bò và thịt lợn Mỹ vào năm 2017, giờ chuyển sang nhập khẩu thịt từ châu Âu, Úc và Nam Mỹ. Ông Từ Vĩ (Xu Wei), tổng giám đốc tập đoàn, không tỏ ra lo lắng vì « dễ dàng bổ sung thiếu hụt » từ các nguồn khác. Theo ông, « chính các nhà xuất khẩu Mỹ mới bị thiệt hại nhiều nhất ».

Chính quyền Bắc Kinh tiếp tục trấn an dân chúng về nguy cơ thiếu hụt lương thực. Trên Nhân Dân Nhật Báo ngày 11/08/2018, thứ trưởng bộ Nông Nghiệp Trung Quốc Hàn Tuấn (Han Jun) khẳng định, dù hàng nhập khẩu từ Mỹ sẽ sụt giảm, nhưng « các cơ quan liên quan đã chuẩn bị cẩn thận, Trung Quốc hoàn toàn có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu về dầu ăn cho người và lương thực cho súc vật ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.