Vào nội dung chính
HẠT NHÂN - ĐÀM PHÁN

Thượng đỉnh Mỹ-Triều : Thế nào là thành công đối với Hoa Kỳ ?

Thượng đỉnh Trump-Kim rất được trông đợi diễn ra hôm nay, 12/06/2018, tại Singapore. Theo đánh giá sơ bộ của giới quan sát, riêng việc tham gia vào một hội kiến ngang hàng với tổng thống Mỹ đã là một thành công lớn với Bình Nhưỡng, vốn bị cô lập từ hơn nửa thế kỷ, cho phép Bắc Triều Tiên có được một vị trí trong cộng đồng quốc tế. Còn đối với Hoa Kỳ, yếu tố nào cho phép khẳng định thành công ? Sau đây là phần tổng hợp ý kiến của một số chuyên gia, nhà ngoại giao, trước khi diễn ra cuộc thượng đỉnh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi kết quả thượng đỉnh với Kim Jong Un trong cuộc họp báo sau đó, Singapore, ngày 12/06/2018.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi kết quả thượng đỉnh với Kim Jong Un trong cuộc họp báo sau đó, Singapore, ngày 12/06/2018. Singapore Ministry of Communications and Information/Handout via
Quảng cáo

Báo Anh Quốc The Guardian (1) tóm tắt không khí chung của thượng đỉnh Mỹ-Triều như là một hội kiến « đầy bất trắc », với những hệ lụy lớn. Hai đối tác của thượng đỉnh này đều nổi tiếng với các phản ứng khó lường đoán trong bối cảnh nghi kỵ là điểm nổi bật trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên lâu nay.

Bắc Triều Tiên, quốc gia bị cô lập trong nhiều thập niên, đã nỗ lực phát triển hệ thống vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, như một phương tiện bảo đảm sự sống còn, nay tuyên bố sẵn sàng từ bỏ tham vọng hạt nhân để đổi lấy việc bình thường hóa quan hệ và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cho đến nay chưa hề có một cam kết cụ thể.

Về phía Hoa Kỳ, tổng thống Donald Trump đã nhiều lần khẳng định sẵn sàng bảo đảm an ninh và thịnh vượng cho Bình Nhưỡng, để đổi lấy cam kết từ bỏ vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, bảo đảm ra sao và cam kết từ bỏ như thế nào là điều mà tổng thống Mỹ dường như rất ít chú ý. Ông Trump cũng nổi tiếng là người tự coi là chỉ tin tưởng vào trực giác mách bảo và biệt tài thương lượng của mình, mà rất ít coi trọng ý kiến của các cố vấn. Tổng thống Mỹ cũng lừng danh là người thay đổi lập trường nhanh chóng.

Vậy, căn cứ vào đâu để đánh giá cuộc thượng đỉnh này là một thành công đối với Hoa Kỳ, trong trường hợp Washington tuyên bố ăn mừng chiến thắng ?

Hãng thông tấn Reuters hôm qua, 11/06, dẫn lời ông Williams Perry, cựu bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ thời tổng thống Bill Clinton. Theo cựu bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, bên cạnh cảm xúc hài lòng hay không - mà hai lãnh đạo Mỹ-Triều bày tỏ sau cuộc hội kiến - có hai điểm chủ yếu để đánh giá thượng đỉnh này là thành công hay thất bại với Washington.

Thông cáo chung và « các biện pháp cụ thể »

Thứ nhất là thông cáo chung phải đưa ra nguyên tắc « phi hạt nhân hóa » bán đảo Triều Tiên, và thứ hai là phải dự kiến được một tiến trình với « các biện pháp cụ thể » nhằm thực hiện mục tiêu này, và một thỏa thuận sơ bộ về « các biện pháp đầu tiên ».

Tổng thống Mỹ từng khẳng định ông sẽ cảm nhận được ngay từ phút đầu tiên, là có thể đạt được thỏa thuận với Kim Jong Un hay không. Cựu bộ trưởng Perry, người từng phụ trách các đàm phán về giải trừ hạt nhân với Bắc Triều Tiên thời Kim Jong Il - cha của Kim Jong Un, hy vọng là, về vấn đề này ông Donald Trump « có lý ». Ông kỳ vọng là nếu hai bên có thể đạt được một thỏa thuận, cho phép khởi sự « một tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn », thì đây sẽ là « một thành công lớn ».

Các biện pháp cụ thể của tiến trình này, theo cựu bộ trưởng Mỹ, là « quá phức tạp » để có thể được tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên bàn tới trong lần gặp này, nhưng mục tiêu lý tưởng là : cuộc hội kiến này sẽ mở đường cho việc các chuyên gia họp lại để bàn về các vấn đề kỹ thuật, mà toàn bộ tiến trình này có thể « sẽ kéo dài nhiều năm trời ».

Cựu bộ trưởng Williams Perry được coi là người dẫn dắt thành công các đàm phán với chế độ Bắc Triều Tiên cách nay một phần tư thế kỷ, từng khiến Bình Nhưỡng chấp nhận từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, để đổi lấy năng lượng, vào thời điểm đó (2).

