Vào nội dung chính
MỸ - NGA -TRUNG - TRIỀU

Nga - Trung bác đề nghị của Mỹ ngăn chặn Bắc Triều Tiên nhập khẩu dầu

Nỗ lực của Mỹ, yêu cầu Hội Đồng Bảo An ra quyết định ngưng toàn bộ việc xuất khẩu dầu tinh chế sang Bắc Triều Tiên trong phần còn lại của năm 2018, nhằm tiếp tục gây áp lực buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân, tạm thời thất bại. Matxcơva và Bắc Kinh, ngày hôm qua, 19/07/2018, đòi hỏi các thông tin bổ sung. Điều này trên thực tế đồng nghĩa với việc đề nghị của Mỹ bị bác bỏ.

Tàu Lighthouse Winmore mang cờ Hồng Kông bị Hàn Quốc chận bắt vì vi phạm lệnh cấm vận Bắc Triều Tiên của Liên Hiệp Quốc.
Tàu Lighthouse Winmore mang cờ Hồng Kông bị Hàn Quốc chận bắt vì vi phạm lệnh cấm vận Bắc Triều Tiên của Liên Hiệp Quốc. AFP
Quảng cáo

Theo AFP, hồi cuối tuần trước, Hoa Kỳ khẳng định với 14 thành viên Hội Đồng Bảo An, là Bắc Triều Tiên đã vi phạm lệnh cấm vận dầu mỏ của Liên Hiệp Quốc, thông qua các hoạt động vận tải bất hợp pháp. Tổng lượng dầu tinh chế nhập khẩu của Bắc Triều Tiên, từ đầu năm đến nay, đã vượt quá định mức cho phép năm 2018. Kết luận nói trên của Mỹ dựa trên một báo cáo của các cơ quan tình báo quốc gia. Cùng với một danh sách 89 tàu hàng vận tải dầu mỏ bất hợp pháp đến Bắc Triều Tiên từ đầu năm, Washington đã trình ra trước Hội Đồng Bảo An nhiều ảnh vệ tinh cho thấy một số vụ dầu được chuyển từ tàu này sang tàu khác, để lách lệnh cấm vận.

Washington đề nghị ủy ban phụ trách trừng phạt Bắc Triều Tiên của Hội Đồng Bảo An « ra lệnh ngay lập tức ngừng toàn bộ việc vận chuyển dầu mỏ tinh chế » đến quốc gia này.

Một nhà ngoại giao Nga ẩn danh cho biết, Matxcơva đã xem xét kỹ lưỡng yêu cầu của Mỹ. Quan điểm của Nga là Washington cần phải đưa ra các « thông tin bổ sung » về các trường hợp vận chuyển bất hợp pháp, và « phương pháp » đã được sử dụng để tính toán tổng lượng dầu xuất khẩu bất hợp pháp. Về phía Trung Quốc, một nguồn tin ngoại giao cho biết Bắc Kinh ủng hộ yêu cầu « bổ sung thông tin » của Nga.

Chính sách của Hoa Kỳ hiện nay, sau cuộc thượng đỉnh Donald Trump - Kim Jong Un ngày 12/6/2017, là « duy trì áp lực tối đa » để buộc Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa. Hôm qua, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có kế hoạch gặp các thành viên Hội Đồng Bảo An và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Guterres để bàn về vấn đề này. Hồi cuối tháng 6, Washington đã ngăn chặn một dự thảo tuyên bố chung của Hội Đồng Bảo An, do Bắc Kinh đề xuất, đề nghị xem xét lại các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên.

Bất chấp cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trừng phạt vẫn phải được duy trì, cho đến khi nào Bình Nhưỡng thực sự phi hạt nhân hóa.

Kinh tế Bắc Triều Tiên sụt chưa từng thấy từ 20 năm nay

Các loạt trừng phạt cứng rắn của Liên Hiệp Quốc hồi năm ngoái khiến tổng sản phẩm quốc nội Bắc Triều Tiên sụt giảm 3,5% trong năm ngoái, hiện tượng chưa từng thấy kể từ 20 năm nay. Trên đây là thông tin Ngân Hàng Trung Ương Hàn Quốc đưa ra hôm nay. Tỉ lệ sụt giảm này là hoàn toàn tương phản với mức tăng trưởng 3,9% hồi năm 2016.

Các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An nhắm vào hàng loạt các ngành xuất khẩu chủ chốt của Bắc Triều Tiên, như than, và các khoáng sản khác, đánh cá, dệt may… Ngành công nghiệp khai khoáng, một thế mạnh kinh tế của Bắc Triều Tiên, bị thụt lùi 11%. Trao đổi thương mại Liên Triều gần như hoàn toàn bị đình chỉ, chỉ còn ở mức khoảng 1 triệu đô la. Ngay cả thương mại với Trung Quốc, chiếm khoảng 95% giao dịch thương mại của Bình Nhưỡng, cũng sụt giảm mạnh trong quý đầu 2018.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.