Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - TRUNG QUỐC

Trung Quốc cải tổ quân đội để mở rộng sức mạnh trên biển

Trung Quốc cải tổ quân đội nhằm mở rộng sức mạnh quân sự trên biển, vượt khỏi khu vực ảnh hưởng truyền thống trên đất liền, để bảo vệ các lợi ích chiến lược của nước này trong kỷ nguyên mới. Đây là nội dung một tài liệu lưu hành nội bộ vào tháng 02/2018 của Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc mà hãng tin Kyodo có được và công bố ngày 04/07/2018.

Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu với Hải quân Trung Quốc ngày 12/04/2018.
Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu với Hải quân Trung Quốc ngày 12/04/2018. Li Gang/Xinhua via REUTERS
Quảng cáo

Trước hết, tài liệu nhấn mạnh đến việc tăng cường gây hiềm khích với các nước láng giềng, trong đó có Nhật Bản, tại các vùng biển Hoa Đông, Biển Đông và một số khu vực khác. Tài liệu này cũng cho thấy Trung Quốc có chủ đích vượt qua Hoa Kỳ về sức mạnh quân sự, đúng với « tư tưởng tăng cường quân lực của chủ tịch Tập Cận Bình », tập trung vào chất lượng hơn số lượng ( theo thông báo của chủ tịch Tập năm 2015, từ 2,3 triệu, quân số sẽ giảm xuống còn 300.000 người), với một đội quân thiện chiến « sẵn sàng chiến đấu và chắc chắn thắng trận ».

Về mặt chiến lược, một chương trong tài liệu ghi rõ, ngoài việc tập trung vào sẵn sàng chiến đấu bảo vệ bờ biển, quân đội Trung Quốc cũng phải tăng cường khả năng tác chiến trên bộ, trên biển và trên không, đồng thời « phải mở rộng lợi ích quốc gia bên ngoài lãnh thổ ».

Một chương khác nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cải cách quân đội, theo mô hình của Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản và bẩy nước khác. Theo tài liệu, « các bài học trong lịch sử cho thấy một sức mạnh quân sự vững chắc là điều quan trọng để một quốc gia trở nên hùng mạnh » và tránh nỗi ám ảnh « chiến tranh đeo bám ». Cải cách quân đội cũng là một « bước ngoặt quan trọng cho một nước đang trỗi dậy để vượt qua một cỗ xe tiến chậm hơn », ám chỉ Hoa Kỳ.

Ví dụ về sự tan rã của Liên Bang Xô Viết và xáo trộn chính trị tại một số nước Đông Âu được tài liệu đưa ra để khẳng định phải kiểm soát chặt chẽ quân đội nhằm đảm bảo sự tồn tại lâu dài của đảng Cộng Sản Trung Quốc và chống lại các thế lực thù nghịch trong và ngoài nước.

Phương Tây cũng bị chỉ trích trong tài liệu vì đã kích động các nhà ly khai ở Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông đòi độc lập. Thành viên Pháp Luân Công bị cáo buộc tổ chức biểu tình và tấn công khủng bố.

Tài liệu kết luận cốt lõi của hệ thống là quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng Cộng Sản Trung Quốc, vốn lãnh đạo cả quân đội và Quân Ủy Trung Ương.

Trung Quốc hạ thủy hai tầu khu trục

Ngày 03/07/2018, hai tầu khu trục mới Type 055 đã được hạ thủy tại cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Đây là loại tầu đa năng, có khả năng phòng không tầm xa, chống ngầm và trên bộ. Trang Defense News cho biết hai tầu khu trục này có thiết kế rất giống với chiến hạm Aegis của Mỹ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.