« Hộp đen » không mở, thượng đỉnh chỉ là « trò diễn » !

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh đến các biện pháp phi hạt nhân hóa cụ thể. Vẫn báo Anh The Guardian dẫn lời nhà cựu ngoại giao Mỹ Robert Gallucci, người từng trực tiếp phụ trách các đàm phán với Bắc Triều Tiên đầu những năm 1990, thì điểm duy nhất đáng kể có thể coi là mấu chốt của thành công, đó là « một tuyên bố cụ thể về tiến trình phi hạt nhân hóa ». Ông nhấn mạnh, chỉ cần bấy nhiêu đã là thành công, cho dù không có thêm bất cứ kết quả nào khác, ngược lại, dù có bao nhiêu kết quả được tuyên bố, mà không có một kế hoạch cụ thể, thì kể như là Hoa Kỳ thất bại.

Theo chuyên gia Suzanne DiMaggio, giám đốc trung tâm tư vấn New America, chuyên về chính sách của Hoa Kỳ ở châu Á và Trung Đông, thì biện pháp cho các thanh tra giám sát vũ khí nguyên tử quốc tế vào Bắc Triều Tiên phải được coi là « một trong các mục tiêu chủ yếu ». Đây cũng là các nhân nhượng mà Bắc Triều Tiên từng đưa ra trong những thỏa thuận với các chính quyền Mỹ trước đây. Lần này, lãnh đạo Bình Nhưỡng có thể đi xa hơn, với việc cung cấp bản thống kê đầy đủ về các bộ phận của chương trình hạt nhân quân sự, « đã công bố hoặc chưa công bố ».

Ông Boris Toucas, chuyên gia về giải trừ hạt nhân thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS), có trụ sở tại Washington, chia sẻ với nhận định nói trên, với giải thích : « để thượng đỉnh có thể tuyên bố là một thành công, trước hết làm sao để ‘‘chiếc hộp đen’’ của Bắc Triều Tiên cuối cùng phải chấp nhận mở ra… Nếu không đây sẽ chỉ là một trò diễn ».

Thanh tra vào Yongbyon, ngừng làm giàu uranium

Nhiều chuyên gia nổi tiếng, trong đó có nhà khoa học nguyên tử Siegfried Hecker cảnh báo là quá trình dỡ bỏ hoàn toàn hệ thống vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên là một tiến trình lâu dài, bao gồm nhiều giai đoạn, và kéo dài ít nhất là 10 năm (3). Một báo cáo mới đây mà chuyên gia Hecker là đồng tác giả, nhấn mạnh là tiến trình phi hạt nhân hóa dần dần sẽ cho phép hai bên « thiết lập sự tin cậy và nhận thức được tình trạng phụ thuộc lẫn nhau » là « điều kiện cần thiết » cho việc phi hạt nhân hóa « hoàn toàn, chắc chắn » (xem thêm phần « Nỗ lực mới thúc đẩy giải trừ hạt nhân » trong bài).

Vẫn theo nhóm chuyên gia trên, việc các thanh tra quốc tế được phép vào các cơ sở hạt nhân, như cơ sở chính Yongbyon và việc ngừng toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc làm giàu uranium là các giai đoạn khởi đầu « quan trọng nhất ».

Nhà địa chính trị Pháp Mathieu Duchatel (4) cũng chung nhận xét trong vấn đề này, khi nhận định là một thỏa thuận có thể kiểm chứng được, về việc làm giàu uranium và plutonium, có thể coi là kết quả « tối thiểu », nhưng điều này chưa đủ để chính phủ Mỹ tuyên bố « thành công ». (Ông Mathieu Duchatel là phó giám đốc chương trình châu Á và Trung Quốc của Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Châu Âu/European Council on Foreign Relations).

Theo chuyên gia Pháp, dường như Hoa Kỳ không có con đường nào khác là « chấp nhận lô gic của Bình Nhưỡng, cụ thể là nhân nhượng đáp lại nhân nhượng, với hy vọng giảm bớt không khí hoài nghi đang tiếp tục đe dọa phá hỏng tiến trình mong manh này ». Mathieu Duchatel lưu ý là « một tiến trình » phi hạt nhân hóa không thể khởi sự sau thượng đỉnh Singapore, nếu hai bên không đạt được ngay lập tức một số kết quả.

****

(1) - Ngày 05/06/2018.

(2) - Thỏa thuận 1994 tan vỡ không lâu sau đó. Một trong các lý do là do Quốc Hội Hoa Kỳ do phe Cộng Hòa kiểm soát trở lại, đã từ chối thực hiện thỏa thuận hỗ trợ năng lượng cho Bắc Triều Tiên, bài « Washington – Pyongyang : une défiance réciproque », ngày 10/06/2018.

(3) - Le Monde, 11/06/2018.

(4) - Le Monde, 12/06/2018.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.